Aa

Thị trường địa ốc ngóng EVFTA

Thứ Bảy, 27/06/2020 - 09:00

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/8/2020) sau khi được Quốc hội phê chuẩn ngày 8/6, mang đến nhiều kỳ vọng cho một số phân khúc bất động sản cụ thể.

Triển vọng lớn

Nhiều ý kiến cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), cùng làn sóng dịch chuyển Trung Quốc+1 của các tập đoàn đa quốc gia sẽ tạo ra cơ hội mới về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Kéo theo làn sóng này, các phân khúc như văn phòng cho thuê, nhà ở chuyên gia hoặc căn hộ dịch vụ và đặc biệt là bất động sản công nghiệp sẽ được hưởng lợi.

CBRE Việt Nam đánh giá, EVFTA sẽ thúc đẩy những biến chuyển tích cực cho thị trường bất động sản công nghiệp trong nước. Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cùng với làn sóng vốn ngoại đổ bộ vào lĩnh vực sản xuất sẽ kéo theo nhu cầu cho các sản phẩm bất động sản công nghiệp (đất và nhà xưởng xây sẵn) ngày càng tăng cao.

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Giao dịch - Dịch vụ bất động sản công nghiệp của CBRE Việt Nam cho biết, trước đây, CBRE Việt Nam nhận thấy yêu cầu thuê từ các công ty châu Âu còn hạn chế, nhưng tin rằng, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp từ các công ty này sẽ tăng lên trong thời gian sắp tới. CBRE cũng dự đoán nhu cầu thuê sẽ chủ yếu đến từ các nhóm ngành như máy móc và thiết bị (phụ tùng/linh kiện ô tô), thiết bị điện tử và may mặc.

Báo cáo nghiên cứu của CBRE cũng chỉ ra rằng, các ngành nghề liên quan đến phụ tùng/linh kiện ô tô được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Các nhà cung ứng cấp 1 đang mở rộng nhanh chóng tại thị trường Việt Nam, điển hình như Bosche, Schaeffler, Mitsubishi Motors, Yazaki, Daimler...

Chính điều này khiến cho thị trường bất động sản công nghiệp được dự đoán sẽ hoạt động rất tốt trong những năm tiếp theo nhờ vào sự hạn chế nguồn cung (đất, nhà xưởng xây sẵn và nhà kho) trong bối cảnh nhu cầu từ các công ty lắp ráp, phụ tùng và mua bán ô tô tăng nhanh.

Các cụm công nghiệp nằm gần cảng hoặc gần cụm sản xuất ô tô sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng và Hải Dương được dự kiến sẽ trở thành tâm điểm đầu tư trong tương lai. Các tỉnh phía Nam như Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu với lợi thế thuận tiện di chuyển đến cảng Hiệp Phước và Cái Mép cũng hứa hẹn có nhiều tiềm năng phát triển cho nhà đầu tư.

Lạc quan thận trọng

Trước niềm hào hứng của các thành viên thị trường về việc Việt Nam sẽ là điểm đến của các “đại bàng”, cũng vẫn còn đó không ít cái nhìn cẩn trọng hơn.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, EVFTA sẽ có hiệu lực vào tháng 8 tới, nhưng từ 2 năm nay, nhiều nhà đầu tư đầu tư đã nhắm đến Việt Nam chứ không phải chỉ ở thời điểm hiện tại khi mà EVFTA được Quốc hội thông qua. Dẫu vậy, cũng không thể phủ nhận, với hiệp định này, nhiều nhà đầu tư châu Âu sẽ nhắm vào Việt Nam như một điểm đến, còn thời điểm nào sẽ tiến hành đầu tư hiện vẫn phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới, công tác chống dịch.

“Nếu các nước có thể kiểm soát dịch cuối năm nay thì các nhà đầu tư có thể đặt chân vào Việt Nam năm 2021, nếu dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn thì có lẽ các kế hoạch sẽ chậm hơn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Công Trụ, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp cho biết, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng rất nhiều vào EVFTA khi đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam với nhiều dự án lớn. Theo ông Trụ, ở các quốc gia khác cũng có ưu đãi đầu tư lớn, nhưng về địa chính trị không bằng Việt Nam, nên nước ta có nhiều lợi thế.

Ông Trụ cũng cho rằng, để EVFTA thực sự ngấm và có tác động tới thị trường bất động sản, phải tới giữa năm sau, bởi khi đó yếu tố cung cầu mới đủ chín. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ trước, qua nhiều hình thức khác nhau, sau khi EVFTA có hiệu lực, cùng với sự cởi mở của Chính phủ Việt Nam, làn sóng vốn FDI sẽ càng chảy mạnh hơn nữa vào Việt Nam. Không chỉ các nhà đầu tư từ châu Âu, mà có thể cả các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…

Đồng quan điểm, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư Savills cho rằng, lĩnh vực bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp sẽ là một trong những lĩnh vực hưởng lợi lớn từ làn sóng FDI, nhưng cũng không nên kỳ vọng quá do hiện còn tồn tại rất nhiều hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi và chuỗi cung ứng ở phân khúc công nghiệp.

Với hai phân khúc nhà ở và văn phòng, vị đại diện Savills cho rằng, Việt Nam đã nới rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà từ năm 2015, nhưng đến hiện tại, số người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng không quá nhiều.

Với phân khúc văn phòng, nguồn cung không lớn và tỷ lệ lấp đầy đã tương đối cao, nên các hiệp định sẽ không tác động quá nhiều vào thị trường.

“Do vậy, đối với lĩnh vực bất động sản, độ thẩm thấu và sự phát huy hiệu lực của các hiệp định như trên trong vòng một vài năm tới sẽ làm thị trường trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, nếu nói về việc thay đổi cục diện thì vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ nhận định nào”, ông Khương cho biết.

Theo các thành viên thị trường, để thực sự đón sóng đầu tư và dịch chuyển của các doanh nghiệp lớn, từ hai hiệp định và tác động của thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam cũng cần nhiều sự chuẩn bị.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết, nhiều ý kiến cho rằng bất động sản công nghiệp là xu thế chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhà nhà đua nhau làm bất động sản công nghiệp, thì cũng rất nguy hiểm.

“Bất động sản công nghiệp không đơn thuần chỉ là mặt bằng cho thuê để làm nhà xưởng, sản xuất, mà phải có nhà ở cho công nhân, là một quần thể”, người đứng đầu Tập đoàn FLC nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top