Theo CBRE, quý III năm nay, thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án trung tâm thương mại (TTTM) mới đi vào hoạt động. Do đó, tổng nguồn cung tính đến hết 9 tháng không đổi và duy trì ở mức 930.500m2. Trong quý cuối năm, thị trường dự kiến đón nhận 2 dự án mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động.
CBRE cũng cho biết giá chào thuê mặt bằng bán lẻ tăng 2,3% theo năm, 1,1% theo quý; đạt mức 101,8 USD/m2/tháng. Do không có nguồn cung mới dự kiến đi vào hoạt động tại khu vực trung tâm trong năm nay, giá chào thuê trung bình dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, trong khi tỷ lệ trống duy trì ở mức thấp dưới 2%.
Trong 3 năm tới, thị trường bán lẻ Hà Nội được kỳ vọng sẽ sôi động hơn với các TTTM mới đi vào hoạt động có quy mô khu vực (40.000 - 70.000m2 bán lẻ mỗi TTTM). Trọng điểm, 2 dự án TTTM Vincom mới dự kiến đi vào hoạt động (Vincom Megamall Ocean Park và Vincom Megamall Smart City) sẽ tận dụng nguồn cầu từ 2 dự án đại đô thị phía Đông và Tây thành phố.
Bên cạnh công ty lớn nội địa là Vincom Retail, theo CBRE, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài cũng ngày càng quan tâm đến thị trường Hà Nội. AEON Mall Group gần đây đưa ra thông báo về dự án mới TTTM AEON Mall Hoàng Mai sau dự án AEON Mall Hà Đông (dự kiến mở cửa vào quý IV năm nay).
Những TTTM này được dự báo đem lại nhiều lợi ích cho các nhà bán lẻ đang tìm kiếm cơ hội ngoài khu vực trung tâm - khu vực hạn chế về quỹ đất cũng như mặt bằng bán lẻ chất lượng. Tuy nhiên, việc phân bổ của các TTTM quy mô lớn quanh Hà Nội cũng tạo nên những thách thức nhất định khi thị trường không hình thành một khu mua sắm tập trung.
Theo CBRE, dù không nhiều thương hiệu nước ngoài gia nhập thị trường trong quý III, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn là môi trường hấp dẫn cho các đơn vị nước ngoài, nhờ vào tăng trưởng kinh tế và cơ cấu dân số trẻ. Các nhà bán lẻ lớn quốc tế như Emart và Takashimaya đã công bố kế hoạch đầu tư vào thị trường Hà Nội, kỳ vọng sẽ bắt đầu có mặt trên thị trường trong 3 năm tới.
Trong quý III, doanh nghiệp Nhật Stripe International thâu tóm thương hiệu Vascara, 2 năm sau khi mua lại NEM. Theo thông tin từ Insider Retail Asia, tập đoàn bán lẻ BGF của Hàn Quốc sẽ nhảy vào thị trường các ngành hàng về ăn uống, vui chơi giải trí và thời trang sẽ tiếp tục thu hút các nhà bán lẻ trong thời gian tới. Tại một số TTTM hiện hữu, việc tái cơ cấu ngành hàng vẫn đang diễn ra để đáp ứng những thay đổi mang tính xu hướng này.
Tương tự, khảo sát từ Savills cho hay tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội trong quý III đạt khoảng 1,5 triệu m2, tăng 12% theo năm. Cạnh tranh trong nước tiếp tục mạnh mẽ, điều này thúc đẩy nguồn cầu đối với bất động sản bán lẻ chất lượng. Khu vực nội thành và trung tâm mua sắm sẽ được nâng cấp nhằm duy trì khả năng cạnh tranh.
Khu vực nội thành duy trì thị phần lớn nhất, theo sau là phía Tây. Giá thuê gộp trung bình tầng trệt giảm 2% theo quý và 1% theo năm, trong khi công suất thuê ổn định theo quý và theo năm.
Phía Tây ghi nhận tăng trưởng giá thuê mạnh nhất trong khi trung tâm có mức tăng công suất thuê lớn nhất. Diện tích cho thuê thêm đạt cao nhất tại phân khúc trung tâm mua sắm và khu vực phía Tây.
Cũng theo báo cáo này, Savills cho hay doanh thu bán lẻ tăng trung bình 9%/năm trong 5 năm qua. Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu đạt khoảng 254,1 nghìn tỷ đồng (10,9 tỷ USD), tăng 12,7% theo năm, phản ánh sự tăng lên về nhu cầu và mức độ tự tin của người tiêu dùng.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự lạc quan của người tiêu dùng đối với cơ hội việc làm và tài chính cá nhân, cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu cho các khoản mục lớn. Và chính sự cải thiện liên tục của các chỉ số kinh tế chính đã dẫn đến sự tăng trưởng ở một số ngành như du lịch, hoạt động ngoài trời, hay các sản phẩm liên quan đến công nghệ và sức khỏe.
Cũng theo thống kê của Savills, ngành giải trí dẫn đầu với tỷ trọng diện tích thuê lớn nhất là 26%, theo sau là ngành Thời trang & Mỹ phẩm. Các chủ đầu tư bán lẻ đang ngày càng bớt phụ thuộc vào ngành Thời trang & Mỹ phẩm, khiến tỷ trọng ngành này giảm 4% so với năm 2017.
Tỷ trọng các khách thuê không phải bán lẻ như spa, trung tâm thể dục thẩm mỹ, tiệm giặt là, trung tâm giáo dục và phòng trưng bày nghệ thuật lại tăng 3%. Mặc dù chiếm tỷ trọng thấp hơn, ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống là một ngành quan trọng khi thu hút lượng khách hàng nhiều nhất.
Đưa ra dự báo đến năm 2021, theo Savills, tại khu vực nội thành, 23 dự án với khoảng 241.000m2 sẽ gia nhập. Khu vực trung tâm sẽ không đón nhận thêm dự án nào cho đến năm 2021, trong khi đó không có nguồn cung mới ra mắt ở phía Tây trong vòng hai năm tới. Hầu hết các dự án tương lai sẽ tập trung ở các khu dân cư và thương mại đang phát triển với cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông cải thiện.