Aa

Nhan nhản nhà đầu tư F0, TTCK trải qua một năm “điên rồ“

Thứ Tư, 24/02/2021 - 06:05

Diễn biến lúc dậy sóng, lúc sụt giảm đột ngột của thị trường chứng khoán thời gian qua khiến nhiều người lo ngại về một kịch bản của hơn 10 năm trước đang được tái hiện.

Lời tòa soạn:

Năm 2020 khởi đầu với nhiều niềm hy vọng cho các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam. Những tưởng sẽ có một năm thuận lợi sau giai đoạn 2018 - 2019 giao dịch chật vật, thế nhưng đại dịch Covid-19 xuất hiện trên toàn cầu, "đánh cắp giấc mơ" của bao người. "Lao dốc" ngay phiên "mở hàng" đầu năm âm lịch, thị trường giảm hàng chục điểm liên tục sau đó, "bốc hơi" hàng chục tỷ USD vốn hóa. 
Đang trên đà chinh phục mốc 1.000 điểm, VN-Index lao dốc không phanh từ 991,46 điểm xuống mốc thấp nhất 649,1 điểm. Viễn cảnh một thị trường chứng khoán ảm đạm, chạm đáy lịch sử đã được mường tượng. Nhưng cũng nhanh như khi mất điểm, cùng với sự hồi phục của thị trường toàn cầu, VN-Index tăng điểm liên tiếp và chính thức vượt mốc 1.000 điểm vào cuối tháng 11. 
Cùng với sự lên xuống của các chỉ số, thị trường năm qua không thể không nhắc đến việc số lượng khổng lồ các nhà đầu tư F0 xuất hiện với dòng tiền khổng lồ không kém ồ ạt đổ "lên sàn". Các nhà đầu tư kinh nghiệm phải thốt lên: "Chưa bao giờ lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán lại nhiều đến thế". Cuối tháng 11/2020, số tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam đã vượt mốc 2,7 triệu tài khoản. 
Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của các nhà đầu tư F0 đầy cảm tính, sự lên xuống thất thường của thị trường và "đặc sản" lỗi kỹ thuật trở lại khiến giới phân tích bày tỏ nghi ngại về một kịch bản, mà ở đó thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ lại quay về thời điểm hơn mười năm trước, "thuở sơ khai". 
Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, xin ý kiến các chuyên gia, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Lên xuống thất thường, TTCK có trở về "thời nguyên thủy"?; Bài 1: Nhan nhản nhà đầu tư F0, TTCK trải qua một năm "điên rồ"

Thị trường chứng khoán 2020 đã mang tới những thái cực cảm xúc khác nhau cho các nhà đầu tư. Khi đỏ lửa, khi trỗi dậy phục hồi đầy ngoạn mục hay liên tiếp biến động theo từng phiên, “nhạy cảm” với thông tin về dịch Covid-19… là những hình ảnh về thị trường chứng khoán 2020, và đang tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đầu năm 2021.

Còn nhớ vào hồi cuối tháng 1/2020, khi thông tin Covid-19 xuất hiện, phản ứng của các nhà đầu tư đã tạo ra sự sụt giảm nhanh chóng và chưa từng thấy trên thị trường chứng khoán. VN-Index chỉ trong hai tháng sau đó đã sụt giảm 33,51% xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm. Tuy nhiên, khả năng kiểm soát dịch thành công đã đưa TTCK phục hồi ngoạn mục.

Kịch bản này tiếp tục lặp lại vào những ngày đầu năm 2021, ngay sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại, thị trường chứng khoán lập tức đỏ lửa với làn sóng thất vọng của các nhà đầu tư. Nhưng một màn đảo chiều đã nhanh chóng xuất hiện ngay sau đó khiến không ít nhà đầu tư rủng rỉnh chốt khoản lời lớn.

