Khó khăn vẫn bao trùm
Sau khi tuyến cao tốc nối liền từ TP.HCM đến Khánh Hòa được đưa vào vận hành, tình hình giao dịch tại các dự án khu đô thị lớn ở Đồng Nai, Bình Thuận vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
Một vị lãnh đạo doanh nghiệp lớn có trụ sở tại TP.HCM chia sẻ, nhà đất vẫn khó bán, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng, vì khách hàng vẫn ưu tiên mua các bất động sản phục vụ nhu cầu thật. Dù vậy, công ty ông vẫn lên kế hoạch chăm sóc khách hàng cũ và đưa ra các kịch bản để chờ thị trường hồi phục. Còn bây giờ, mọi thứ đang rất khó khăn và doanh nghiệp vẫn phải tìm cách để tồn tại.
Một doanh nghiệp khác đang triển khai nhiều dự án bất động sản tại Bình Dương cũng thừa nhận, dù Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng bán hàng vẫn rất khó khăn. Điều này buộc doanh nghiệp tiếp tục phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương nhân viên, đặc biệt là lương của lãnh đạo, để tồn tại.
Tại TP.HCM, chia sẻ trong phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong thời gian qua, Thành phố đã chuyển giao 169 nội dung kiến nghị của doanh nghiệp địa ốc cho các sở, ngành, còn 20 nội dung đang rà soát sẽ tiếp tục có thông báo. Với nhóm 44 dự án đề nghị cấp chủ trương đầu tư, UBND Thành phố đã nhận 24 dự án và sẽ xem xét từng vụ việc để giải quyết.
Có thể thấy, vấn đề cấp phép chủ trương đầu tư đang được các địa phương, trong đó có TP.HCM, đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, sự “lệch pha” giữa các quy định pháp lý, trong khi chưa có hướng giải quyết triệt để, vẫn khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.
Báo cáo về thị trường bất động sản quý II/2023 của Công ty JLL Việt Nam cho thấy, trong 3 tháng qua, chỉ có 36 căn nhà liền thổ ở TP.HCM được giao dịch thành công trên thị trường sơ cấp. Các sản phẩm trên thị trường sơ cấp chủ yếu là hàng tồn kho có giá trị giao dịch lớn, nên giao dịch càng hạn chế trong bối cảnh tâm lý thị trường thận trọng. Ở phân khúc căn hộ cao cấp và siêu sang, dù chỉ có 1.090 căn được chào bán tại TP.HCM, nhưng chỉ gần 40% số căn hộ này được khách hàng đặt mua.
Kỳ vọng phục hồi trong dài hạn
Với câu hỏi “Khi nào thị trường bất động sản phục hồi?”, hầu hết các ý kiến trả lời đều cho rằng, thị trường đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng, dòng vốn đầu tư vào bất động sản sẽ được cải thiện trong giai đoạn tới.
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc, thời gian gần đây, chính sách đối với bất động sản có những điểm tích cực. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đang rất sát sao hạ lãi suất, đặc biệt là lãi suất đầu vào, nhằm có lãi suất đầu ra tốt hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà cũng như doanh nghiệp.
“Từ những tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước sẽ kích thích được người mua nhà, đặc biệt là những người có nhu cầu thực và đầu tư lâu dài. Còn về giá bất động sản, từ nay đến cuối năm sẽ không có đột biến, mà sẽ chờ sang năm sau mới khởi sắc. Chúng ta có thể hoàn toàn tự tin về việc này”, ông Quyết dự báo.
Một yếu tố nữa được xem là cú hích cho thị trường chính là các hoạt động xây dựng hạ tầng mới. Có thể kể đến như việc khởi công đường Vành đai 3 TP.HCM với tổng vốn đầu tư 75.000 tỷ đồng và sự kiện tái thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành (sau 4 năm dừng thi công) với tổng vốn đầu tư 31.000 tỷ đồng.
Theo đó, thị trường bất động sản sẽ từng bước phục hồi trở lại. Điều này phản ánh rõ qua thị trường chứng khoán - thị trường được xem là “đi trước” của nền kinh tế nói chung cũng như bất động sản nói riêng.
“Tình hình kinh tế đang có chuyển biến tốt, xuất khẩu ổn định và thị trường nội địa thuận lợi sẽ giúp bất động sản tan băng. Tuy nhiên, thời điểm thị trường hồi phục không phải trong năm nay, mà kỳ vọng sẽ xuất hiện vào đầu năm 2024, khi lãi suất cho vay hạ xuống, vốn đầu tư công chảy vào thị trường mạnh mẽ hơn”, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa nhận định.
Báo cáo thị trường mới đây của Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, bất động sản luôn trải qua 4 giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ mới. Đó là phục hồi, tăng trưởng, sốt nóng và trầm lắng. Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn trầm lắng. Nhưng ở góc độ tích cực, thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.