Ngay sau khi thông tin một bệnh nhân 26 tuổi, cư trú tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) dương tính với COVID-19, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, địa phương khác có hiện tượng nhiều người dân hoang mang, mua tích trữ các mặt hàng thực phẩm, thiết bị y tế, hàng hóa thiết yếu, gián tiếp tạo ra tình trạng "khan hiếm ảo", khiến các siêu thị, các chợ trở nên đông đúc và lộn xộn, dẫn tới tình trạng mất kiểm soát và nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể xảy ra.
Trong khi đó, thực tế, Thủ đô nói chung hay các địa phương nói riêng luôn cam kết sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm mỗi ngày cho toàn dân.
Thị trường giá tiêu dùng bình ổn tại các chuỗi bán lẻ lớn
Theo ghi nhận của PV, tại các chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam trên địa bàn Hà Nội như hệ thống VinMart, VinMart+, Tmart... luôn duy trì các mặt hàng ở mức giá ổn định, thậm chí sản lượng các sản phẩm còn được tăng lên để dự trù, phục vụ thêm cho người dân trong mùa dịch.
Các chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam vẫn duy trì mức giá ổn định giữa tâm dịch Covid-19
Đối với các loại rủ quả, số lượng rau củ quả tại các hệ thống này vẫn được cung ứng ổn định trước và trong tâm dịch Covid-19. Giá của các loại thịt vẫn duy trì ở mức trung bình như nạc vai, nạc đùi khoảng giá 140.000 đồng/kg, ba chỉ có giá 179.000 đồng/kg, chân giò giá 128.000 đồng/kg, sườn non giá 280.000 đồng/kg, các mặt hàng nhu yếu phẩm như dầu ăn (51.000 đồng/chai/l), nước mắm (35.000 -55.000 đồng/chai tùy loại), hạt nêm (28.000 đồng/gói)...; hoa quả, hóa mỹ phẩm (giấy vệ sinh, kem đánh răng, dầu gội, dầu tắm...) dự trù trong mùa dịch bệnh được tăng thêm số lượng để đảm bảo nhu cầu với mức giá giữ nguyên.
Rau, củ, quả, thịt, nhu yếu phẩm, hóa mỹ phẩm... vẫn đảm bảo nguồn cung cấp hàng ngày phục vụ người dân giữa tâm dịch Covid-19
Không chỉ có vậy, song song với việc bình ổn giá, các siêu thị thuộc các chuỗi bán lẻ lớn còn có các chương trình khuyến mại hấp dẫn được triển khai thường xuyên trong mùa dịch, rất nhiều mặt hàng có giá bán ưu đãi thậm chí thấp hơn ngày thường.
Các chương trình khuyến mãi với mức giá hấp dẫn vẫn được triển khai trong mùa dịch Covid-19
Các chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện tại cũng được chú trọng thiết lập không gian mua sắm an toàn với những quy định phòng chống dịch bệnh chặt chẽ cho cả khách hàng và nhân viên.
Theo ghi nhận của PV, trước cửa các siêu thị luôn khuyến cáo người dân cùng tham gia phòng dịch bằng việc luôn đeo khẩu trang trong quá trình mua bán hàng hóa, nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, việc bình ổn giá cũng được coi là trong những hành động thiết thực nhằm đồng hành và chia sẻ cùng người tiêu dùng trong suốt mùa dịch, trở thành điểm đến mua sắm an tâm cho khách hàng.
Kiên quyết không để tình trạng trục lợi, tăng giá, khan hàng trong mùa dịch
Trước tình trạng người dân đổ xô tích trữ thực phẩm sau khi ca bệnh thứ 17 dương tính với Covid-19, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường địa phương, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung những thông tin thất thiệt về tình trạng khan hiếm hàng hóa, ảnh hưởng đến kinh tế và quá trình phòng, chống dịch bệnh.
Kiên quyết không để lặp lại tình trạng người dân hoang mang, tích trữ thực phẩm, khan hiếm ảo...
Với các biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cùng những nỗ lực hết mình trong việc khống chế dịch trong suốt thời gian qua, người dân cần góp sức trong việc nâng cao ý thức, đoàn kết, tuân thủ nghiêm túc các chỉ dẫn, khuyến cáo và ủng hộ tin tưởng cơ quan chức năng; tỉnh táo tiếp nhận thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19), từ đó có biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.
Trước đó, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội từng chia sẻ, có nhiều giải pháp để giữ giá cả ổn định, tăng nguồn cung bằng việc các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên triển khai lực lượng kiểm tra các hệ thống phân phối, các chuỗi siêu thị bán lẻ để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, đồng thời đề nghị các nhà bán lẻ tăng dự trữ thêm 10 - 15%, chủ động tìm nguồn hàng sản lượng nhập, dự trữ; mở rộng thêm kênh bán hàng qua kênh online, giảm tải lượng người mua trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ, ổn định, đáp ứng được nhu cầu của toàn dân.
Cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam tính đến 12h sáng ngày 12/3/2020
Số trường hợp mắc: 39 (trong đó, 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn)
Số ca tử vong: 0
Tính đến ngày 11/3, tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ: 2.798
Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly: 113
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 24.782 (trong đó cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.200)
Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 4.471
Số mẫu dương tính: 39 (tính đến 9h ngày 12/3/2020) Số mẫu âm tính: 4.433
Hotline Bộ Y tế: 19009095 / 19003228