Nhìn nhận về bức tranh chứng khoán năm 2020 và hiện tại, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI đã phải cho rằng, thị trường chứng khoán mang đầy cảm xúc và “tính con người nhiều hơn”. Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới CTCP Chứng khoán Mirae Asset, thì gọi 2020 là năm “điên rồ” khi thị trường chứng khoán có thời điểm ghi nhận cú tụt giảm sâu rồi tăng mạnh hiếm có. "Năm Covid thứ nhất" ghi nhận một quãng thời gian khắc nghiệt, với chỉ số VN-Index tụt từ trên 1.000 điểm hồi cuối 2019 xuống 645 điểm hồi tháng 3/2020. Lo ngại về kịch bản năm 2007 - 2008 sẽ tái diễn trong bức tranh 2020 - 2021 đang được dấy lên trong bàn luận của giới phân tích tài chính. Viễn cảnh thị trường chứng khoán quay trở lại giai đoạn nguyên thuỷ đang trở thành chủ đề được bàn tán. 

cổ phiếu
Sóng chứng khoán đã mang tới những cổ phiếu tăng giá đột biến. 

Sóng F0 và sự đầu tư theo tâm lý đám đông

Một nhà đầu tư hơn 10 năm gắn bó với thị trường kể lại rằng, năm 2006 - 2007, thời đó, người ta mê chứng khoán đến nỗi, ăn sáng xong là phải đến sàn giao dịch để theo dõi thông tin diễn biến trên sàn. Những cuộc nói chuyện bàn luận xuyên suốt về các cổ phiếu không ngớt. Những khuôn mặt đầy đủ sắc thái hỉ, nộ, ái, ố xuất hiện theo từng nhịp của các chỉ số. 

Giai đoạn 2006 - 2007, dòng tiền đổ vào chứng khoán rất lớn. Đó là giai đoạn bất động sản không đủ hấp dẫn vì khả năng sinh lời kém, nhất là yêu cầu đòi hỏi về nguồn vốn bỏ ra quá cao đã dẫn tới dòng tiền đầu tư nhàn rỗi đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán. Dòng tiền lớn với sự tham gia ồ ạt của các nhà đầu tư đã đưa VN-Index đạt 1.179,32 điểm, một con số kỷ lục. Nhắc về thị trường chứng khoán 2006 - 2007, người ta nhớ tới "thế hệ" của những nhà đầu tư mới với tâm lý chốt lệnh vội vàng, đầy tính tự phát. Đánh giá về thị trường giai đoạn này, một chuyên gia tài chính cho rằng đó là thị trường non trẻ, số lượng công ty niêm yết còn ít và có quy mô nhỏ, tính thanh khoản kém, tính minh bạch và tính chuyên nghiệp chưa cao, hệ thống chưa hoàn chỉnh, chịu nhiều tác động từ các biện pháp quản lý hành chính…

"Sự tăng trưởng và trồi sụt của thị trường có nguyên nhân chủ yếu từ kỳ vọng làm giàu nhanh chóng của các nhà đầu tư, cộng hưởng với sự hiểu biết kém cỏi về kiến thức tài chính của nhiều nhà đầu tư cá nhân khi luôn bị chi phối bởi cảm tính và phong trào" - vị chuyên gia này nhận định.

Hơn một thập kỷ sau đó, trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán cũng đã trở thành kênh đầu tư mà người ta không thể không nhắc tới trong những hội nhóm đầu tư, làm giàu. Từ người phụ nữ bán hàng online đến anh lái xe taxi cũng phải bỏ vốn vào chứng khoán. Họ sẵn sàng bỏ 10 triệu, 20 triệu để trở thành “nhà đầu tư”. Số tiền 10 - 20 triệu đồng không đủ để các nhà đầu tư cá nhân bước vào con đường kinh doanh bất động sản hoặc nếu gửi ngân hàng cũng chỉ như “muối bỏ bể” nhưng lại có thể mang lại lợi nhuận lớn chỉ qua vài phiên giao dịch. “Cứ mua là có lãi”, “không đầu tư bây giờ thì khi nào”… là lời người ta kháo nhau về việc bỏ tiền vào các cổ phiếu.

