Tâm lý vẫn là “nút thắt” lớn của thị trường bất động sản
Nền kinh tế tiếp tục còn nhiều dấu hiệu của sự sụt giảm, đuối sức và bất động sản là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên nhân của sự vắng bóng các giao dịch bất động sản trong thời gian qua chủ yếu là do niềm tin của các nhà đầu tư, người mua đang phải chịu ảnh hưởng, hạn chế về mức tín dụng, lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao.
Điều này đã gây ảnh hưởng đến tâm lý chung trên thị trường, nhiều người hoang mang, lo ngại việc bỏ tiền vào thị trường bất động sản sẽ còn nhiều tiêu cực, khó khăn hoặc họ muốn giữ tiền chờ bất động sản giảm sâu hơn nữa. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân đang chưa tương xứng với giá nhà ở hiện tại, gây khó khăn trong việc tiếp cận mua nhà, nguồn cung bất động sản đối mặt với nhiều thách thức.
Batdongsan.com.vn cho biết, trong quý II/2023 vừa qua, hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp 3,58% (so với 8,51% cùng kỳ 2022), lãi suất huy động đã giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay vẫn đang duy trì ở mức cao trên 13%. Bên cạnh đó, kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa phục hồi.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng người có nhu cầu giao dịch và tìm mua bất động sản trên toàn quốc đã giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022, lượng đăng tin bán bất động sản giảm đến 44% và lượng quan tâm mua bán đất nền cũng giảm gần 50% so vời cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, dựa vào những số liệu thống kê đã cho thấy nửa đầu năm 2023 thị trường bất động sản đã phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa thể khắc phục ngay được. Dù Chính phủ đã rất nỗ lực có những động thái quyết liệt tháo gỡ nhưng vẫn chưa có độ thẩm thấu vào thị trường do còn nhiều cản trở thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.
“Ở các giai đoạn khủng hoảng trước đây, ngay khi có sự hỗ trợ chính sách từ phía Chính phủ thì thị trường sẽ nhanh chóng sôi động trở lại. Tuy nhiên, hiện nay tâm lý thị trường bất động sản vẫn đang xuống ở mức rất thấp, do vậy cần "ngòi nổ" để thị trường bất động sản sớm hồi phục trở lại, bắt đầu từ điểm nổ là nhà ở xã hội sau đó sẽ kéo theo các phân khúc khác sớm quay trở lại, từ đó giảm sự căng thẳng trên thị trường”, ông Quốc Anh cho hay.
Thị trường bất động sản sớm “đảo chiều” từ đầu năm 2024
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, một trong những điều rất khác biệt của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam so với các nước trên thế giới là trong khi họ đang gặp rất nhiều căng thẳng, tại Việt Nam đã giảm lãi suất sớm hơn. Điều này đã phản ánh khả năng nhìn nhận tình hình và điều tiết thị trường của Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt.
Vị chuyên gia này cho rằng, chính sách này đòi hỏi phải đảm bảo người tham gia đủ đông. Bên cạnh đó, nguồn cung của thị trường chính là yếu tố gây ảnh hưởng đến độ trễ của chính sách này. Khi mà việc xây dựng nhà ở xã hội thông thường các chủ đầu tư phải mất từ 6 – 8 năm để hoàn thiện dự án và mở bán. Do vậy, rất khó để gói hỗ trợ này có tác động vào thực tế thị trường ngay được, bắt buộc phải có độ trễ sâu hơn nữa.
“Nếu như giai đoạn 2007 – 2013 chúng ta có độ trễ ít nhất là 2 quý, thì nếu như giống với những gì diễn ra khoảng 10 năm trước đây, mọi thứ được triển khai tốt đẹp trong quý 3/2023 thì sớm nhất đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng ổn định trở lại”, ông Quốc Anh nói.
Tương tự, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lại chưa thể làm xoay chuyển được thị trường cũng như không tạo được dòng tiền mạnh như giai đoạn trước là do quy mô thị trường hiện nay đã tăng gấp 10 lần so với giai đoạn 2011 – 2013.
Trong khi đó, bất động sản là ngành kinh tế lớn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là có mối quan hệ mật thiết với hệ thống ngân hàng, chính vì vậy, việc Chính phủ gỡ nút thắt cho thị trường bất động sản là để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
“Khó có thể đòi hỏi Chính phủ hành động để thị trường bất động sản tăng trưởng mà cần ổn định hệ thống tài chính trước, bên cạnh đó chúng ta cần có một nhịp điều chỉnh về lãi suất. Khi ấy các nhà đầu tư chậm rãi hơn, bình tĩnh hơn cho một thị trường khởi đầu mới, có thể là bắt đầu từ năm 2024”, ông Hiển cho biết.
Ngoài ra, ông Hiển cũng cho rằng, để vai trò thị trường bất động sản phát huy đúng năng lực, tiềm năng của nó với nền kinh tế của đất nước thì nên bắt đầu đi theo quỹ đạo phát triển an toàn và bền vững. Phải là một thị trường có quy mô lớn, thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển chứ không chỉ đơn giản là thị trường siêu lợi nhuận.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản đã trải qua một khoảng thời gian trầm lặng đủ lâu, đến nay người dân cũng đã có sự bình tĩnh hơn rất nhiều, họ đã thấy được nhiều tia sáng lớn trong chính sách, tín hiệu tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường từ phía Chính phủ. Do vậy, vòng quay đầu tư và mua bán bất động sản sẽ sớm quay trở lại.