Aa

Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm hấp dẫn nhà đầu tư

Thứ Sáu, 22/10/2021 - 07:00

Nhà đầu tư vẫn có niềm tin nhất định vào triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam với kỳ vọng “sau cơn mưa trời lại sáng," dịch bệnh sẽ được kiểm soát và kinh tế dần hồi phục sau đó.

Chỉ còn hơn hai tháng nữa thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khép lại một năm với hàng loạt kỷ lục được thiết lập từ điểm số, thanh khoản, cho đến số tài khoản mở mới.

Điều này cho thấy chứng khoán đang ngày càng trở nên hấp dẫn và là kênh đầu tư quan trọng với giới đầu tư.

Thực tế, VN-Index đã lập mức đỉnh cao nhất từ trước tới nay tại mức 1.424.28 điểm vào ngày 2/7. Dù sau đó, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng VN-Index chỉ điều chỉnh giảm với mức vừa phải và vẫn giữ vững được vùng dao động trong khoảng từ 1.280 - 1.380 điểm.

Các chuyên gia từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), cho rằng nhà đầu tư vẫn có niềm tin nhất định vào triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam với kỳ vọng “sau cơn mưa trời lại sáng," dịch bệnh sẽ được kiểm soát và kinh tế dần hồi phục sau đó.

Thực tế, dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán cho thấy kênh chứng khoán vẫn đầu tư hấp dẫn. Hệ thống giao dịch mới của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) do Công ty Cổ phần FPT cung cấp được đưa vào vận hành kể từ đầu tháng 7/2021 đã giúp giải tỏa “nút thắt” về thanh khoản trong giai đoạn trước đó và khiến cho thanh khoản trung bình mỗi phiên trên HOSE tăng mạnh cả về giá trị và khối lượng giao dịch kể từ thời điểm đó.

Quý 3, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 688.86 triệu cổ phiếu và tăng trưởng hơn 120% so với bình quân quý 3/2020. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên cũng tăng gấp gần 4 lần so với quý 3/2020 và đạt 19,711.09 tỷ đồng. Dòng tiền vào thị trường chứng khoán tiếp tục có xu hướng tăng trong tháng 10 dù VN-Index vẫn chưa vượt được mốc 1.400 điểm.

Trong chín tháng năm 2021, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là chủ đạo; trong đó các giai đoạn mà khối ngoại mua ròng là tháng 4 và tháng 7, tương ứng với thời điểm VN-Index vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm và xác lập đỉnh cao mới tại 1424.28 điểm. Từ đầu năm đến ngày 30/9/2021, giá trị bán ròng của khối ngoại là hơn 41.000 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Tuy nhiên, theo VCBS, bắt đầu từ giữa tháng 8, dòng tiền khối ngoại đã bắt đầu có những tín hiệu phục hồi trở lại. Tháng 9 và tháng 10 đã ghi nhận tín hiệu mua ròng trở lại từ nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cuối tháng 9, tính chung cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu có vốn hóa đạt tới 8.314.897 tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP, tăng 24,4% so với cuối năm 2020.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest, những điều xấu nhất đã đi qua trong tháng 9, nhưng nền kinh tế và thị trường chứng khoán cần thời gian để tích lũy, dần hồi phục trở lại.

Ngoài ra, dù dịch bệnh đã giảm nhiều nhưng số ca nhiễm trên toàn quốc vẫn còn cao; di chuyển và vận tải giữa các địa phương vẫn còn nhiều rào cản kéo theo chi phí tăng theo. Lực lượng lao động hoặc thiếu hụt, hoặc dịch chuyển về quê cũng làm ảnh hưởng đến tiến trình tái khởi động trở lại của các doanh nghiệp.

Dù vậy, công ty chứng khoán này cho rằng, những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện như nửa cuối tháng 9 bắt đầu ghi nhận mức thặng dư thương mại trở lại sau hơn năm tháng thâm hụt liên tiếp và FDI duy trì tốc độ tăng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là những tín hiệu tích cực cho thấy, sức hút của Việt Nam đối với cộng đồng đầu tư quốc tế.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest, thời gian tới, nền kinh tế được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công. Theo đó, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm, nhằm đạt ít nhất 95% so với kế hoạch năm 2021 là 461.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Ngoài ra, doanh nghiệp, thị trường và người dân cũng đang chờ đợi những gói hỗ trợ tiếp theo để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định đời sống kinh tế của người lao động.

Các chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest cho rằng lợi nhuận nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thuộc Top 50 chiếm 89% đại diện thị trường, dự báo sụt giảm lợi nhuận 3,3% so với cùng kỳ. Đây là mức không quá lớn trong bối cảnh gần như nền kinh tế bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm hấp dẫn nhà đầu tư
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Các chuyên gia từ công ty chứng khoán này khuyến nghị, nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong quý 4/2021. Qua đó, phân bổ và tích luỹ cổ phiếu trở lại trước khi thị trường đón nhận những dấu hiệu rõ ràng và chắc chắn hơn cho việc hồi phục sản xuất kinh doanh và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế giai đoạn những tháng cuối năm 2021.

Cùng quan điểm, chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho hay việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và nới lỏng chính sách tiền tệ khắc phục ảnh hưởng tiêu cực dịch COVID-19 và hỗ trợ tăng trưởng là những yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường.

Thực tế, Việt Nam đã mở cửa dần nền kinh tế sau làn sóng dịch thứ tư và có những giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch.

BSC nhận định dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, Việt Nam cần thời gian để mở dần nền kinh tế. Bên cạnh đó, khối ngoại duy trì hoạt động bán ròng và xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại. BSC cho rằng kết quả kinh doanh quý 3/2021 tiêu cực từ hoạt động giãn cách để phòng chống dịch bệnh kéo dài, tạo áp lực cơ cấu ngắn hạn, kéo theo sự phân hóa rõ rệt.

Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thu hẹp chương trình mua trái phiếu vào tháng 11 và hoàn thành vào giữa năm 2022. Lãi suất cũng có thể bắt đầu tăng trong năm 2022. Điều này khiến thị trường chứng khoán bớt hấp dẫn, qua đó tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu. Giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào đang biến động và tăng giá mạnh, trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới khó duy trì các chính sách siêu nới lỏng hiện tại.

Chuyên gia từ BSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể cân nhắc ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư công như xây dựng hạ tầng, nguyên liệu để giải ngân như đá, thép, xi măng, nhựa đường… Những ngành này sẽ được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc nắm giữ các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ mở cửa nền kinh tế như bán lẻ, vận tải, sản xuất và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như công nghệ thông tin - bưu chính viễn thông.

“Dù vậy, để đảm bảo an toàn, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý; mua và mở mới vị thế khi các cổ phiếu giảm về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn, đồng thời tránh việc mua đuổi," BSC khuyến nghị./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top