Tín hiệu đáng mừng
Theo HoREA, trong 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng BĐS có mức tăng trưởng đạt 6,35%. Đây là mức tăng trưởng rất cao, nếu so với cùng kỳ năm 2016, với mức tăng trưởng chỉ đạt 5%.
Mặc dù tín dụng tăng trưởng cao, nhưng lãi suất lại ổn định và khá hợp lý, trong đó, lãi suất vay mua nhà xã hội giữ ở mức 4,8%.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn TP.HCM đã huy động được khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2016; Dư nợ tín dụng đạt 1,6 triệu tỷ, tăng khoảng 10% và tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Tuy nhiên, dư nợ cho vay BĐS trên địa bàn lại không có nhiều biến động, luôn chiếm khoảng 10% tổng dư nợ.
Cũng theo báo cáo của HoREA, trong 6 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp BĐS thành lập mới tại TP.HCM tăng mạnh và chiếm tỷ lệ lớn trong số doanh nghiệp mới thành lập.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2017 có 18.000 doanh nghiệp được thành lập trên địa bàn, trong đó có đến 1/3 là doanh nghiệp BĐS.
Việc có rất nhiều doanh nghiệp BĐS mới thành lập cho thấy thị trường BĐS đang thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư và khởi nghiệp xã hội.
Liên quan đến chuyển động của thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2017, HoREA cho biết, thị trường đang có biến động tích cực. Theo đó, tỷ lệ căn hộ vừa túi tiền (trung cấp và thấp cấp) tại TP.HCM đang chiếm đa số, khoảng 68,7% tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 6 tháng đầu năm.
Cũng theo HoREa, 6 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã phát triển được 4,92 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở thành phố lên 157 triệu m2, bình quân đạt 18,47 m2/người.
Thị trường nhà ở thương mại của thành phố trong 6 tháng đầu năm đã có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 16.506 căn (trong đó, có 14.754 căn hộ chung cư, 1.752 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị cần huy động lên đến 30.599 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 5.164 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%, phân khúc trung cấp có 5.136 căn, chiếm tỷ lệ 31,1%, phân khúc bình dân có 6.206 căn, chiếm tỷ lệ 37,6%.
Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất (68,7%) trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 6 tháng đầu năm.
HoREA cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và có tính thanh khoản cao.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì số lượng nhà ở chào bán giảm so với cùng kỳ năm 2016: Phân khúc nhà ở bình dân chào bán tăng 1,9 lần, phân khúc cao cấp tăng 1,8 lần, nhưng phân khúc trung cấp giảm đến 42,1%, có những chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án nhà ở trung cấp không có sản phẩm bán trong nửa đầu năm nay.
6 tháng đầu năm 2017, thị trường BĐS TP.HCM cũng trải qua nhiều biến động lớn như cơn sốt ảo đất nền diễn ra trên diện rộng tại nhiều quận huyện vùng ven.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhìn nhận, xét toàn cục, thị trường BĐS vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường BĐS rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp; trong lúc phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền có tính thanh khoản cao, thì nguồn cung khiêm tốn.
Không có “bong bóng” BĐS trong năm 2017
Dự báo tình hình thị trường 6 tháng cuối năm 2017, HoREA nhận định, thị trường vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016, dự báo trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Trong nửa năm còn lại, thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường BĐS có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị.
Xu hướng hợp tác giữa các doanh nghiệp là tất yếu, các thương vụ mua bán sát nhập (M&A) cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo HoREA, sự phát triển của thị trường BĐS những tháng cuối năm sẽ không còn giới hạn trong phạm vi TP.HCM mà sẽ có tác động đến các khu vực giáp ranh, lân cận với thành phố.
Mặc dù vậy, thị trường cũng sẽ tiềm ẩn một số rủi ro như hiện tượng lệch pha cung - cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp, hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, theo HoREA, thị trường vẫn đang tồn tại hàng loạt “điểm nghẽn” cần phải giải quyết. Có thể kể đến như: Điểm nghẽn gánh nặng tiền sử dụng đất; Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng; Điểm nghẽn về chuyển nhượng dự án; Điểm nghẽn về chính sách tín dụng còn chưa phù hợp và điểm nghẽn về thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài. Dù liên tục có những kiến nghị tháo gỡ song đến nay, đa số “điểm nghẽn” vẫn tồn tại và cản trở sự phát triển của thị trường BĐS.
Về dự báo khả năng có, hay không có "bong bóng" BĐS trong năm 2017, HoREA cho rằng, bong bóng khó có thể xảy ra, do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường. Nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn.