Nguồn cung và cầu có thể tăng
Năm 2018 được xem là một năm có khá nhiều diễn biến với thị trường bất động sản TP.HCM khi mà thị trường có dấu hiệu sụt giảm rõ nét cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tính từ đầu năm đến tháng 10/2018, tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường chỉ khoảng 65 dự án với tổng số 23.759 căn nhà.
Số liệu từ HoREA đưa ra cho thấy, đến hết tháng 10/2018, Sở Xây dựng TP.HCM chỉ chấp thuận cho 23 dự án được phép chuyển nhượng. Trong khi đó, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án, chi phí tăng cao, phải tinh giảm nhân sự và nguy cơ thua lỗ lớn nhưng chưa thể chuyển nhượng dự án để thu hồi vốn.
Bước vào quý I/2019, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn không mấy lạc quan hơn, một số phân khúc dường như không có sản phẩm mới. Tuy nhiên, sang quý II/2019 nhiều dự án căn hộ, biệt thự nhà phố đã bắt đầu được xây dựng, cất nóc… cho thấy dấu hiệu khởi sắc của thị trường trong thời gian tới.
Theo báo cáo mới nhất của DKRA, trong quý I/2019, nguồn cung căn hộ đạt 25% so với quý IV/2018, bằng 26% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ đạt 29% so với quý IV/2018 và 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, căn hộ hạng B (trên 3 tỷ đồng) dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường, không có dự án mới căn hộ hạng C mở bán, căn hộ hạng A và hạng sang tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Giá bán căn hộ trong quý duy trì xu hướng đi ngang từ giữa năm 2018.
Ông Phạm Lâm - CEO Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam cho biết, quý II/2019, nguồn cung căn hộ trên thị trường được dự báo có thể sẽ lên đến mức 5.000 - 7.000 căn, nguồn cung và sức cầu của thị trường có thể tăng hơn so với quý I. Trong đó, khu Đông và khu Nam chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Phân khúc căn hộ hạng A và B tiếp tục dẫn dắt thị trường, nguồn cung căn hộ hạng C khan hiếm khi chưa có nhiều dự án mới sẵn sàng ra thị trường.
Còn theo nhận định của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản TP.HCM mặc dù có sự sụt giảm về số lượng cung và giao dịch, nhưng có xu hướng tăng mạnh về tỷ lệ hấp thụ tại các dự án mới. Điều này cho thấy lực cầu tại khu vực này vẫn rất cao. Giá bất động sản nhà ở có chiều hướng tăng nhẹ nhưng không sốt, có xuất hiện một số điểm nóng về thị trường đất nền nhưng đều được kiểm soát nên không xảy ra “bong bóng” bất động sản.
Cũng theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thời gian tới, nguồn cung từ các dự án bất động sản sẽ tăng mạnh so với quý I bởi việc phê duyệt, xử lý hồ sơ, thủ tục các dự án phát triển bất động sản mới từ các cơ quan quản lý Nhà nước đang có dấu hiệu tích cực. Theo đó, nguồn cung chủ đạo tiếp tục là dòng sản phẩm căn hộ, trong đó, phần lớn là phân khúc bình dân và trung cấp; lượng giao dịch cũng sẽ tăng mạnh bởi nguồn cung dồi dào, phong phú từ các dự án ra hàng. Đồng thời, giá nhà ở có thể tăng nhẹ ở mọi phân khúc.
Kỳ vọng thị trường sẽ nhộn nhịp
Theo báo cáo tổng quan và nhận định thị trường của DKRA, trong 3 tháng đầu năm 2019, các phân khúc khác có dấu hiệu chững lại thì biệt thự nhà phố tăng trưởng nhẹ. Về nguồn cung biệt thự nhà phố, thông tin thị trường cho thấy, có 3 dự án đáng chú ý của phân khúc nhà phố/biệt thự được mở bán trong quý I/2019, cung cấp ra thị trường 183 căn, bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 66% nguồn cung mới, bằng 34% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các chủ đầu tư của phân khúc này chú trọng đến việc phát triển, đầu tư tiện ích, nhằm nâng cao chất lượng công trình, chất lượng cuộc sống cho cư dân.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Cấp cao CBRE Việt Nam dự báo, quý II/2019, phân khúc biệt thự/nhà phố nguồn cung không có nhiều biến động và dao động ở mức 200 - 300 căn. Trong đó, khu Đông và khu Nam chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung và sức cầu phân khúc này có thể sẽ duy trì xu hướng phát triển nhẹ. “Nhìn chung, thị trường biệt thự nhà phố xây sẵn của TP.HCM đang dịch chuyển trọng tâm rõ nét về các khu vực vùng ven và giáp ranh giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An”, bà Dương Thùy Dung cho hay.
Nhận định về thị trường bất động sản hiện nay và dự báo về quý II/2019, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết: Mọi năm đến thời điểm hết quý I và bắt đầu quý II, trên địa bàn TP.HCM luôn có hàng chục doanh nghiệp chào mắt sản phẩm mới và cất nóc các dự án trước thời gian. Nhưng từ năm 2019, thị trường trở nên trầm lắng và hiếm có nhiều dự án khởi công hay cất nóc, chỉ có một vài doanh nghiệp nổi bật đưa ra sản phẩm nên thị trường không có nhiều sự lựa chọn.
“Thị trường hiện nay đang gặp khó khăn bởi nhiều tác động, vướng mắc về pháp lý là vấn đề khiến cho nhiều chủ đầu tư không thể ra dự án. Thời gian qua, HoREA luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành và lãnh đạo TP.HCM xem xét, có cơ chế riêng tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Điển hình là việc xem xét cho hơn 100 dự án trên địa bàn TP.HCM được tiếp tục xây dựng, nếu hoàn thành thì thị trường bất động sản sẽ nhộn nhịp hơn, người mua có thể tiếp cận được các phân khúc hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được gỡ khó và tạo đà phát triển, góp phần xây dựng thành phố”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.
Nhìn vào tổng quan thị trường, các chuyên gia bất động sản kỳ vọng, thị trường bất bất động sản TP.HCM tiếp tục tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc. Mặc dù vậy, quá trình phê duyệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến những dự án phát triển mới trong năm 2019. Do đó, việc tìm nguồn cung sạch và minh bạch sẵn sàng để đầu tư vẫn đang là thách thức cho các nhà phát triển và đầu tư bất động sản trong thời gian tới.