Dấu ấn kiến trúc ngoại
Trong thời gian qua, theo nhịp sống kinh tế - xã hội, bên cạnh những công trình kiến trúc mang đậm nét bản địa, những công trình có yếu tố kiến trúc ngoại cũng xuất hiện ngày càng phổ biến. Các công trình này nằm ở nhiều thể loại và đa dạng, như chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, hay các tổ hợp đa chức năng. Đây cũng là một trong những yếu tố được chủ đầu tư dự án đem ra để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Năm 2019, trước bối cảnh nguồn cung bất động sản giảm sút mạnh, thị trường bất động sản phía Nam ghi nhận số lượng lớn sản phẩm đến từ dự án Vinhomes Grand Park tại quận 9 (TP.HCM) do Công ty cổ phần Vinhomes làm chủ đầu tư.
Ngay sau khi được chủ đầu tư chính thức công bố, dự án đã thu hút được sự chú ý của người mua. Ngoài uy tín đã được khẳng định trên thị trường của chủ đầu tư, một trong những yếu tố giúp dự án này có sức hút là do được thiết kế bởi Tập đoàn Artelia (Artelia Group) - đơn vị danh tiếng từ Pháp. Hơn nữa, dự án còn được tổ chức vận hành ứng dụng theo mô hình đô thị thông minh đang thịnh hành trên thế giới như tại Singapore, Songdo (Hàn Quốc), Fujisawa (Nhật Bản)...
Tương tự, Tập đoàn Sunshine Group cũng đánh dấu bước chân đầu tiên của mình tại thị trường bất động sản TP.HCM với dự án Sunshine City Sài Gòn tại quận 7. Dù không công bố đơn vị thiết kế, nhưng đại diện chủ đầu tư khẳng định, đây là sản phẩm của các kiến trúc sư ngoại. Dự án được tư vấn và giám sát bởi Công ty TNHH Apave châu Á - Thái Bình Dương, công ty do Tập đoàn APAVE (Pháp), tổ chức hàng đầu thế giới về tư vấn kỹ thuật và thẩm định an toàn chất lượng sở hữu 100%.
Theo quảng cáo, kiến trúc của dự án là sự giao thoa của những thành phố thịnh vượng bậc nhất trên thế giới như cuộc sống giàu có ven sông của Monaco, sự phồn hoa của Paris, hay kết tinh truyền thống và hiện đại của London.
Còn dự án căn hộ Centennial Ba Son Sài Gòn tại quận 1 (TP.HCM) của Tập đoàn Alpha King cũng được giới thiệu do Tập đoàn BC&D (Hồng Kông, Trung Quốc) - đơn vị nổi tiếng trên thế giới với lối thiết kế tối ưu hóa, mang phong cách hiện đại thiết kế và thi công. Dự án được thiết kế, xây dựng theo công nghệ hiện đại (BIM) và áp dụng theo tiêu chuẩn xanh LEED (Mỹ).
Cũng trong năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền đã trình làng 2 dự án là Safira (quận 9) và Lovera Vista (huyện Bình Chánh). Đây đều là sản phẩm được thiết kế bởi Ong&Ong Singapore - đơn vị thiết kế lớn nhất Đông Nam Á.
Theo một số doanh nghiệp, quan điểm quy hoạch của các chủ đầu tư hiện tại có 2 xu hướng khác nhau. Một là theo kiểu ngắn hạn, tìm quỹ đất có quy mô nhỏ, nằm xen kẽ khu dân cư hiện hữu và làm nhanh để bán. Xu hướng thứ hai là làm lớn, đầu tư vào một khu dân cư mới với quy mô từ vài chục đến hàng trăm héc-ta.
Với những dự án lớn như vậy, yêu cầu đặt ra là phải phân bổ đảm bảo tiêu chí quy hoạch, tạo ra hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Do đó, các công ty thiết kế đến từ nước ngoài là sự lựa chọn ưu tiên, bởi họ có tầm nhìn kiến trúc dài hạn, thời gian có thể lên tới cả trăm năm.
Kiến trúc sư nội đi tìm chỗ đứng
Trao đổi với PV, KTS. Phạm Thanh Truyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Cát Mộc cho biết, cuộc cạnh tranh giữa kiến trúc sư nội và kiến trúc sư nước ngoài rất khốc liệt và kiến trúc nội đang có phần lép vế. Nguyên do bởi khoảng cách về mặt vật liệu và kỹ thuật giữa kiến trúc sư trong nước và kiến trúc nước ngoài cách nhau quá xa.
“Trình độ khoa học kỹ thuật tại Việt Nam còn cách khá xa với nước ngoài. Nếu muốn rút ngắn khoảng cách, chỉ có cách lựa chọn và cử người đi du học để tiếp cận với nền khoa học của các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng về Việt Nam”, ông Truyền nói.
