Aa

Thị trường bất động sản kỳ vọng gì khi room tín dụng được nới lên 14%?

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 23/07/2023 - 06:00

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Điều này đặt ra nhiều kỳ vọng khởi sắc cho thị trường bất động sản.

Khoảng 1,67 triệu tỷ đồng sẽ được rót vào nền kinh tế 2023

Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, với mức giao toàn hệ thống là 14% tăng từ mức 11% trước đó.

Với mức tăng trưởng tín dụng được giao lên tới 14%, tương đương sẽ có khoảng gần 1,67 triệu tỷ đồng vốn từ hệ thống các tổ chức tín dụng rót vào nền kinh tế trong năm 2023. Nếu chỉ tính riêng mức tăng 3% vừa được phân bổ trong đợt này, số tiền dự kiến đẩy thêm ra thị trường tương đương khoảng 358.000 tỷ đồng.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến 27/6, tín dụng tăng 4,03% so với đầu năm và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Còn trước đó, tăng trưởng tín dụng đến 15/6 mới chỉ đạt 3,36%.

Với mức tăng trưởng tín dụng trung bình 4,73% trong nửa đầu năm, ước tính hệ thống ngân hàng đã bơm ròng ra nền kinh tế khoảng 560.000 tỷ đồng.

Như vậy, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2023 thì từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ròng ra nền kinh tế thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, với mức giao toàn hệ thống là 14%. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn cho nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được đánh giá là chính sách quan trọng, nhằm cung ứng thêm nguồn vốn tín dụng hỗ trợ kịp thời nhu cầu của nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Đặc biệt, điều này sẽ nhen nhóm thêm hy vọng hồi phục và khởi sắc của thị trường bất động sản trong 6 tháng cuối năm.

Hiện tại, dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản đang chuyển động khá dè dặt. Tính đến cuối tháng 6/2023, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản đạt gần 2,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng). Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.

Vì vậy, nhiều đánh giá cho rằng, khi room tín dụng được nới rộng, lượng tiền đổ ra thị trường nhiều hơn, lĩnh vực bất động sản kỳ vọng sẽ có cơ hội tốt hơn trong việc huy động vốn. Và khi giải quyết được bài toán về dòng vốn, thị trường sẽ có cơ hội thêm “đảo chiều” để bước vào một chu kỳ phát triển mới.

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp địa ốc

Đánh giá về việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 14% của nhà quản lý tiền tệ mới đây, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, động thái này thể hiện quan điểm của NHNN rất rõ ràng đó là mong muốn các ngân hàng thương mại cùng với việc giảm lãi suất phải đẩy được vốn ra nền kinh tế. 

Ông Ngọc nói, nếu nhìn bình diện toàn hệ thống, room tín dụng NHNN đã phân bổ tới các ngân hàng (11%) chưa dùng hết. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ từng ngân hàng, trên thực tế có không ít ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được cấp hồi đầu năm. 

“Đối với các ngân hàng đã cạn room tín dụng được cấp hồi đầu năm, việc đảo nợ cho khách hàng cũng gặp khó; đồng thời, giảm lãi suất mà không có room thì ngân hàng cũng không cho vay ra nền kinh tế được. Vì vậy, với các ngân hàng hết room thì động thái này có ý nghĩa rất lớn, là cơ hội để họ tăng trưởng tín dụng thêm. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến nợ, hoãn nợ,… các ngân hàng cũng có cơ hội thực hiện các hoạt động này bình thường.

Trong khi đó, với các ngân hàng chưa dùng hết room tín dụng sẽ có ý nghĩa ở góc độ có room lớn hơn để phát triển cho vay, có thể cho vay rộng tay hơn, không cần phải căn cơ quá mức từ nay tới cuối năm”, ông Đỗ Bảo Ngọc nhấn mạnh.

Với riêng lĩnh vực bất động sản, chuyên gia này cho rằng, khi dòng vốn đổ ra nền kinh tế lớn thì dư địa cho vay lĩnh vực bất động sản cũng sẽ lớn. Cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với vốn tín dụng chắc chắn rộng mở hơn. Và đây là điều quan trọng đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh “tiền khó”, “khát vốn” như hiện nay.

Huỳnh Thanh Điền
TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia tài chính - tiền tệ, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NVCC)

Nhìn nhận về vấn đề, TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia tài chính - tiền tệ, giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) nhận định: “Mở tín dụng thì thị trường bất động sản sôi động, thắt tín dụng thì thị trường bất động sản “đứng hình”. Cần tạo nền tảng căn cơ cho bất động sản. Nếu không thì cứ “đứng hình” rồi “vực dậy”, “vực dậy” rồi lại “đứng hình”.

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, vốn tín dụng là dòng vốn quan trọng đối với thị trường bất động sản từ trước đến nay. Khi dòng vốn này có chiều hướng kiểm soát hồi giữa năm 2022, thị trường bất động sản đã ngay lập tức có dấu hiệu suy giảm, kéo dài đến thời điểm hiện tại. Vì vậy, động thái nới room tín dụng từ 11% lên 14% của NHNN trong bối cảnh này là rất cần thiết.

Tất nhiên, để tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản thì cần phải xem xét thêm 2 yếu tố, đó là kinh tế hồi phục và khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp. Thực tế, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn ở mặt bằng cao và đầu ra của tín dụng được cho là vẫn khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Vì vậy, TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, mặt bằng lãi suất thời gian tới vẫn cần có những điều chỉnh trong phạm vi cho phép để tăng khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn thách thức. Theo đó, bên cạnh lãi suất tiết kiệm, lãi suất cho vay nên hạ xuống mức 6-8% để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

“Lưu ý thêm, bất động sản cần xem xét 2 thị trường là sơ cấp và thứ cấp. Để doanh nghiệp bán được ngay ở thị trường sơ cấp thì bơm vốn tín dụng cho người mua là hoàn toàn hợp lý. Nhưng cần phải hạn chế tín dụng cho thị trường thứ cấp mua đi bán lại. Bởi việc mua đi bán lại sẽ hình thành sự đầu cơ, tăng giá sản phẩm”, vị chuyên gia bày tỏ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top