Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý II/2020 có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với 19.878 căn hộ du lịch và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.
Một số địa phương trọng điểm về cấp mới dự án du lịch nghỉ dưỡng như: Khánh Hòa cấp phép 3 dự án; Phú Yên cấp phép 2 dự án, trong khi quý I/2020 là 0 dự án.
Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý II/2020, có 22 dự án (bằng 69% quý I/2020) được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng với số lượng căn hộ. Trong số đó, condotel có 668 căn (bằng 27% quý I/2020); văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) 931 căn (quý I/2020 là 0 căn).
Theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm tháng 7/2020, các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước. Các doanh nghiệp kinh doanh đang trên đà phục hồi sau thời gian dài giãn cách xã hội với hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30 - 40%.
Tại tọa đàm "Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu?" được tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel đang có cả tiềm năng và lo lắng.
“Tiềm năng là bởi du lịch Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp. Du lịch Việt Nam ngày càng hấp dẫn với du khách nước ngoài và gần 100 triệu khách nội địa cũng đang ngày càng có nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng. Trước đây, du lịch Việt Nam không có nhiều cơ sở lưu trú chất lượng, hiện đại. Nhưng sau khi Bất động sản nghỉ dưỡng phát triển, sự vào cuộc của những doanh nghiệp lớn đã tạo nên những cơ sở lưu trú hiện đại, đẳng cấp tại nhiều địa điểm du lịch”, ông Hiển phân tích.
Song theo ông Hiển, vấn đề đáng lo lắng là bất động sản nghỉ dưỡng trên thế giới được các doanh nghiệp làm ăn bài bản, nguồn tiền huy động được đầu tư vào các dự án minh bạch. Còn tại Việt Nam, nhiều chủ đầu tư phát triển các dự án rồi thuê các đơn vị quản lý nổi tiếng của thế giới vào quản lý. Dự án được bán cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, quyền lực thật sự chỉ nằm trong tay của các chủ đầu tư. Do đó ông Hiển cho rằng, để nhà đầu tư thứ cấp không bị bơ vơ khi chủ đầu tư không thực hiện được cam kết thì nhà nước cần có những quy định bảo vệ nhà đầu tư thứ cấp, mà cao nhất là cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa đưa ra lý giải, xu hướng phát triển condotel là tất yếu. Du lịch phát triển mạnh, ai cũng muốn có căn hộ để nghỉ dưỡng cộng với cam kết lợi nhuận đã thúc đẩy phân khúc này phát triển. Tuy nhiên, thị trường condotel vắng bóng các doanh nghiệp du lịch với “data” khách hàng khổng lồ.
“Thị trường condotel đang kỳ vọng sẽ tốt lên trong năm 2021 nhưng không có gì là chắc chắn cả. Để đầu tư vào condotel, khách hàng nên lưu ý uy tín chủ đầu tư, nên mua condotel nào sẵn có để khai thác được ngay. Thứ nữa là đơn vị vận hành, yếu tố này rất quan trọng. Khi đầu tư condotel nên nghĩ là đang đi du lịch ở khu vực này, có đông dân hay không, văn hóa địa phương ra sao, ai vận hành ở đây,… chứ không nên nhìn vào cam kết lợi nhuận và một bảng vẽ hoành tráng sẽ rất dễ mắc sai lầm”, ông Quang cho hay.
Cùng quan điểm, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, chuyên gia từ CBRE Việt Nam cho hay: “Cách đây 3 - 4 năm, condotel được coi là xu hướng ưa chuộng của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều chủ đầu tư không thực hiện được những cam kết đầu tư đã gây ra tâm lý e sợ cho các nhà đầu tư. E ngại ở đây là uy tín của chủ đầu tư, cam kết lợi nhuận như thế nào, vận hành ra sao? Do đó, nhà đầu tư khi rót tiền phân khúc condotel thời điểm này cần xem xét kỹ về tính khả thi, mức độ lấp đầy, năng lực khai thác condotel có hiệu quả không”.
Cũng trong một hội thảo trước đó, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, với tiềm năng phát triển du lịch sẵn có của Việt Nam, tiềm năng phát triển condotel trong 10 - 20 năm tới là rất tốt, quan trọng là chúng ta rút kinh nghiệm được từ những thành công của mô hình tương tự đi trước của thế giới.
Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng condotel mới là bước đầu, vấn đề quan trọng là chúng ta quản trị, khai thác nó sao cho hiệu quả.
“Sau khoảng 5 năm xuất hiện, với những quy định của pháp luật đang dần hoàn thiện và nhu cầu hiện có của thị trường chúng tôi tin tưởng thành công của mô hình condotel tại Việt Nam trong thời gian tới. Khi chúng ta có niềm tin vào sự phát triển của thị trường du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai thì thành công sẽ tới”, ông Thanh nhấn mạnh.