Ðây là 2 quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam, được phát triển bởi 2 công ty quản lý quỹ uy tín (VFM và SSIAM). Vậy vì sao 2 quỹ ETF nội này có sự khác biệt quá lớn về mức độ thu hút dòng tiền đầu tư?
Quỹ ETFVFMVN30 hình thành trên chỉ số cơ sở là VN30, còn FUESSV50 được hình thành trên chỉ số cơ sở là VNX50. Quỹ cung cấp công cụ đầu tư thụ động, cho phép người tham gia hưởng thành quả tương đương với sự biến động của chỉ số cơ sở trong từng thời kỳ.
Khi ETFVFMVN30 nhận được nhiều dòng tiền đầu tư (trong nước và quốc tế, đến từ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan…), các mã cổ phiếu trong VN30 vì thế cũng được quan tâm và nhận được dòng tiền đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, Quỹ FUESSV50 thì ngược lại. Quỹ hầu như không gọi thêm được dòng tiền mới, đồng nghĩa với việc các cổ phiếu trong VNX50 không nhận thêm được sự quan tâm cũng như dòng tiền đầu tư mới.
Trong bối cảnh ngành quỹ Việt Nam hiếm có quỹ đạt quy mô nghìn tỷ, sự thành công của ETFVFMVN30 đặt ra nhu cầu làm cách nào để phát triển thêm các chỉ số hữu dụng, được chọn làm cơ sở để phát triển các quỹ ETF hiệu quả, hoặc làm tài sản cơ sở cho thị trường chứng khoán phái sinh.
Tại cuộc họp Hội đồng chỉ số tuần qua, Sở GDCK Hà Nội đã đề xuất ý tưởng xây dựng chỉ số mới VNX200, bổ sung vào bộ chỉ số chung của 2 Sở (VNX50, VNXallshares) bên cạnh bộ chỉ số riêng từng Sở đang vận hành.
Theo dự kiến, VNX200 sẽ được sử dụng để phát triển nên sản phẩm phái sinh chỉ số mới. VNX200 bao hàm trong đó VNX50 và sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể với chỉ số VN30, hiện được sử dụng để phát triển ETF và sản phẩm phái sinh chỉ số. Theo dự kiến, bên cạnh ý tưởng xây dựng chỉ số VNX200, nhà quản lý sẽ lấy ý kiến các thành viên thị trường về nhu cầu chỉ số, nhằm định hướng phát triển các sản phẩm mới phù hợp với các nhu cầu thực.
TTCK Việt Nam hiện có 760 cổ phiếu niêm yết, nhưng 50 cổ phiếu lớn nhất chiếm tới 79% giá trị vốn hóa và khoảng 75% giá trị giao dịch toàn thị trường. Trên 700 mã cổ phiếu còn lại (ngoài VNX50) chia nhau thanh khoản hạn hẹp hàng phiên. Thực tế này khiến câu chuyện xây nên chỉ số (bộ chỉ số) đủ sức đo lường được biến động của toàn thị trường là một thách thức.
Trong quan điểm phát triển chỉ số, Chủ tịch HNX Nguyễn Thành Long cho rằng, mỗi loại chỉ số mang một sứ mệnh và giá trị riêng, nhưng làm cách nào để xây dựng nên các chỉ số đáng tin cậy, là phong vũ biểu của TTCK, của nền kinh tế, chứ không phải là phong vũ biểu của 1 DN hay một nhóm DN là vấn đề quan trọng nhất cần đặt ra.
Chỉ số phải vì thị trường, vì nhà đầu tư, nhưng với cấu trúc TTCK Việt Nam hiện tại, việc xây nên chỉ số chuẩn mực, đủ sức đại diện toàn thị trường là câu chuyện của tương lai dài khi TTCK Việt Nam không còn khoảng cách quá lớn giữa các nhóm cổ phiếu. Trong hiện tại, để phát triển thêm các công cụ đầu tư mới, góc nhìn từ các chuyên gia, nhà quản trị quỹ và nhà đầu tư là rất cần thiết cho mục tiêu góp sức vì sự hữu dụng của chỉ số mới.