Và rồi, chính niềm tin và sự kỳ vọng sinh lời đã khiến dòng tiền nhàn rỗi khổng lồ đổ "lên sàn". 

Một thống kê cho thấy, tính trong cả năm 2020, tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên tới 392.527 tài khoản, tăng 108% so với năm 2019. Sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư cá nhân cũng mang một dòng tiền khổng lồ cho thị trường chứng khoán khi khối lượng giao dịch quý III/2020 tăng gần 40% cùng kỳ năm ngoái. Giới phân tích gọi những nhà đầu tư mới xuất hiện là F0 - nhóm được cho là tạo ra sự biến động thăng trầm của thị trường chứng khoán, khiến thị trường bao lần "đảo điên".

sóng F0
Thống kê lượng tài khoản chứng khoán mở mới. (nguồn: NDH)

Nhắc về cái "điên" của thị trường chứng khoán 2020, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, cái “điên” đầu tiên nằm ở chỗ, tiền ở khắp mọi nơi, số người tham gia chứng khoán mới (F0) tăng kỷ lục, 1 năm bằng cả 10 năm trước cộng lại.

Thống kê của SSI cho thấy, giao dịch trên thị trường có tuần chiếm tới 97% là của các nhà đầu tư cá nhân. Sự tham gia của F0 được đánh giá sẽ làm thay đổi cấu trúc thị trường. Các nhà đầu tư phải chấp nhận sự biến động rất lớn, những phiên tăng mạnh hay giảm sâu, mang đầy cảm xúc và “tính con người nhiều hơn”.

Theo bà Hoàng Việt Phương, dòng tiền F0 có đặc điểm là tính lan tỏa quá mạnh mẽ sẽ tác động đến giá cổ phiếu rất nhanh. Khi nhà đầu tư F0 có lãi, thì khả năng có ảnh hưởng rất nhiều tới những F0 khác. Tuy nhiên mặt hạn chế của sự lan tỏa này là một số cổ phiếu tăng trưởng quá “nóng” mà không có yếu tố cơ bản hỗ trợ. Ngoài ra, trong trường hợp thị trường điều chỉnh, có thể gây ra phản ứng dây chuyền, phóng đại sự tiêu cực.

Tâm lý đầu tư theo đám đông và thiên về cảm xúc, chạy theo trào lưu của làn sóng F0 đã khiến giới phân tích tài chính lo ngại bức tranh chứng khoán hơn 1 thập kỷ trước đang dần được vẽ lại.

Nghẽn tắc giao dịch: Nỗi ám ảnh công nghệ thông tin

Cùng sự "điên đảo" của thị trường, nỗi lo "lỗi lệnh" - đặc sản hơn 10 năm trước - cũng đang trở lại và ám ảnh các nhà đầu tư, khi năm qua HoSE đã trở thành từ khoá nóng trên các diễn đàn. Lý giải về sự quá tải, người đứng đầu HOSE cho rằng, mức tăng của lượng giao dịch quá lớn đã khiến hệ thống không đáp ứng nhu cầu của đường truyền.

Thống kê cho thấy, trong những tháng cuối năm 2020, do số lượng nhà đầu tư mới (F0) tăng vọt, giá trị giao dịch ở HoSE tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lên 14.000 tỷ đồng (có lúc tiến sát 20.000 tỷ đồng).

Ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách Hội đồng quản trị của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, lượng lệnh giao dịch của Top 20 công ty chứng khoán hàng đầu tăng 3 – 12 lần trong năm 2020. Thế nên, "Dù HOSE đã có năng lực dự phòng nhất định, nhưng mức tăng này quá lớn, khiến hệ thống không thể đáp ứng nhu cầu khi đường truyền giữa hệ thống của Sở và hệ thống của các CTCK không thay đổi", ông Trà nhấn mạnh.

thị trường chứng khoán
Thông báo được một công ty chứng khoán gửi đi. Nguồn: CTCK.

