Trải qua một giai đoạn phát triển nhiều biến động, đến nay thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của mình đối với nền kinh tế quốc dân. Các hoạt động kinh doanh bất động sản cũng được đánh giá là nguồn động lực giúp tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), thu hút dòng kiều hối và là yếu tố quan trọng trong quá trình đô thị hóa của đất nước..., góp phần không nhỏ vào quá trình thay đổi bộ mặt đô thị, hình thành nên các loại hình bất động sản đa dạng, thu hút giới đầu tư và khách mua.
Nhìn lại hơn 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã từng bước “lột xác” để ngày càng chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Trải qua giai đoạn “thử lửa”, những doanh nghiệp trụ vững trên thị trường đã dần khẳng định vị trí của mình, xác định dấu ấn riêng bằng hàng loạt dự án uy tín, hấp dẫn người mua, trở thành các Tổng công ty, Tập đoàn lớn, kinh doanh chuyên nghiệp.
Doanh nghiệp chủ động thay đổi
Kể từ năm 2013 đến nay, số lượng doanh nghiệp “tay không bắt giặc” đã giảm rất nhiều. Những doanh nghiệp còn trụ vững trên thị trường phần lớn đều có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp.
Sự phát triển của các doanh nghiệp dẫn đầu ở thời điểm hiện tại nói lên sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân cùng sự chuyên nghiệp, bài bản, dòng vốn ổn định, bền vững. Những nhân tố này chính là động lực phát triển của thị trường bất động sản.
Nếu như 10 năm trước, những cái tên như HUD, UDIC, Vinaconex… là điển hình của khối doanh nghiệp Nhà nước ghi dấu ấn trên thị trường bất động sản bằng những công trình cao tầng đầu tiên, nhà chung cư đầu tiên… thì hơn 10 năm sau, những Vingroup, Sun Group, Novaland, Hưng Thịnh… đã trở thành đại diện cho uy tín của các doanh nghiệp bất động sản tư nhân hàng đầu, với hệ thống sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ đẳng cấp, làm hài lòng khách hàng.
Nhận định về vấn đề này, PGS. TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng: “Nhìn vào sự “lột xác” của các doanh nghiệp bất động sản ở giai đoạn này thấy rằng, doanh nghiệp tư nhân coi định dạng thương hiệu là việc làm quan trọng, là một phần giá trị tài sản trong cổ phiếu. Ngoài chiến lược làm hàng hoá để bán cho tốt, điều chỉnh hàng hoá bán cho phù hợp, họ còn xây dựng, tích luỹ thương hiệu. Và ngày qua ngày, mỗi ngày tốt lên một chút, để đến lúc lượng đổi và chất sẽ đổi, hoặc ít nhiều là nâng lên một cấp độ khác. Ngược lại những doanh nghiệp, ngày qua ngày, mỗi ngày kém đi một chút, thì đến một ngày nào đó phải “giải tán” cũng là chuyện hiển nhiên. Đấy chính là bản chất của thị trường”.
Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của thời đại công nghệ phát triển, các doanh nghiệp ngày càng tập trung phát triển dự án một cách chọn lọc và thông minh hơn, phục vụ nhu cầu khách hàng với những sản phẩm chất lượng cao. Thay vì các dự án nhà ở siêu cao cấp với mức giá chỉ rất ít bộ phận người dân tiếp cận được, ngày càng có nhiều các sản phẩm nhà ở vừa túi tiền phục vụ nhu cầu cho đại bộ phận người dân.
Một sự đột phá khác của thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây là việc các doanh nghiệp chủ động tập trung vào mở rộng thị trường xây dựng xanh, với các dự án được phát triển dựa trên nền tảng đảm bảo tính bền vững của môi trường, của dự án. Theo Melissa Merryweather, Chủ tịch Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, số lượng công trình xanh đã tăng gấp đôi mỗi năm trong vài năm qua, với hơn 100 dự án được cấp giấy chứng nhận hoặc đang trong thời gian hoàn thành chứng nhận.
Khối doanh nghiệp nước ngoài cũng là một phần không thể thiếu trong cơ cấu thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay. Hàng loạt dự án lớn nhỏ trên tất cả các phân khúc, ở khắp các vùng miền trên cả nước đã được các nhà đầu tư ngoại phát triển và mở rộng. Tính đến tháng 11/2018, riêng thị trường bất động sản ghi nhận 6,3 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm, góp vốn mua cổ phần từ nhà đầu tư nước ngoài.
Hành lang chính sách ngày càng chặt chẽ
Để đạt được những thành quả như vậy, đã có nhiều yếu tố quan trọng góp phần tác động đến sự vận động của thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó quan trọng hàng đầu là khuôn khổ thể chế, hành lang pháp lý.
Tính từ năm 2007 đến nay, thể chế bất động sản đã thay đổi một bước lớn. Từ Hiến pháp 1992 đến Hiến pháp 2013, thị trường bất động sản Việt Nam đã được nhìn nhận bình đẳng với các thị trường khác. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với thị trường bất động sản đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ với Hiến pháp năm 2013.
Ngoài xác lập nhận thức về thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất được tham gia vào thị trường như một loại tài sản, hàng hóa đặc biệt thì việc hàng loạt các luật như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… được ban hành, liên tục điều chỉnh sát với thực tế đã góp phần hỗ trợ thị trường bất động sản Việt Nam đi qua giai đoạn khó khăn và dần phát triển mạnh mẽ.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Xây dựng), công tác quản lý thị trường bất động sản từng bước được tăng cường. Bộ máy quản lý nhà nước về thị trường bất động sản được hình thành từ Trung ương tới địa phương, bước đầu đã củng cố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản. Các cơ quan tham mưu ở Trung ương và địa phương đã kịp thời đề xuất các giải pháp để điều tiết thị trường phát triển ổn định và lành mạnh mỗi khi có biến động bất thường.
Năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả cuộc bình chọn những quy định pháp luật tốt và chưa tốt năm 2016, trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm 8/30 quy định pháp luật được bình chọn tốt nhất. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng VCCI đánh giá, kết quả trên là tín hiệu tích cực của những nỗ lực thay đổi khung pháp lý cho các doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, những quy định được đánh giá tốt trong lĩnh vực bất động sản không chỉ có tác động tích cực đối với hoạt động của doanh nghiệp, người dân mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản thời gian qua, thu hút thêm đầu tư nước ngoài và kể cả những tác động với an sinh xã hội như tăng diện tiếp cận nhà ở xã hội.
Để thị trường phát triển ngày một minh bạch, bền vững, cơ quan quản lý Nhà nước về bất động sản, các Hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản đã có nhiều giải pháp để nhanh chóng hoàn thiện thể chế, tạo sức bật cho thị trường. Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, hoàn thiện thể chế là công tác quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ vừa thường xuyên vừa cấp bách của Bộ Xây dựng.
“Bộ cũng sẽ tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội trọng điểm; trong đó đẩy mạnh phát triển nhà ở phòng chống bão lũ khu vực Miền Trung; nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân lao động”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.