Aa

Trái phiếu BĐS tăng cường phát hành trong quý I, thị trường TPDN sẽ kém sôi động hơn trong quý II

Thứ Năm, 26/05/2022 - 06:15

Các động thái siết chặt của Chính phủ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong thời gian qua đã tác động đến cả doanh nghiệp phát hành và tâm lý nhà đầu tư.

Trái phiếu bất động sản được tăng cường phát hành trong quý I

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản vẫn được vận hành tương đối bình thường trong quý I/2022. Tuy nhiên, sau các động thái có phần cứng rắn từ Chính phủ trong việc lập lại trật tự và tăng cường tính minh bạch, công khai thì hiện nay các doanh nghiệp hiện đang trì hoãn kế hoạch phát hành nhằm chờ đợi hướng dẫn cụ thể hơn từ Chính phủ.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI, các doanh nghiệp bất động sản nhanh chóng đẩy mạnh phát hành TPDN riêng lẻ trong quý I, trước khi Thông tư 16/2021 có hiệu lực vào 16/1/2022, siết chặt việc quản lý các ngân hàng mua TPDN có mục đích góp vốn. Cụ thể, có 31 doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 38.200 tỷ đồng, chiếm 62% tổng lượng TPDN phát hành và tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trên thực tế, nhiều công ty bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn bất động sản lớn và chưa niêm yết, nên ngay sau khi Thông tư 16/2021 được công bố (cuối tháng 11/2021), các doanh nghiệp này đã tích cực đẩy mạnh phát hành riêng lẻ trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022.

Lượng phát hành TP BĐS.

Tuy nhiên, sau việc hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu của một nhóm doanh nghiệp bị hủy bỏ, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản trong tháng 4 chỉ phát hành trái phiếu có tổng giá trị là 820 tỷ đồng, giảm mạnh so với các tháng trước đó là bằng chứng cụ thể.

Nhóm các doanh nghiệp BĐS lớn trong quý I/2022.

Doanh nghiệp bất động sản không niêm yết chiếm tỷ trọng lớn trong quý I/2022

Tỷ trọng khối lượng TPDN phát hành bởi doanh nghiệp niêm yết chỉ chiếm 36,6% trong tổng số khối lượng trái phiếu phát hành trong kỳ, giảm so với mức trung bình 45% trong năm 2021. Xu hướng được quan sát tương đối rõ nét trong giai đoạn phát triển mạnh của thị trường TPDN trong 3 năm trở lại đây là tỷ trọng các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết tham gia hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu là tương đối cao so với các ngành khác. Trong năm 2021, tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết chỉ khoảng 94.600 tỷ đồng, tức chiếm khoảng 26,5% tổng TPDN bất động sản phát hành. Trong số những doanh nghiệp không niêm yết, các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn khi tổng khối lượng phát hành lên tới 33.500 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng khối lượng phát hành trong quý I.

Không khó để lý giải nguyên nhân các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản lại phát hành trái phiếu như vậy. Trên thực tế, việc huy động vốn thông qua kênh trái phiếu cũng giúp các doanh nghiệp bất động sản chủ động hơn cho nguồn vốn vay trung và dài hạn với khối lượng lớn, đặc biệt phù hợp trong giai đoạn đầu của phát triển dự án bất động sản. So với phương thức truyền thống là tín dụng từ ngân hàng thương mại (NHTM), phát hành trái phiếu mang lại cho doanh nghiệp nhiều ưu điểm như không cần thế chấp tài sản và được chủ động trong việc sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng. Trong khi đó, điều kiện và thủ tục vay vốn qua ngân hàng phức tạp hơn và khoản vay có giới hạn nhất định do các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn từ Ngân hàng Nhà nước (hệ số rủi ro cho vay bất động sản tăng, tỷ lệ LDR, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm).

