Thông thường, xu hướng giảm giá thép và nguyên liệu sản xuất sẽ được người tiêu dùng hoan nghênh. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp thép tiết kiệm được 1 khoảng lớn chi phí sản xuất mà còn hạ bớt gánh nặng cho nhiều doanh nghiệp xây dựng khi thép thường chiếm khoảng 20 - 30% chi phí công trình.
Ngành thép đang ở tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự sụt giảm về nhu cầu thép hiện nay là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định.
Việc giá nguyên vật liệu sản xuất thép biến động lớn đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép. Cả đầu ra và đầu vào đều bất lợi khiến các doanh nghiệp thép phải giảm sản lượng và bị bào mòn lợi nhuận trong thời gian tới.
Giá thép nguyên liệu đã hạ nhiệt
Trong báo cáo tình hình thị trường thép 6 tháng đầu năm, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, sự sụt giảm nhu cầu thép là kết quả xu hướng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhu cầu thép giảm đã tác động trực tiếp đến giá nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, giá nguyên vật liệu sản xuất thép biến động lớn, giá các loại quặng sắt, thép phế, than cốc hồi cuối quý II/2022 đã giảm 40 - 50% so với quý trước.
Trước đó, do ảnh hưởng của việc tăng giá các nguyên liệu đầu vào nên trong quý I/2022, các loại sắt thép đã có sự tăng giá. Song bước sang quý 2, giá thép thế giới và trong nước đã giảm mạnh do giá nguyên vật liệu đầu vào hạ nhiệt.
Hiện nay, giá các mặt hàng kim loại đã giảm đáng kể so với thời điểm trước đây. Đặc biệt, giá quặng sắt - nguyên liệu chính cho sản xuất thép đã giảm về mức 113 USD/tấn tại thời điểm ngày 11/7, giảm khoảng gần 34 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 6/2022.
Cũng theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá các nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thép đã đồng loạt giảm mạnh sau thời gian tăng nóng do gián đoạn nguồn cung hồi đầu năm. Cụ thể, Giá nguyên liệu than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày 7/6 đang giao dịch ở mức 320 USD/tấn, giảm mạnh so với mức 520 USD/tấn hồi tháng 4 trước đó.
Tương tự, giá thép phế nội địa giảm mạnh từ 1 - 1,4 triệu đồng/tấn, hiện đang ở mức 8,5 - 9,4 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá phế nhập khẩu cũng giảm 130 USD/tấn xuống còn 370 USD/tấn vào cuối tháng 6.
Giá thép phế liệu loại HMS 1/2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á được điều chỉnh giảm 100 USD/tấn, ở mức 395 USD/tấn CFR Đông Á ngày 11/7.
Cũng trong xu hướng giảm giá còn có mặt hàng Thép cuộn cán nóng HRC – nguyên liệu chính trong sản xuất tôn mạ. Theo đó, giá thép HRC giao dịch ngày 11/7 tại CFR cảng Đông Á ở mức 634 USD/tấn, giảm khoảng 115 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 6.
Theo VSA, giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 4 đến nay khiến thị trường Thép xây dựng chững lại, các nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng.
Với áp lực giá nguyên liệu giảm, cùng nhu cầu về mặt hàng Thép xây dựng suy yếu, nhiều thương hiệu thép trong nước đã liên tục điều chỉnh giá bán để cạnh tranh thị trường, gia tăng sản lượng bán hàng nhằm đảm bảo ổn định doanh thu.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép tiếp tục thông báo hạ giá sản phẩm với mức giảm cao nhất lên đến 650.000 đồng/tấn trong ngày 2/8 vừa qua. Như vậy, chỉ tính từ giữa tháng 5 đến nay, giá thép trên thị trường giảm 12 lần liên tiếp. Hiện giá Thép xây dựng mới nhất trên thị trường hiện nay dao động khoảng 15 - 16 triệu đồng/tấn.
Cắt giảm sản xuất để giảm hàng tồn kho
Trong báo cáo thị trường thép vừa mới công bố của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ghi nhận lượng thép sản xuất và tiêu thụ giảm đáng kể trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, trong tháng 6/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, giảm gần 13% so với tháng trước và giảm 12,3% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,25 triệu tấn, giảm 4,83% so với tháng trước và giảm gần 1% so với cùng kỳ.
Trong nửa đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 16,6 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 15,13 triệu tấn, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 3,36 tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau. Để tháo gỡ khó khăn, nhiều nhà máy thép đã buộc phải phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 2 ca/ngày, thậm chí có những giai đoạn phải dừng sản xuất.
Ngoài ra, sự suy yếu ở thị trường Trung Quốc do chính sách Zero Covid của nước này đã khiến tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu thấp hơn dự báo. Dù xuất khẩu bù đắp phần nào nhu cầu nội địa suy giảm, song nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong các quý tới do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, gần đây EU đã bổ sung Việt Nam vào nhóm "các nước khác" với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1/7/2021 - 30/6/2022, và tăng 4%/năm trong 2 năm tới. Với điều chỉnh này, xuất khẩu mặt hàng sắt thép của Việt Nam sang thị trường EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới.
VSA cho rằng, thị trường thép nửa cuối năm sẽ còn khó khăn hơn khi dự báo giá Thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm, trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước.
Bên cạnh đó, bán hàng Thép xây dựng trong giai đoạn từ tháng từ 7 đến tháng 9 sẽ không sôi động do yếu tố thời tiết bước vào mùa mưa, nhiều công trình xây dựng ảnh hưởng tiến độ./.