Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, bất kể nền kinh tế nào cũng luôn có 3 thị trường chính là thị trường lao động, thị trường hàng hóa và thị trường tài chính. Tại Việt Nam, riêng thị trường tài chính đã chiếm tới 323% GDP năm 2019. Do quy mô đã gấp 3 lần quy mô nền kinh tế, nên nếu có bất kỳ trục trặc nào ở thị trường tài chính thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn.
Theo vị chuyên gia này, năm 2019, thị trường tài chính phát triển tích cực hơn và lành mạnh hơn, đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn, giảm bớt phát hành trái phiếu lãng phí, lượng cung tiền ra nền kinh tế tốt, đảm bảo mức lạm phát 2,73%.
Bên cạnh đó, khả năng chống chịu của nền kinh tế tốt hơn, với dự trữ ngoại hối lên tới gần 80 tỷ USD, tương đương với 3,7 tháng nhập khẩu. Tuy đây chưa phải là một mức cao, nhưng là kỷ lục từ trước tới nay.
Ông Lực phân tích, trong năm qua, huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá tốt, với 250 nghìn tỷ, tăng 7% so với năm 2018. Trên thị trường cổ phiếu, năm qua huy động 314 nghìn tỷ, tăng 13% so với năm trước. Ngân hàng số và fintech đang phát triển mạnh mẽ. Hiện có tới 94% ngân hàng đã hình thành chiến lược phát triển ngân hàng số, thanh toán qua mobile banking tăng mạnh.
“Dù vậy, tôi cho rằng chúng ta cần phải tạo điều kiện hơn nữa để tạo cân bằng cho thị trường tài chính do hiện nay nguồn vốn vẫn đang dựa quá nhiều vào ngân hàng”, ông Lực nói.
Cũng tại diễn đàn, khi đánh giá về hiện trạng và tiềm năng của thị trường fintech Việt Nam, ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit cho rằng, trong vài năm gần đây thị trường fintech đang phát triển bùng nổ. Khoảng 10 - 15 năm về trước khi thị trường fintech Việt Nam manh nha, ban đầu chỉ có một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhưng dần dần đã có thêm những doanh nghiệp trong nước gia nhập và hiện nay là giai đoạn “chín muồi” cho phát triển thị trường fintech Việt Nam.
Với chính sách phát triển không tiền mặt của Chính phủ, đến 2020 mục tiêu đạt 30% nhưng hiện nay mới đạt 10%. Cùng với sự đầu tư ngày càng lớn của các doanh nghiệp, thị trường fintech Việt Nam đang có một bước đà để phát triển và sẽ ngày càng thăng hoa.
Tuy việc phát triển này cũng sẽ dẫn đến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt nhưng cạnh tranh khốc liệt là bản chất của thị trường, sẽ có doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường theo quy luật M&A.
“Một số doanh nghiệp đang đầu tư tiền để thu hút người dùng và thay đổi thói quen dùng tiền mặt sang xã hội không dùng tiền mặt, điều này tiêu tốn kinh phí rất lớn. Nhưng rất may có nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đang đầu tư rất lớn vào để thay đổi thói quen này. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp nào bắt kịp xu thế và đầu tư lớn thì sẽ chiếm được thị phần lớn”, ông Vĩnh nói.
Bổ sung cho ý kiến của ông Trần Việt Vĩnh, ông Võ Trí Thành cho biết, để fintech Việt Nam phát triển cần phải thay đổi được đồng thời ba điểm: thứ nhất là thói quen, thứ hai là thể chế, thứ ba là công nghệ.