Những rủi ro hệ thống đã khiến các nhà đầu tư rơi vào tình trạng hoang mang, khó chịu bởi rủi ro lại nghiêng về phía họ. Có thời điểm khi thị trường lao dốc, nhà đầu tư không thể đặt lệnh bán. Cùng với đó, bảng điện của các công ty chứng khoán không thể hay hiển thị chậm về bước giá đang khớp lệnh thực tế trên sàn khiến nhà đầu tư bán tháo bằng mọi giá. Chốt lời hay bán ra thật khó định lượng được rủi ro bởi hệ thống tắc nghẽn có thể làm đảo ngược toàn bộ tính toán của nhà đầu tư khi mọi biến động trên sàn có thể đảo chiều nhanh chóng trong vài phút quý giá.

Kịch bản "nguyên thuỷ" có xuất hiện?

Quay trở lại với nhận định "2020 là một năm “điên rồ” của thị trường chứng khoán" của ông Huỳnh Minh Tuấn, vị chuyên gia này lo ngại về làn sóng F0. Bởi nhiều F0 chưa có kinh nghiệm nên mức độ biến động của thị trường sẽ rất mạnh và rất dễ gây ra các phản ứng thái quá khi bị tác động bởi một thông tin tiêu cực. Điều này sẽ là rủi ro khi còn tiềm ẩn khó lường về dịch bệnh có thể sẽ xảy ra bất ngờ.

Ở góc độ lạc quan hơn, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam - lại nhấn mạnh, việc tham gia của các nhà đầu tư F0 không những giải quyết vấn đề về quy mô mà còn muốn gia tăng chất lượng của thị trường, dễ dàng thu hút các doanh nghiệp có động lực đại chúng và niêm yết. Trên cơ sở đó, khả năng thị trường chứng khoán sẽ dễ dàng trong việc nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi. Vì vậy, sự tham gia của các nhà đầu tư mới sẽ giúp thị trường có dư địa tăng trưởng trong tương lai.

thị trường chứng khoán
Lo ngại về thị trường chứng khoán quay trở lại thời nguyên thuỷ được đặt ra. 

Khi đánh giá thị trường chứng khoán 2007 - 2008 và 2020 - 2021, ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, kỳ vọng là điểm giống nhau đầu tiên.

Trong quá khứ, thị trường tăng mạnh ngay khi có thông tin Việt Nam gia nhập WTO, và được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa. Hiện tại, thị trường đang tăng mạnh nhờ kỳ vọng kinh tế phục hồi sau khi khống chế được dịch Covid-19. Điều này cũng được lượng hóa bằng chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% (kỳ vọng có thể hơn), tương đương mức tăng trước khi có dịch Covid-19.

“Một điểm có thể xem là giống nhau nữa là dòng tiền. Đầu năm 2007, chứng khoán tăng ngoài yếu tố kỳ vọng nói trên, còn nhờ dòng vốn ngoại đổ vào. Không có dữ liệu dòng vốn ngoại thời gian đó, nhưng tôi nhớ rằng khối ngoại đã giải ngân nhiều vào các largecap niêm yết liên tục trong vài tháng. Hiện nay, khác biệt là từ dòng vốn nội, phần là từ các nhà đầu tư mới (chủ yếu là cá nhân và thường được gọi là F0)” - ông Lân cho hay. 

Tuy nhiên theo ông Lân, thị trường chứng khoán 2007 - 2008 và 2020 - 2021 có sự khác biệt lớn. Đó chính là mục đích đầu tư. “Năm 2007, tôi tin rằng, vốn ngoại đổ vào là nhằm đầu tư dài hạn, tập trung vào các doanh nghiệp lớn, ở các nhóm ngành kinh tế với kỳ vọng các doanh nghiệp này sẽ khai thác tốt được cơ hội từ WTO. Còn bây giờ, tính đầu cơ cao hơn. Tất nhiên, mọi kỳ vọng đều hướng về doanh nghiệp, nhưng đối với những nhà đầu tư F0, rất nhiều trong số này mua ngắn hạn để tranh thủ giá cổ phiếu tăng, tốc độ luân chuyển dòng tiền rất nhanh”. 

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top