Aa

Thị trường đất nền không còn tăng nóng?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 13/05/2022 - 06:06

Trong vòng xoáy “thanh lọc” của thị trường bất động sản, đất nền vẫn được đánh giá là một trong những phân khúc sôi động. Tuy nhiên đến hiện tại, mức giá ghi nhận không còn tăng nóng so với hồi đầu năm 2022.

Đất nền giảm nhiệt

Báo cáo mới nhất từ Batdongsan.com.vn cho hay, vào thời điểm quý I/2022, thị trường đất nền khá sôi động với mức độ quan tâm cả nước tăng 4% so với thời kỳ trước Covid-19 (quý I/2019). Nhiều địa phương gia tăng đáng kể cả về lượt tìm mua lẫn giá rao bán đất như tại Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa. Tuy nhiên, bước sang tháng 4/2022, mức độ quan tâm đến sản phẩm đất bán trên cả nước đã giảm đến 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021.

Bàn về dấu hiệu hạ nhiệt này, chuyên gia Batdongsan.com.vn cho rằng, thời gian qua diễn ra nhiều biến số bất ngờ của thị trường như những thông tin tiêu cực về vi phạm của một số doanh nghiệp bất động sản lớn, cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt hơn quy định về thuế, kiểm soát phân lô bán nền và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết nguồn tín dụng vào bất động sản là những lý do khiến người mua và nhà đầu tư bất động sản có tâm lý thận trọng hơn.

Đáng chú ý, ghi nhận trước đó của đơn vị này còn cho thấy, dòng tiền đầu tư đất nền đang có xu hướng dịch chuyển vào khu vực miền Trung. Theo đó, trong khi mức độ quan tâm đất nền phía Bắc và phía Nam giảm lần lượt 11 và 12% thì lượng quan tâm đất nền miền Trung tăng 14%. Các tỉnh thành có lượt quan tâm mạnh nhất là Đắk Lắk 58%, Khánh Hòa 48%, Bình Thuận 44%...

Tại Hà Nội, mức độ quan tâm đất nền Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Quốc Oai đều giảm trung bình hơn 10%. Các thị trường phía Bắc khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng cũng ghi nhận lượng quan tâm sụt giảm lần lượt 32%, 22% và 7%. Tương tự với thị trường phía Nam, mức độ quan tâm đất nền Bình Dương, Đồng Nai đều giảm 13%.

mức độ quan tâm đất nền
Nguồn: Batdongsan.com.vn

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhận định: “Thời gian tới, các sản phẩm bất động sản có mục đích sử dụng cao để phục vụ nhu cầu ở thực của người dân và làm mặt bằng kinh doanh, phù hợp với định hướng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất của Nhà nước, như nhà riêng, nhà phố, chung cư cho thuê, chung cư tầm giá dưới 45 triệu đồng/m2 sẽ được quan tâm nhiều hơn”.

Anh Nguyễn Tất Thái, sàn giao dịch Cenhomes chia sẻ: "Thời gian gần đây số lượng cuộc gọi, tin nhắn đưa đi xem đất nền của tôi giảm rõ rệt, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn chia sẻ họ muốn bỏ, rút tiền cọc, không giao dịch. Họ muốn chuyển sang xem các sản phẩm khác như căn hộ chung cư. Bởi phương thức thanh toán của loại hình chung cư khá linh hoạt, nhà đầu tư có thể trả góp theo nhiều đợt. Hơn nữa, ngân hàng còn hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp. Trong khi đó, đất nền đang ở đỉnh của một chu kỳ tăng giá. Giá đất đã được đẩy lên cao, cơ bản F0 đã xuống tiền, hàng đọng chưa đẩy được đi. Như vậy, nhiều nhà đầu tư sẽ nhận thấy “lướt sóng” căn hộ dễ lời hơn đất nền".

Thị trường đất nền quá nóng sẽ gây hệ lụy xấu cho thị trường

Theo giới chuyên gia, trong thời điểm nhiễu loạn thông tin như hiện nay, phần lớn mọi người trở nên thận trọng hơn khi đầu tư để tránh những rủi ro không đáng có. Các nhà đầu tư nên xem xét xuống tiền với những sản phẩm thật sự chất lượng, mang lại giá trị thực và có tầm nhìn trung, dài hạn thay vì “lướt sóng” ngắn hạn.

Tại một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản phát triển thiên về đất nền nhiều hơn. Tại nhiều địa phương, doanh nghiệp có ít tiền nhưng cũng san đất, cắm mốc làm vài con đường rồi bán nền thu tiền, trong khi đó vốn của người mua cũng không cần nhiều, chỉ cần 1 - 2 tỷ đồng là có thể mua được một nền đất.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nếu như thị trường đất nền phát triển quá nóng, có thể dẫn đến rất nhiều hệ lụy, thứ nhất có thể xảy ra cơn sốt không đáng có. Thứ hai, rõ ràng đất nền chỉ để đầu tư kiếm lời, lướt sóng, không phục vụ sản xuất, không giúp thị trường phát triển lành mạnh.

“Tôi thấy rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chủ yếu là đất nền dễ làm, dễ đầu tư nhưng cũng có nguyên nhân nữa là do sự buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án làm thị trường méo mó đi”, lãnh đạo VNREA nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dù vẫn duy trì được sức hút và được đánh giá cao về khả năng sinh lời, tuy nhiên, khi thị trường bị siết chặt với những động thái “phanh” tín dụng của hàng loạt ngân hàng thì các nhà đầu tư, đặc biệt là những tay ngang mới tham gia cần thận trọng hơn để tránh bị “chôn vốn” do mua dễ, bán khó.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, 2 năm qua, thị trường bất động sản quá khó khăn, có lúc phải đóng cửa công trường xây dựng, hầu như không có công trường nào thi công được, đặc biệt bất động sản nghỉ dưỡng ngưng trệ do không có khách quốc tế lẫn khách nội địa.

Trong giai đoạn này, giới doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Về triển vọng thị trường bất động sản thời gian tới, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhu cầu về bất động sản ở Việt Nam vẫn rất cao. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vào khoảng 40%, nhưng ở các nước phát triển là 70%, thậm chí còn hơn, người dân sống ở đô thị chiếm 70 - 80% dân số. Đến năm 2050, đô thị hóa của Việt Nam nếu đạt 60 - 70% thì sẽ có khoảng 60 - 70 triệu dân sống ở đô thị, nhu cầu nhà ở là rất lớn.

Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc điểm sáng, phát triển mạnh ngay trong đại dịch Covid-19. Còn thị trường bất động sản du lịch đã “vỡ trận” do nhu cầu du lịch bùng nổ trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top