“Om hàng” đợi giá
Thị trường đất nền TP. HCM đang tồn tại tình trạng, người tìm mua đất thì đông mà nguồn sản phẩm lại quá ít cho khách hàng lựa chọn. Nguyên do là tại nhiều điểm môi giới nhà đất, các sản phẩm được khách hàng gửi bán chỉ đếm trên đầu ngón tay, tính chất sản phẩm lại không đa dạng khiến khách hàng khó chọn lựa. Một số sản phẩm khách hàng gửi bán, nhưng trước tình hình thị trường, nhiều người đã nhanh tay hủy hợp đồng, “om hàng” đợi tăng giá.
Theo tìm hiểu được biết, hiện nay, giá đất quận 9 hiện tại đã "chênh" khoảng từ 15 - 20% so với giai đoạn 3 tháng cuối năm 2016. Khu vực trung tâm quận 9, quận 2 và Thủ Đức, quỹ đất hiện tại rất hạn hẹp. Nguồn cung chủ yếu đến từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người này mua đất từ trong dân, làm thủ tục chuyển đổi rồi phân lô, bán nền, nên quy mô dự án không lớn, chỉ tầm vài chục nền/dự án. Nguồn cung không lớn trong khi nhu cầu cao, do đó nếu người mua không quyết nhanh sẽ có người khác “tranh” ngay.
Theo nhận định của giới chuyên môn, phải đến nửa cuối tháng 3 dương lịch, các doanh nghiệp mới tung dự án mới ra thị trường. Tuy nhiên, phần lớn nguồn cung mới được tung ra giai đoạn này đều thuộc các khu vực đang phát triển hoặc vùng ven. Hiện tại, đất nền tại các khu trung tâm rất khan hiếm, chỉ còn từ 1 - 2 dự án. Nhu cầu mua cao khiến xu hướng tăng giá dự báo khó dừng lại.
Nhiều nhà đầu tư lớn muốn tìm kiếm quỹ đất “sạch” thường ít ưu tiên các huyện lân cận của TP. HCM như Hóc Môn, Củ Chi. Phần vì cư dân còn thưa thớt, phần nữa đất đai khu vực này chủ yếu là các dự án khu công nghiệp bị “treo”, vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý liên quan trước đó. Do đó, đa phần hoạt động mua bán đất riêng lẻ hiện nay diễn ra tại khu vực là đến từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ có dòng vốn khiêm tốn, muốn sinh lợi an toàn ở một thời điểm nhất định.
Chuyển hướng đầu tư
Những quỹ đất “vùng sâu” ít được nhà đầu tư lớn ưu tiên nhưng lại là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hiện nay, nhu cầu mua đất xây nhà cho công nhân khu công nghiệp tăng cao. Nhận thức được điều đó, tại những địa điểm còn “hoang sơ’, cư dân thưa thớt như xã Tân Hiệp (Hóc Môn), Phước Hiệp (Củ Chi), nhà đầu tư thường gom một lúc nhiều nền hoặc một nền diện tích lớn từ 300m2 trở lên để xây nhà trọ, nhà riêng hoặc tách bán từng nền cho công nhân. Đây cũng là cách mang lại lợi nhuận ổn định cho những nhà đầu tư có dòng vốn không nhiều.
Nguyên nhân là do giá đất nền khu vực Hóc Môn, Củ Chi, quận 12 dao động ở mức 3 – 6 triệu đồng/m2, “mềm” hơn hẳn so với khu Đông và Nam thành phố. Vì thế, nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi từ 200 – 400 triệu đồng đã có thể đầu tư vào thị trường này. Từ cuối năm 2015 đến nay, hoạt động đầu tư thứ cấp tại khu vực này diễn ra khá nhộn nhịp. Ngoài gom đất xây nhà trọ, hoặc tách bán cho công nhân, nhà đầu tư những khu vực này thường săn những nền đất rộng từ 100m2 trở lên, bán cho dân nhập cư làm việc tại các khu vực giáp ranh như quận Tân Bình, quận Gò Vấp mua để xây nhà ở.
Được biết, đa số nền đất môi giới phân phối hiện nay là của người dân bản địa “cắt” ra bán cho nhà đầu tư. Nguồn đất này cũng được những nhà đầu tư lẻ từ các quận Gò Vấp, quận 8, quận Tân Bìnhn rốt ráo “săn lùng” vì giá vừa rẻ, diện tích lại lớn, có thể đầu tư nhiều loại hình. Nắm bắt được xu hướng này, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lân cận cũng đã “thăm dò” và mua nhiều nền đất lẻ để về xây dựng nhà phố, biệt thự sống tại khu vực này.
Việc chuyển hướng đầu tư từ các vùng đất “chật” như khu vực Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú đang khiến giá đất Hóc Môn, Củ Chi, quận 12 có xu hướng tăng nhẹ (từ 1 – 2 triệu đồng/m2). Cụ thể, giá một nền đất 100m2 tại xã Tân Thới Nhì mua vào thời điểm năm 2015 là 150 triệu đồng/nền, đến nay nhà đầu tư bán lại đạt mức 300 triệu đồng.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ BĐS Eximrs cho biết, mặc dù mới chỉ vừa bước qua tháng giêng, nhưng lượng giao dịch đất nền ở thị trường thứ cấp đã tăng rõ rệt. Nhiều dự án đất nền - nhà phố đang được sang nhượng với giá tăng từ 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2016.
Đơn cử, giá một nền đất có sổ đỏ, hạ tầng hoàn chỉnh thuộc Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng (do Liên minh HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp Đồng Nai - Donaco.op làm chủ đầu tư) tăng từ 7,1 triệu đồng/m2 lên 9 triệu đồng/m2 (tăng gần 30%).
Trong khi đó, giá đất bình quân nhiều tuyến đường thuộc quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức như Lê Văn Việt, Phú Hữu, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh… đang được giao dịch ở mức từ 35 - 77 triệu đồng/m2 (tùy vị trí). Giá đất tăng quá nhanh khiến cả nhà đầu tư lẫn người mua có nhu cầu ở thực buộc phải chuyển hướng, tìm kiếm nguồn đất tại các khu vực xa hơn, giá mềm hơn. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư tranh thủ thời điểm giá bán còn chưa biến động nhiều gom hàng để dành.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, nhà đầu tư thứ cấp là một phần không thể tách rời của thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng trước sự gia tăng các nhà đầu tư thứ cấp, bởi đây không chỉ là nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn về giá sản phẩm, mà còn là mầm mống của "bong bóng" BĐS .