Aa

Thị trường khách sạn tại TP.HCM chuyển biến tích cực nhờ khách nước ngoài

Thứ Sáu, 21/10/2022 - 06:19

Bức tranh thị trường khách sạn TP.HCM đang có sự chuyển biến tích cực, gần bằng thời kỳ trước dịch. Nhiều dự án khách sạn trong Thành phố có công suất thuê cao với sự trở lại của du khách trong và ngoài nước.

Tăng trưởng nguồn cung

Sự hồi phục của ngành du lịch ở thời điểm hiện tại đã kéo theo sự “thức tỉnh” của thị trường khách sạn, từ đó, các chuyên gia đánh giá rằng, trong những tháng cuối năm 2022, đà tăng trưởng này vẫn tiếp tục giữ nhịp.

Thực tế cho thấy, nhiều khách sạn đã bắt đầu ghi nhận sự cải thiện về nguồn cầu - cung, khiến công suất thuê phòng dù chưa đạt được một nửa so với cùng kỳ năm 2019 nhưng nhìn chung đều có xu hướng tăng trưởng rõ rệt.

Theo khảo sát của Savills, nguồn cung tăng 2% theo quý và 49% theo năm lên 15.500 phòng từ 110 dự án. Thị trường ghi nhận sự mở cửa trở lại của hai khách sạn 4 sao và ba khách sạn 3 sao. Cụ thể, dự án mới Fusion Original đã đi vào hoạt động, cung cấp 146 phòng tiêu chuẩn 5 sao tại quận 1. Được biết, trong quý IV/2022, khách sạn 5 sao Hilton Saigon tại quận 1 dự kiến sẽ khai trương với 312 phòng.

Bên cạnh đó, phân khúc 4 và 5 sao có nhiều tín hiệu khởi sắc cùng tốc độ phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm. Thị trường này có tỷ lệ lấp đầy trung bình 58%, tăng 19 điểm phần trăm theo quý. Phân khúc 4 sao cải thiện 21 điểm phần trăm, 5 sao tăng 24 điểm phần trăm và 3 sao có mức cải thiện 9 điểm phần trăm theo quý. Giá phòng bình quân đạt 1,7 triệu VNĐ/phòng/đêm, tăng 22% theo quý và 50% theo năm, sau khi các khách sạn 5 sao tăng giá trung bình 21% theo quý và 68% theo năm.

Khách nội địa vẫn là động lực chính

Thời gian qua, TP.HCM không ngừng nỗ lực xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm tăng thêm sự lựa chọn cho du khách trong nước và quốc tế. Trong đó, nổi bật phải kể đến là chiến lược "mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm đặc trưng" nhằm gia tăng sản phẩm du lịch và tăng sức hấp dẫn cho từng điểm đến.

Chính vì vậy mà TP.HCM vẫn là điểm đến phổ biến nhất ở Việt Nam, chiếm 45% lượng khách cả nước khi đón hơn 10 triệu lượt khách nội địa, tăng 69% theo quý.

 Bưu điện TP.HCM là một trong những điểm đến của du khách.

Mặc dù thời gian miễn thị thực vẫn ngắn và chỉ áp dụng cho một số quốc gia nhất định, nhưng lượng khách nước ngoài đến TP.HCM trong quý II/2022 đạt 1,6 triệu, tăng 240% theo quý và bằng 80% lượng khách trong quý III/2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 70 nghìn tỷ VNĐ. Trong quý III/2022, doanh thu tăng 15% theo quý lên gần 24 nghìn tỷ VNĐ, tương đương 80% doanh thu quý III/2019.

Triển vọng tích cực từ khách nước ngoài

Có thể thấy, quý cuối năm là mùa cao điểm của thị trường khách sạn tại TP.HCM, với nguồn khách chính là khách nước ngoài và khách MICE. Triển lãm Du lịch Quốc tế TP.HCM năm 2022 trở lại sau hai năm đã thu hút đại diện của 45 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam và 28 quốc gia.

Trao đổi với PV, bà Minh Phụng, chủ khách sạn La Table de Saigon tại quận 1, TP.HCM cho biết, hiện nay, khách sạn đón khách quốc tế là chủ yếu. Những du khách đến ở ngắn ngày và có cả những du khách ở khoảng 1 - 2 tháng đến từ các nước như: Anh, Úc, Mỹ... và công suất phòng luôn đạt khoảng 80 - 85%. 

Nhiều tháng nay khách sạn La Table de Saigon tại quận 1, TP.HCM đạt công suất phòng 80 - 85%.

Trong quý IV/2022, theo Sở Du lịch TP.HCM, Thành phố kỳ vọng đón hơn 20 triệu lượt khách, gồm 2 triệu khách quốc tế.

Chia sẻ với PV, ông Trần Đức, Tổng Quản lý bộ phận Buồng phòng Intercontinential cho biết, thị trường khách sạn hiện đã đạt 80 - 90% công suất phòng, chỉ chênh lệch khoảng 1 - 2% so với thời điểm trước dịch năm 2019. Hiện nay, lượng khách chủ yếu vào dịp cuối năm là của công ty, tập đoàn, lãnh sự quán, đến từ các quốc gia như: Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Singapore… 

“Những lượng khách này sẽ ở những khách sạn 4 - 5 sao, có sức chứa khoảng 400 - 500 chỗ ngồi, phù hợp tổ chức hội nghị, hội họp. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ tổ chức các tour đi Đồng bằng sông Cửu Long, Saigon Vespa ở TP.HCM... Ngoài ra, khách vãng lai hay khách đoàn đi theo tour chủ yếu sẽ ở những khách sạn 3 sao”, ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, thị trường khách sạn bước sang tháng 4/2023 mới phục hồi tối đa. Bởi vì khi đó Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản sẽ mở nhiều tour du lịch hơn, khi đó tỷ lệ lấp đầy sẽ đạt mức cao.  

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám Đốc Điều Hành Savills Việt Nam cũng cho rằng: “Bất chấp những khó khăn kinh tế và nguồn cung thì công suất và giá phòng vẫn tăng. Khách MICE, khách nước ngoài và khách công tác sẽ thúc đẩy nhu cầu trong quý IV/2022”.

Đánh giá triển vọng thị trường khách sạn quý cuối năm 2022, đại diện của Savills Việt Nam nhận định, thị trường khách sạn những tháng cuối năm sẽ có cơ hội tận dụng xu hướng “khách sạn hóa bất động sản thương mại”. Đặc biệt từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023, riêng TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và Intercontinental.

Có thể thấy, thị trường TP.HCM hiện phụ thuộc khá nhiều vào dòng khách quốc tế. Tuy nhiên, nhu cầu này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Các thị trường chính như Trung Quốc và Hồng Kông vẫn đóng cửa và chính sách thị thực của Việt Nam chưa được cải thiện.

Nhằm phục hồi ngành du lịch nói chung, thị trường khách sạn nói riêng, Sở Du lịch TP.HCM vẫn đang tích cực tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 3D trong quảng bá du lịch, nâng cao năng lực truyền thông về các địa điểm du lịch của TP.HCM để thu hút khách quốc tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top