Nhà đầu tư không "ngộp" cũng bán
Từ cuối năm ngoái, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng. Tâm lý của nhà đầu tư cũng trùng xuống. Đến nay, mặc dù thị trường đã phát đi những tín hiệu tích cực, song nhiều nhà đầu tư vẫn trong trạng thái bất an, lo lắng. Thậm chí có trường hợp không kẹt tiền vẫn muốn bán.
Vì lo sợ sẽ tiếp tục bị chôn vốn vào bất động sản, anh Nguyễn Toàn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã quyết định rao bán mảnh đất rộng 120m2 tại Sóc Sơn (Hà Nội) với mức giá 2,5 tỷ đồng. Giá bán này đã giảm khoảng 700 triệu đồng so với thời điểm đầu năm ngoái anh mua mảnh đất.
"Tôi cứ gửi môi giới rao bán vậy thôi, cũng chưa biết sẽ bán được với giá bao nhiêu. Bởi, khu vực xung quanh hiện tại rất nhiều người rao bán cắt lỗ. Thực tế, khi mua mảnh đất này tôi vay gần 1 tỷ đồng, đến nay cũng không bị áp lực tài chính đè nặng, vẫn đủ khả năng thanh toán hàng tháng", anh Toàn nói.
Theo anh Toàn, nguyên nhân khiến anh quyết định bán là tâm lý lo lắng về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản. "Biết đâu không bán giá lại giảm tiếp, nếu giá đi ngang cũng cần thời gian rất lâu để tăng trở lại. Do đó, nếu bán được tôi sẽ tìm kênh đầu tư khác bỏ tiền vào", anh Toàn nói.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản giằng co, việc nhà đầu tư xuất hiện tâm lý bất an cũng là điều dễ hiểu. Bởi, họ chưa biết chắc chắn liệu thị trường từ nay tới cuối năm sẽ diễn biến thế nào và có thêm biến cố gì xảy ra.
Theo anh Vũ Thanh Tùng - chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội - thời gian qua thị trường xuất hiện một số trường hợp không "ngộp" tài chính nhưng cũng rao bán gấp. Những trường hợp này chủ yếu rơi vào các nhà đầu tư mới, sở hữu 1-2 tài sản, có sử dụng đòn bẩy nhưng tỷ lệ thấp.
Ngoài ra, theo anh Tùng, cũng có trường hợp nhà đầu tư sở hữu nhiều bất động sản cùng lúc, có đủ tài chính để gồng chờ thị trường nhưng tâm lý sợ rằng, không rõ trong thời gian tới kịch bản thị trường bất động sản có diễn biến xấu đi. Vì thế, họ vẫn rao bán tài sản, thậm chí cắt lỗ so với thời điểm mua.
Bên cạnh đó, có những trường hợp họ thay đổi kế hoạch đầu tư, bán đi để mua bất động sản mới có lợi thế tốt hơn hoặc tìm kiếm kênh đầu tư khác.
"Một số khác họ nắm giữ tài sản đang trong tâm lý lo lắng khi nhìn thấy kinh tế khó khăn nên muốn trữ tiền mặt. Họ chọn việc bán tài sản để cầm tiền thay vì dựa vào sự khó đoán của thị trường. Do đó, việc bán bất động sản hay tiếp tục nắm giữ sẽ phụ thuộc vào quan điểm đầu tư của mỗi người", môi giới này cho biết.
Tâm lý giằng co đang cản trở thị trường?
Thực tế cho thấy, sau khi thị trường bất động sản trải qua "cú phanh gấp" tâm lý của nhà đầu tư có phần bị ảnh hưởng. Tâm lý của người mua chưa ổn định trở lại được đánh giá là rào cản cho sự hồi phục của thị trường trong thời điểm hiện tại.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, thị trường bất động sản thời điểm hiện tại đã hội tụ đầy đủ những yếu tố cần và đủ để phục hồi. Thứ nhất, giá bất động sản đã giảm, là cơ hội để người mua xuống tiền.
Thứ hai, những dự án đang mở bán có chính sách giảm trực tiếp về giá bán hoặc thông qua chương trình ưu đãi và kéo dài lịch thanh toán. Vì thế, yếu tố đang cản trở thị trường bất động sản hồi phục là sức ì về tâm lý và phải mất thời gian để xóa bỏ.
Ông Quang nói 2023 vẫn là một năm nhiều thử thách, khó khăn với thị trường bất động sản. Ông hy vọng khó khăn này sẽ giảm dần theo thời gian, đến năm 2024 thị trường bất động sản sẽ hồi phục, nhưng sẽ là hồi phục dần dần.
"Những khó khăn của thị trường địa ốc chắc chắn không thể tan nhanh trong một sớm một chiều. Kể từ quý IV năm nay, nếu như những yếu tố hỗ trợ thị trường xuất hiện đầy đủ và với tần suất dày đặc (bao gồm chứng khoán tăng trưởng ổn định, lãi suất tiết kiệm giảm sâu và lãi suất cho vay mở rộng cho bất động sản), "khối băng" địa ốc sẽ dần tan rã", vị này chia sẻ.
Còn theo chuyên gia Đinh Minh Tuấn, thế giằng co của nhà đầu tư đất nền dự báo có thể sẽ sớm kết thúc vào khoảng nửa đầu năm 2024 khi những khó khăn của lĩnh vực bất động sản dịu đi và thị trường đi vào giai đoạn phục hồi.
Nhận định về xu hướng mua bán, đầu tư đất nền trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, đây vẫn sẽ là loại hình nhận được nhiều sự quan tâm. Dù sụt giảm sâu về giá bán và giao dịch, sức cầu chung của phân khúc này dự kiến tăng nhẹ trong các tháng cuối năm nay, nhưng sẽ khó có những đột biến và giao dịch tập trung ở khu vực có biến động hạ tầng và pháp lý minh bạch.