Thị trường TPDN sẽ kém sôi động hơn, ít nhất trong quý II, trước khi có các chính sách rõ ràng hơn từ Chính phủ

Lợi suất TPDN đã tạo đáy trong năm 2021 và sẽ nhích tăng trong năm 2022. Mặt bằng lãi suất tiền gửi được kỳ vọng nhích tăng và nhờ vậy lợi suất TPDN cũng sẽ tăng theo khi mà hơn 70% TPDN phát hành có lãi suất thả nổi. Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn và áp lực lạm phát trên thế giới có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, làm tăng kỳ vọng lãi suất với các đợt phát hành trái phiếu mới. Đó là chưa kể đến việc nhà đầu tư sẽ phải tính lại mức độ rủi ro của ngành bất động sản trong năm 2022.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, môi trường lãi suất trong năm 2022 được kỳ vọng vẫn tích cực khi chính sách tiền tệ của Việt Nam có độ trễ so với các NHTW lớn trên thế giới, cũng như Chính phủ nhấn mạnh 2022 và 2023 là hai năm hồi phục, do vậy áp lực lên chi phí tài chính khi phát hành TPDN là chưa nhiều. Mặt khác, số TPDN đáo hạn trong 2 năm 2022 - 2023 ước khoảng 540.000 tỷ đồng, và chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy, nhu cầu phát hành TPDN dự kiến vẫn rất dồi dào.

Những thay đổi về quy định pháp lý tác động mạnh đến thị trường. Bộ Tài Chính đang lấy ý kiến từ các chuyên gia về dự thảo sửa đổi lần thứ 5, bổ sung Nghị định 153, động thái này thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường với nhiều quy định chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận hơn đến kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ. Cụ thể, ngoài việc quy định chi tiết hơn và chặt chẽ hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký/ thay đổi/ hủy bỏ giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán để phát triển thị trường thứ cấp; dự thảo còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng, có thể tác động mạnh đến thị trường TPDN. Nhìn chung, bản dự thảo sửa đổi số 5 đề cao tính minh bạch và chống lại các rủi ro gian lận trong quá trình phát hành trái phiếu tuy nhiên bản chất hoạt động của thị trường TPDN vẫn phải dựa trên nguyên tắc lợi nhuận – rủi ro đem lại. Các quy định như trong dự thảo sửa đổi số 5 cách nào đó sẽ khiến cho kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu riêng lẻ khó khăn hơn trước.

Một loạt sự kiện lùm xùm trên thị trường thời gian qua và các động thái siết chặt của Chính phủ trên thị trường TPDN riêng lẻ có đã tác động tới cả doanh nghiệp phát hành và tâm lý nhà đầu tư. Khối lượng doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm mạnh trong tháng 4. Trên thực tế, thị trường TPDN cần được xây dựng như là sản phẩm của thị trường vốn dù đặc thù có tính trung dài hạn. Chính phủ mục tiêu vẫn đang định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng do vậy việc phát triển thị trường TPDN riêng lẻ là cần thiết. Tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường TPDN vào khoảng 18% GDP, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025. Các động thái gần đây của Chính phủ nên được nhìn nhận là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, đối với các nhà đầu tư cá nhân, cần phải nhấn mạnh rằng bản chất vận hành của thị trường TPDN là thị trường vốn, nghĩa là có rủi ro và lợi nhuận (lợi suất trái phiếu) được định giá trên cơ sở rủi ro. Do vậy, điều quan trọng là có các cơ chế để tăng cường tính minh bạch hóa của thị trường để giúp nhà đầu tư có thể đánh giá tốt hơn những rủi ro có thể gặp phải. Trước mắt, những điều có thể làm ngay, dựa trên các quy định sẵn có, bao gồm việc rút ngắn thời gian cấp phép cho việc phát hành ra công chúng, để doanh nghiệp không còn phải quá phụ thuộc vào phát hành riêng lẻ.

Ngoài ra chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở GDCK cần được cung cấp thêm các thông tin như mục đích phát hành, lãi suất phát hành, các đơn vị trung gian tham gia vào hoạt động phát hành thay vì chỉ có những thông tin cơ bản như khối lượng và kỳ hạn như hiện tại. Kế hoạch triển khai Sàn giao dịch TPDN cần được nhanh chóng tiến hành nhằm yêu cầu các doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin một cách chuẩn hóa và dễ dàng tiếp cận đến nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ tạo điều kiện nhằm có thể điều hướng luồng vốn thông qua các tổ chức trung gian (Quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp…). Phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm cũng là một yếu tố cần được xem xét, giúp thị trường có thêm nhiều thông tin hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top