Aa

"Thị trường BĐS cuối năm 2016 sôi động hơn khi ngân hàng dồn dập giảm lãi suất"

Thứ Ba, 15/11/2016 - 07:01

GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định, có 2 tín hiệu đáng mừng trong thị trường bất động sản cuối năm 2016, đó là: một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khả năng chi phí vốn thấp đi, thị trường BĐS sẽ có lợi hơn rất nhiều; đồng thời càng cuối năm, lượng giao dịch ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng càng tăng mạnh.

Vốn trong dân đang “hút” vào khu vực BĐS nghỉ dưỡng

Theo GS Đặng Hùng Võ và rất nhiều chuyên gia BĐS khác, thị trường BĐS cuối năm 2016 vẫn tiếp tục sôi động với khối lượng giao dịch tăng. “Năm sau sẽ còn tăng thêm giao dịch” – ông khẳng định. Nhưng tăng mạnh nhất phải kể đến khu vực BĐS nghỉ dưỡng.

GS Đặng Hùng Võ

BĐS nghỉ dưỡng không chỉ hút khách mà còn hút nhiều nhà đầu tư vào thị trường hấp dẫn này

Tính từ thời điểm đầu năm đến nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang thực sự phục hồi mạnh mẽ với con số giao dịch ấn tượng, hầu hết các chủ đầu tư đều thông báo tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các “ông lớn” muốn đầu tư phân khúc bất động sản cao cấp này. Nguyên nhân rõ nhất có thể nhìn thấy là kinh tế phát triển, điều kiện cuộc sống con người được cải thiện, nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng trở thành một xu hướng tất yếu. Càng về cuối năm, khi nhu cầu nghỉ dưỡng và đầu tư tăng lên, số lượng giao dịch BĐS nghỉ dưỡng càng tăng.

 
BĐS nghỉ dưỡng không chỉ hút khách mà còn hút nhiều nhà đầu tư vào thị trường hấp dẫn này

BĐS nghỉ dưỡng không chỉ hút khách mà còn hút nhiều nhà đầu tư vào thị trường hấp dẫn này

“Khối lượng giao dịch sẽ càng tăng về cuối năm, tháng sau tăng hơn tháng trước. Nhiều người dân cảm thấy có lợi khi đầu tư vào khu vực mới mẻ này. Vốn trong dân đã bắt đầu hút vào khu vực BĐS nghỉ dưỡng” – GS Võ nói.

 

Tuy nhiên, dù đang hút vốn trong dân mạnh mẽ, ông Đặng Hùng Võ vẫn đưa ra khuyến cáo 2 vấn đề phức tạp vẫn còn tiềm ẩn rủi ro trong phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Thứ nhất, người dân chưa thực sự tin vào lãi suất của nhà đầu tư đưa ra, như lãi suất 8%-10%/năm: “Một số nhà đầu tư lớn đang làm được như Vingroup, Sungroup… Nhưng liệu có phải tất cả các nhà đầu tư đều làm đúng cam kết hay không thì chưa ai biết? Vẫn còn nhiều chủ đầu tư thiếu chuyên nghiệp tham gia vào phân khúc này. Cái cam kết của chủ đầu tư đôi khi còn bỏ lửng, vì thế nhiều người vẫn còn rụt rè trong chuyện đầu tư”.

Thứ hai, rất nhiều dự án thuê đất của nhà nước có thời hạn 50 năm. Một số dự án đã chuyển sang đất sử dụng dài hạn, nhưng hầu hết còn lại vẫn là thuê 50 năm. Người dân phải tìm hiểu rõ thông tin minh bạch về dự án, đó là đất dài dạn hay thuê 50 năm? Sau này phải chuyển đổi sang đất sử dụng dài hạn hay không? Thậm chí phải tính cả chuyện liệu có tiền có chuyển đổi được không? Khi chưa tìm hiểu được minh bạch thông tin, độ rủi ro trong đầu tư sẽ còn rình rập.

Theo GS Võ, trước khi bỏ tiền đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng, người dân cần phải tìm hiểu thông tin thật chính xác, nên tìm đến những chủ đầu tư có uy tín. Đến nay, Luật nhà ở, Luật kinh doanh, Luật đất đai… đều quy định tất cả các dự án phải công khai thông tin đầy đủ. Khung pháp lý đã có, chủ đầu tư phải cung cấp đầy đủ thông tin, trừ những chủ đầu tư thuê đất 50 năm muốn mập mờ để bán được hàng thì khách hàng phải… dè chừng.

Đánh giá thêm về các phân khúc BĐS khác, theo ông Đặng Hùng Võ, ngoài khu vực BĐS nghỉ dưỡng, BĐS nhà ở vẫn chưa thể “cất cánh” lên được, vẫn còn khá trì trệ. Đến cuối năm nay, phân khúc này vẫn sẽ tiếp tục nghịch lý: Khu vực nhà ở cao cấp thì khả năng “cung” tăng nhưng “cầu” không cao. Ngược lại, khu vực nhà bình dân giá rẻ “cung” hụt đi (do chính sách nhà ở xã hội thiếu tín dụng, gói 30.000 tỷ đã kết thúc) trong khi “cầu” lúc nào cũng cao.

Bất động sản có lợi nhờ lãi suất cho vay giảm

Trong năm 2016, người dân từng “thảng thốt” khi TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đồng loạt “bêu tên” những dự án BĐS đang thế chấp tại ngân hàng. Nhưng thực tế thì, đây là chuyện bình thường trong giới kinh doanh BĐS. Việc doanh nghiệp BĐS thế chấp dự án là hợp pháp, đúng quy định của Luật Kinh doanh BĐS.

Những tháng cuối năm 2016, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát “chặt” đồng vốn thông qua việc sửa Thông tư 36. “Nhưng một số ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay. Đó là tín hiệu mừng cho bất động sản. Khả năng chi phí vốn những ngày cuối năm và sang năm sau sẽ thấp đi, như vậy thị trường có lợi hơn” – ông Võ nhận định.

Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay giúp chủ dự án không

Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay giúp chủ dự án không "đau đầu" về vốn, người mua nhà cũng được hưởng lợi

Nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu giảm lãi suất cho vay, có nơi giảm mạnh từ 1%/năm đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới. Đơn cử, từ tháng 10/2016, Ngân hàng Vietcombank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được ngân hàng này điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm.

Ngân hàng HDBank Hồ Chí Minh cũng giảm lãi suất cho vay, tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm, giảm 1%/năm. HDBank cũng mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm; lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ngân hàng BIDV và Vietinbank cũng quyết định giảm lãi suất huy động…

“Lãi suất đầu vào hạ sẽ giúp đầu ra giảm theo, doanh nghiệp BĐS vay vốn sẽ giảm chi phí vốn. Lãi suất vay tín dụng xuống thấp đồng thời kích thích người dân mua nhà để ở, an cư lạc nghiệp, giúp thị trường BĐS hồi phục” – GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận. Theo đó, người mua nhà sẽ có nhiều lựa chọn hơn nếu lãi suất cho vay đầu tư và mua bất động sản dễ thở hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top