Aa

Thị trường khách sạn cần chuẩn bị gì khi đã có vaccine và du lịch sớm trở lại?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 01/08/2021 - 06:00

Nhiều khách sạn trên thế giới đã gặp khó khăn sau khi mở cửa trở lại do sự thiếu hụt về nhân viên và chuỗi cung ứng… Tương tự, Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị kịch bản sẵn sàng cho sự hồi phục.

Dù chịu tác động lớn từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, công suất thị trường khách sạn vẫn tăng do thời gian giãn cách giai đoạn những tháng đầu năm được nới lỏng hơn so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường được đánh giá đang đứng vững trước đại dịch, với nhiều hy vọng về sự hồi phục của ngành du lịch khi việc triển khai vaccine giúp du lịch mở cửa.

Cụ thể, báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam cho thấy, giá phòng khách sạn tại Hà Nội trung bình đạt 77 USD/phòng/đêm, tăng 1% theo quý nhưng giảm 9% theo năm. Nguồn cung của thị trường vẫn ổn định theo quý với 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao. Trong đó, khách sạn 5 sao chiếm tới 54% nguồn cung và đồng thời dẫn đầu với doanh thu phòng trung bình đạt 28 USD/phòng/đêm nhờ nhóm khách chính là khách công tác và khách lưu trú dài ngày. Tới cuối quý II/2021, nhiều khách sạn đang tạm đóng cửa do Covid-19 và để sửa chữa, ngoài ra một số khách sạn đã được chọn làm địa điểm cách ly.

Mặc dù làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy công suất phòng xuống còn 27% nhưng mức công suất này vẫn tăng 6% theo năm do giãn cách xã hội giai đoạn đầu năm 2021 được nới lỏng hơn so với năm 2020.

Savills dự báo 6 tháng cuối năm 2021 tới 2023, gần 2.600 phòng dự kiến sẽ được đưa vào thị trường từ 14 dự án. Trong năm 2021, ba dự án 3 - 5 sao được dự tính sẽ cung cấp trên 500 phòng cho thị trường. Khu vực nội thành sẽ đóng góp lớn nhất vào nguồn cung tương lai với 1.200 phòng từ 7 khách sạn, theo sau là khu phía Tây với 36% nguồn cung tương lai.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: “Dù với công suất chỉ đạt 27%, thị trường khách sạn Hà Nội vẫn được đánh giá trụ vững trong đại dịch. Nhiều hy vọng cho sự trở lại của ngành du lịch khi việc triển khai vaccine sẽ giúp du lịch quốc tế được mở cửa”.

Việc triển khai vaccine sẽ tăng sự tự tin cho ngành du lịch
Việc triển khai vaccine sẽ tăng sự tự tin cho ngành du lịch. (Ảnh minh hoạ)

Về triển vọng đầu tư trong lĩnh vực nghỉ dưỡng tại Việt Nam nói chung, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, nhiều nhà đầu tư quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao, đối với cả các dự án đang hoạt động hoặc đang trong quá trình phát triển. Sở dĩ có sóng đầu tư này vào thị trường là bởi các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn về tiềm năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam sau dịch, khi tình hình được kiểm soát và các hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại”.

Việc triển khai vaccine sẽ tăng sự tự tin cho ngành du lịch. Kế hoạch của Việt Nam trong việc thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine ở Phú Quốc và Quảng Ninh là một bước quan trọng để chào đón du khách quốc tế quay trở lại đất nước. Tuy nhiên, các khách sạn cũng cần có sự chuẩn bị thật tốt nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng đột biến một khi du lịch trở lại.

Ông Matthew cho hay: “Tại Mỹ, các khách sạn đang gặp khó khăn sau khi mở cửa trở lại do sự thiếu hụt về nhân viên và chuỗi cung ứng. Cùng với đó là việc giá phòng tăng do kỳ vọng của khách hàng và nguồn cầu lớn làn sóng du lịch lớn sau một thời gian dài bị hạn chế đi lại. Tại châu Âu, du lịch các nước đang được cải thiện và đang có những mô hình, quy trình được tính toán thử nghiệm. Nhiều khách sạn đang mở cửa và chỉ duy trì 1/3 số lượng nhân viên hoặc luân chuyển nhân viên, dẫn tới sự thiếu hụt nhân lực khi thị trường trở lại. Đây là một số điểm đáng lưu ý của thị trường đi trước, đòi hỏi thị trường trong nước cần có sự chuẩn bị cẩn trọng, bởi nếu không, Việt Nam hoàn toàn có thể trải qua các khó khăn tương tự”.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam cũng cho hay, trong bối cảnh các đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều địa phương trên cả nước và kéo dài cho đến nay, thị trường nghỉ dưỡng tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nguồn khách nội địa vẫn là nguồn cầu chủ lực cho thị trường này khi Việt Nam chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Bên cạnh đó, một số dự án biệt thự nghỉ dưỡng hay condotel có vị trí đẹp và được phát triển bởi chủ đầu tư có kinh nghiệm tại khu vực Hạ Long, Vũng Tàu, Phú Quốc ghi nhận doanh số bán hàng tích cực cho thấy sự lạc quan của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng sau khi dịch bệnh được hoàn toàn kiểm soát.

Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam cũng nhận định: “Trong 6 tháng cuối năm, đối tượng khách nội địa vẫn là nguồn cầu chủ đạo của thị trường này. Các gói giảm giá của khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hãng hàng không sẽ tiếp tục giúp gia tăng nguồn khách nội địa khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát. Bên cạnh đó, các phương án đón khách quốc tế trong tương lai dài hơn, doanh nghiệp kinh doanh khối khách sạn cũng sẽ cần chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm sẵn sàng đón nguồn cầu này mà vẫn đảm bảo tính an toàn”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top