6 yếu tố tác động tới thị trường bất động sản
Trong báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản năm 2022 sẽ chịu tác động.
Thứ nhất, tác động của đại dịch Covid-19. Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 với tỷ lệ người được tiêm chủng rất cao và đã sản xuất được thuốc điều trị, giúp cho nền kinh tế và thị trường bất động sản dần trình phục hồi và tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chuyển sang trạng thái bình thường mới, chủ động thích ứng linh hoạt, sản xuất kinh doanh sống chung an toàn với các biến thể mới như Omicron…
Đại dịch cũng đã tạo ra áp lực đổi mới toàn diện hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh bất động sản, nhất là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ như thực tại ảo VR, trí tuệ nhân tạo AI, internet kết nối vạn vật, blockchain, làm việc từ xa, qua zoom, xây dựng platform…
Thứ hai, tác động của các bất ổn địa chính trị và tranh chấp thương mại quốc tế. Do nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu nên các bất ổn địa chính trị và tranh chấp thương mại quốc tế, bất ổn trong chuỗi cung ứng đều tác động trực tiếp đến nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Thứ ba, tác động của “rủi ro” tiềm ẩn lạm phát, chỉ số CPI tăng cao hơn mức mục tiêu. Dưới các tác động khó lường từ bên ngoài và gói kích thích kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội với giá trị hơn 350 nghìn tỷ đồng cũng gây ra “rủi ro” tiềm ẩn làm gia tăng lạm phát, tăng chỉ số CPI cao hơn mức mục tiêu trong năm 2022. Nhưng, với tỷ trọng phần lớn gói kích thích kinh tế nhằm thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng, trong đó có khoảng 15.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động nên đã hạn chế “rủi ro” nguy cơ lạm phát.
Thứ tư, tác động của chính sách pháp luật đối với thị trường bất động sản. Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào việc năm 2022, Quốc hội sẽ tạo chuyển biến bước ngoặt trong công tác xây dựng pháp luật, sẽ xem xét các Đề án Luật Nhà ở 2014(sửa đổi), Đề án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Đề án Luật Đất đai 2013 (sửa đổi).
Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng Quốc hội sẽ xem xét lại và chấp thuận đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 01/12/2021 đề nghị công nhận trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” tháo gỡ “ách tắc” cho các dự án khu đô thị, nhà ở có quy mô diện tích lớn, khắc phục tình trạng “lệch pha cung - cầu” trên thị trường và tình trạng thiếu hụt nhà ở có giá phù hợp. Cùng với đó là việc khắc phục các “vướng mắc” pháp lý đối với loại hình “bất động sản du lịch nghỉ dưỡng”.
Thứ năm, các dự án phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng quốc gia, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc nối TP.HCM đến Cà Mau và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc và các tuyến đường vành đai Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, phát triển đô thị, các khu dân cư mới và sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản hơn nữa kể từ năm 2022. Có thể nói giao thông là nhân tố giữ vai trò quyết định sự bứt phá của nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Thứ sáu, “sốt ảo giá đất” đi đôi với hoạt động đầu cơ nhà, đất đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong 2 tháng đầu năm 2022 cần được các địa phương quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời các đầu nậu, “cò đất, cò nhà”, doanh nghiệp bất lương để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Nhà đầu tư sẽ điều chỉnh chiến lược
Ở thời điểm hiện tại, với những yếu tố tác động tới thị trường bất động sản, giới chuyên gia nhận định sẽ có những chuyển biến về cơ cấu sản phẩm từ phía doanh nghiệp phát triển dự án và nhà đầu tư cũng như người mua. Thực tế, khi thực hiện lệnh giãn cách, ngôi nhà được biến thành nơi hội tụ “tất cả trong một” khi vừa là nơi cư trú, vừa là văn phòng làm việc, lớp học, nơi nghỉ ngơi, thư giãn… Điều này đã tác động mạnh đến tâm lý và quyết định xuống tiền của nhà đầu tư trong dài hạn.
Mặt khác, xu thế của doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản hiện nay là tập trung vào phát triển các dự án có quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm héc - ta. Các dự án này có thể tiếp tục dẫn dắt thị hiếu của các khách hàng với sự lựa chọn đa dạng từ căn hộ đến nhà phố, shophouse hay biệt thự tại các khu đô thị lớn. Giới chuyên gia nhận định, đây cũng sẽ là xu thế lựa chọn của các nhà đầu tư trong năm 2022.
Ông Piyush Gupta, Giám đốc Điều hành Thị trường Vốn và Dịch vụ Đầu tư tại Colliers India cũng cho biết: “Đại dịch đã thúc đẩy một số xu hướng cơ cấu và sẽ có những thay đổi lâu dài về kinh doanh bất động sản. Điều này tạo ra một số cơ hội cho các nhà đầu tư muốn làm mới danh mục hoặc điều chỉnh chiến lược sang các lĩnh vực có mức tăng trưởng tốt. Một số lĩnh vực hút vốn như nhà ở, khu công nghiệp, bất động sản phục vụ khoa học đời sống, hay các trung tâm dữ liệu. Cơ hội sẽ tăng lên với những nhà đầu tư có chiến lược phù hợp với những thay đổi về mô hình làm việc và thói quen tiêu dùng tại từng khu vực”.
Còn ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhìn nhận, dù trong bối cảnh các ca bệnh Covid-19 tăng mạnh trở lại tại nhiều tỉnh thành, vẫn sẽ khó xuất hiện tình trạng thị trường bất động sản “ngủ đông” như giai đoạn 2021. Tác động từ làn sóng lần này đến tâm lý tiêu dùng không lớn nhờ miễn dịch cộng đồng đang tốt lên. Đây cũng là năm thứ 3 sống chung với dịch Covid-19 nên người mua nhà dần thích nghi hơn. Xét theo thực trạng hiện tại, dù số lượng ca tăng nhanh nhưng sẽ không xuất hiện tình trạng ngăn sông cách chợ như 2021. Việc mua bán, giới thiệu các sản phẩm ra ngoài thị trường sẽ không bị trì hoãn hay gặp khó khăn do khó tiếp cận người mua nhà.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư vẫn duy trì tâm thế lạc quan, có sự chuẩn bị và vẫn mạnh dạn trong triển khai dự án mới. Đây là chất “kích thích” sẽ giúp tạo đà hưng phấn cho thị trường bất động sản tiếp tục giữ nhiệt và sôi động.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, thị trường nhà ở sẽ khởi sắc, dự báo nửa cuối năm phân khúc nhà ở sẽ lấy lại phong độ về nguồn cung. Hiện tại có hơn hàng chục chủ đầu tư rục rịch triển khai dự án với lượng cung lớn. Người mua cũng đã bắt đầu kết nối lại với các sàn giao dịch để tìm hiểu sản phẩm. Nhu cầu của người mua, đặc biệt là người mua để ở vẫn còn rất mạnh. Xung đột thế giới cũng phần nào tạo ra tâm lý lo sợ sẽ xuất hiện đợt lạm phát mạnh sau 10 năm (2011 lạm phát 18%). Người dân sẽ có tâm lý tìm kênh trú ẩn như vàng, USD và một phần tích trữ vào bất động sản. Theo đó, thanh khoản của thị trường sẽ tốt lên so với năm 2021./.