Aa

Thị trường thực phẩm sạch (5): Quản lý kiểu “đánh trống bỏ dùi”

Thứ Sáu, 26/05/2017 - 11:42

Số lượng các cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm sạch đã được giảm từ 8 bộ ngành (năm 2003) xuống còn 3, gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương nhưng việc quản lý thị trường hiện nay vừa chồng chéo lại vừa thiếu sát sao.

Càng thu hẹp lại càng… cồng kềnh

Pháp lệnh về Vệ sinh An toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2003 quy định có 8 cơ quan bộ ngành quản lý nhà nước về ATTP, nhưng sau đó, Luật An toàn thực phẩm ra đời năm 2010 đã thu gọn bộ máy này xuống còn 3 cơ quan chuyên trách chính là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương.

Để cụ thể hơn, Chính phủ cũng đã có sự phân chia danh mục các nhóm sản phẩm, thực phẩm đối với mỗi bộ. Ví dụ như: Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh với các loại phụ gia thực phẩm, nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng,…; Bộ Nông nghiệp quản lý ngũ cốc, thịt, sản phẩm từ thịt, rau củ quả, nông sản,…; Bộ Công thương quản lý rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật,…

Ngay sau khi ra đời, thao tác “tinh giản biên chế” và tối ưu hóa hệ thống quản lý này đã nhận được không ít sự kỳ vọng từ người tiêu dùng với hy vọng chất lượng thực phẩm từ tươi sống đến chế biến, nhập khẩu sẽ được đảm bảo ở mức cao hơn.

Thêm vào đó, việc ban hành Thông tư liên tịch số 12/2014 của ba bộ quy định một sản phẩm chỉ chịu trách nhiệm quản lý bởi một cơ quan nhà nước được coi là tin vui nhằm chấn chỉnh sự chồng chéo trong công tác quản lý của thị trường này.

Tuy nhiên, khoảng cách từ quy định trên giấy tờ đến thực tiễn lại quá cách xa nhau khi thực tế cho thấy vẫn còn không ít những mặt hàng thực phẩm đang phải chịu sự quản lý của cả 3 bộ.

Ảnh minh họa.

Ví dụ như thành phẩm bánh mứt kẹo, ô mai thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp nhưng nguyên liệu cấu thành lại do Bộ Công thương quản lý.

Hay đối với bánh trung thu, phần vỏ bánh làm từ tinh bột do Bộ Công thương quản lý nhưng nhân bánh là thịt, trứng lại thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp trong khi phụ gia tạo màu, tạo hương chịu sự giám sát của Bộ Y tế còn quá trình lưu thông trên đường do lực lượng Quản lý thị trường quản lý.

Chính quyền địa phương “đánh trống bỏ dùi”

Vài năm trở lại đây, trước thực trạng mất ATTP ở mức báo động, không chỉ các bộ ngành mà các đơn vị tỉnh, thành cũng đồng loạt đẩy mạnh phong trào chống thực phẩm bẩn, bảo đảm ATVSTP.

Từ Nam chí Bắc, các tháng hành động vì ATTP, các cuộc mít tinh, hội thảo, những đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện liên tục được thành lập ra để kêu gọi, hưởng ứng phong trào đảm bảo ATTP.

Đấy là còn chưa kể mỗi tỉnh, thành phố đều có các Chi cục VSATTP với trung bình khoảng 11 biên chế hành chính, các trạm kiểm dịch thực vật từ cấp huyện tới cấp xã với đội ngũ nhân sự không kém phần hùng hậu cùng các Trung tâm chất lượng nông sản, Chi cục kiểm dịch thực vật,...

Thậm chí, người đứng đầu Chính phủ còn đích thân chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 27/4/2016 để giao trách nhiệm cho các ban ngành địa phương kèm chỉ đạo “Phải quy trách nhiệm cho người cuối cùng của cấp chính quyền, không thể chung chung khi để xảy ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm".

Thế nhưng câu trả lời mà người dân có được là số vụ việc vi phạm về ATTP ngày càng gia tăng, không chỉ về số lượng mà còn đa dạng cả về hình thức vi phạm.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2016, cả nước phát hiện hơn 50.000 vụ vi phạm ATTP, 130 vụ ngộ độc thực phẩm, hơn 4,1 nghìn người ngộ độc và 12 người tử vong.

Trong khi đó, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số vụ vi phạm ATTP là 40.000 vụ, số vụ ngộ độc là 21 vụ làm 641 nhiễm độc và 15 người tử vong.

Không chỉ tăng mạnh về số lượng ở các địa phương mà các vụ vi phạm còn đa dạng về hình thức vi phạm, nổi bật là hành vi liên quan đến sản xuất kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép, sản xuất kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu chứa methanol,…

Giải thích về thực trạng này, các địa phương loay hoay tìm cách đổ trách nhiệm do cơ chế, do nguồn lực hạn chế, địa bàn rộng, lỗi vi phạm ngày càng tinh vi,… nhưng tuyệt nhiên không có người đứng đầu địa phương nào nhận trách nhiệm và cam kết thực hiện các yêu cầu từ chính phủ.

Trong khi đó, chế tài đối với những vấn đề này lại hoàn toàn thiếu hụt nên cảnh “đánh trống bỏ dùi”, ra quân rầm rộ rồi đâu vào đấy vẫn xảy ra như cơm bữa từ Bắc chí Nam khiến người tiêu dùng vừa rút ví đi chợ vừa... run rẩy không biết tối nay bữa cơm gia đình sẽ có những gì?!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top