Đồng quan điểm, KTS. Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho biết, cái khó nhất trong thời điểm hiện tại là kiến trúc phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Trong khi đó, nhiều kiến trúc sư Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm và kỹ năng về việc này, nên việc các chủ đầu tư dự án lựa chọn kiến trúc sư ngoại là điều dễ hiểu.
“Chủ đầu tư cũng là doanh nghiệp, tiền phát triển dự án là tiền của doanh nghiệp, nên họ có quyền lựa chọn đơn vị thiết kế, xây dựng. Mình không thể nói là tại sao không giao cho kiến trúc sư nội”, ông Lưu nói và cho biết thêm, phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, đối với những công trình lớn mang tầm cỡ quốc tế như Sân bay Long Thành, chắc chắn các kiến trúc sư trong nước không thể làm được.
“Không chỉ đối với kiến trúc, mà tất cả các lĩnh vực khác, chúng ta đều đi sau nước ngoài rất nhiều. Hơn nữa, cái khó nhất hiện nay là kiến trúc sư Việt Nam hoạt động manh mún, không có tính thống nhất và đoàn kết, nên khi nhận một công trình lớn, chắc chắn không thể đảm bảo tiến độ, cũng như chất lượng”, ông Lưu nhấn mạnh.
Dưới góc độ là lãnh đạo một tập đoàn bất động sản, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, lý do khiến thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho kiến trúc sư ngoại là bởi các công ty thiết kế trong nước còn nhiều hạn chế về trình độ, về kỹ thuật xây dựng, hạ tầng và quy hoạch…
Khi chủ đầu tư muốn nâng tầm dự án của mình lên, họ sẽ tìm đến những nhà thiết kế nước ngoài, đẳng cấp quốc tế, đặc biệt là các công trình cao tầng. Bởi hiện nay, không có nhiều kiến trúc sư trong nước có kinh nghiệm xử lý những vấn đề liên quan đến kết cấu.
“Khoảng cách này sẽ ngắn lại trong tương lai. Bởi sau quá trình tích lũy về kinh nghiệm, các công ty thiết kế trong nước sẽ có điều kiện đáp ứng được chất lượng tốt hơn”, bà Hương nói và cho biết thêm, có một vấn đề mà hiện nay ít ai để ý tới, đó là kiến trúc gắn liền với văn hóa, lịch sử. Cụ thể, khi chúng ta bước chân qua một lãnh thổ nào đó, thì điều đầu tiên chúng ta nhận thấy sự khác biệt là kiến trúc. Kiến trúc cũng thể hiện văn hóa, bởi khi muốn nhìn lại lịch sử, thì có thể nhìn qua các công trình kiến trúc của từng thời đại.
“Đối với bất động sản, khi phát triển dự án, các chủ đầu tư không nên chỉ nhìn ở góc độ thương mại, mà phải tính đến giá trị lâu dài. Bởi giá trị sử dụng của bất động sản không phải chỉ trong hiện tại, mà hướng tới tương lai, thậm chí là nhiều thế hệ về sau. Đây cũng là vấn đề mà các nhà kiến trúc cần quan tâm, không chỉ thiết kế một ngôi nhà để ở bình thường, mà còn phải mang tính văn hóa, lịch sử cao”, bà Hương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng địa ốc Copi Home cho biết, kiến trúc sư nội hiện nay vẫn có chỗ đứng, bởi chỉ có kiến trúc sư trong nước mới hiểu rõ được văn hóa, thói quen sinh hoạt, cách bố trí của người Việt.
Đơn cử, việc thiết không gian cho một căn nhà, nếu chọn bản thiết kế của kiến trúc sư ngoại thì chắc chắn sẽ không có chỗ để chủ nhà làm ban thờ. Hơn nữa, chính kiến trúc sư nội mới hiểu được điều kiện thổ nhưỡng của nước mình, nên mới đưa ra bản thiết kế phù hợp nhất.
“Một kiến trúc sư giỏi ở nước ngoài chưa chắc đã thiết kế tốt không gian sống cho người Việt ở tại Việt Nam”, ông Phi nói và cho biết, nếu một chủ đầu tư muốn thuê kiến trúc sư nổi tiếng ở nước ngoài về thiết kế cho công trình của mình, thì điều đầu tiên mà kiến trúc sư này cần làm là bỏ ra 3 - 6 tháng lăn lộn trong môi trường, cuộc sống hàng ngày để hiểu được nét văn hóa nơi đó có gì đặc trưng, thị hiếu của người dân là gì…
“Khi công trình được hình thành, dù là chất lượng 6 - 7 sao, hay bề ngoài rất đẹp, nhưng khi vào bên trong thì cảm thấy không gian rất quen thuộc. Đây mới là đẳng cấp cao nhất của người thiết kế, chứ nếu như chỉ chú trọng vào cái vỏ bề ngoài, thì công trình kiến trúc đó thật sự không có giá trị”, ông Phi nhấn mạnh.