Aa

Thị trường trái phiếu đang giảm nhiệt?

Thứ Sáu, 11/10/2019 - 06:06

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp chỉ tập trung tại một số ngân hàng muốn tăng vốn, trong khi lãi suất trái phiếu nhóm bất động sản cũng giảm.

Lợi tức trái phiếu Chính phủ (TPCP) giảm trên sơ cấp

Kho bạc Nhà nước (KBNN) gọi thầu 2 phiên trong tháng 9 với khối lượng trúng thầu chỉ là 5.950 tỷ đồng, là tháng gọi thầu ít nhất kể từ tháng 10/2018 trở lại đây.

Tính chung cả 9 tháng 2019, KBNN phát hành gần 154 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 59,2% kế hoạch cả năm trong đó lượng phát hành của riêng quý 3 là 48.879 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư công giải ngân 9 tháng năm 2019 ước đạt 192 nghìn tỷ đồng, bằng 45,17% kế hoạch Quốc hội giao và thấp hơn so với cùng kỳ 2018.

Các dự án lớn nằm trong kế hoạch sử dụng vốn TPCP như đường cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành… đều chậm triển khai nên KBNN cũng hạn chế phát hành mới.

Nguồn cung giảm mạnh trong hai tháng gần đây trong khi nhu cầu vẫn cao. Khối lượng đăng ký luôn gấp khoảng 4 - 5 lần lượng gọi thầu, đã khiến cho lãi suất trúng thầu tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn trong tháng 9.

Hiện lãi suất trúng thầu các kỳ hạn 5, 7, 10, 15, 20, 30 lần lượt là 3,15%, 3,54%, 3,97%, 4,24%, 4,9% và 5,23%/năm.

Đón nhận thông tin giảm các lãi suất điều hành của NHNN, lợi tức TPCP trên thứ cấp tiếp tục giảm khá mạnh trong nửa đầu tháng 9 nhưng sau đó chững lại và nhích tăng nhẹ vào cuối tháng.

Lợi tức TPCP tính từ đầu năm đến nay đã giảm 1,3 - 1,5%/năm ở các kỳ hạn 5 năm trở xuống và giảm 1%/năm ở các kỳ hạn trên 5 năm. Giá trái phiếu đã tăng khá mạnh so với thời điểm đầu năm, các bên gia tăng chốt lời, hiện thực hóa lợi nhuận nên lợi tức nhích tăng lên.

Trong tháng 9, khối ngoại giao dịch đan xen với 2 tuần mua ròng và 2 tuần bán ròng nhưng tính chung lại vẫn mua ròng 2.240 tỷ đồng trong đó hơn 1.700 tỷ đồng mua ròng ở kỳ hạn 25 - 30 năm.

Đáng chú ý, trong tuần giao dịch cuối tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.011 tỷ đồng – mức kỷ lục tính theo tuần kể từ 2013 đến nay. Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tất cả các tháng, tổng lượng mua ròng lũy kế là 15,2 nghìn tỷ đồng TPCP trên thị trường thứ cấp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tập trung tại ngân hàng thương mại (NHTM)

Thống kê của SSI Research cho thấy, trong tháng 9/2019 có 25.516 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mới. Trong đó, có tới 21.071 tỷ đồng (tương đương 82,6%) là trái phiếu do các NHTM phát hành. Những ngân hàng phát hành nhiều nhất trong tháng 9 là TCB, CTG, BID, ACB, OCB…

Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượng TPDN phát hành là 155.306 tỷ đồng (số liệu không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do HNX không công bố). Trong đó, các NHTM vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 75.936 tỷ đồng (chiếm 49%). Đứng sau là các doanh nghiệp bất động sản (47.372 tỷ đồng - chiếm 26,4%), còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp khác.

Tính toàn thị trường TPDN trong 9 tháng 2019, lãi suất bình quân là 8,4%/năm và kỳ hạn bình quân là 3,68 năm. Trong đó, lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,82%/năm và 3,82 năm; của nhóm bất động sản là 10,17%/năm và 3,42 năm.

Tháng 9 là tháng phát hành nhiều nhất của các NHTM tính từ đầu năm đến nay. Lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu ngân hàng trong tháng 8 và tháng 9 là 7,1% và 7,0% - cao hơn so với các tháng trước đó. Chủ yếu là do các ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài hơn. Thay vì chỉ phát hành trái phiếu 2 - 3 năm như các tháng trước. Trong tháng 8 và 9/2019, các NHTM đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 10 năm. Các ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhiều nhất là Vietinbank, BIDV, Seabank.

Trái lại, lãi suất bình quân trong tháng 9 của trái phiếu bất động sản lại giảm mạnh xuống 8,1%. Lượng phát hành trong tháng chỉ là 1.797 tỷ đồng của 4 tổ chức phát hành là công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Nova Tân Gia Phát, CTCP Quản lý và Phát triển Gia Khánh và CTCP Sunshine Marina Nha Trang.

Ngoại trừ lô trái phiếu 460 tỷ đồng của Gia Khánh có lãi suất thả nổi với kỳ đầu là 10,5%/năm, các trái phiếu còn lại đều có lãi suất khá thấp, đặc biệt là 2 lô của Nova Tân Gia Phát chỉ có lãi suất 6%/năm và được các cá nhân trong nước mua toàn bộ. Chỉ có khoảng 62% lượng chào bán được mua, hầu hết lô phát hành đều dư khá nhiều. Trong đó, dư nhiều nhất là của Phú Mỹ Hưng khi chỉ phát hành đươc 800 tỷ đồng trên tổng cộng 1.700 tỷ đồng chào bán, bên mua 100% là các nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản tham gia phát hành trái phiếu sôi nổi hơn. Trong 8 tháng đầu năm, nhóm bất động sản có 44 doanh nghiệp chào bán trái phiếu qua 139 đợt với 47,8 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ có 36.146 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành, tương đương tỷ lệ 77,3%, mức thấp nhất trong các nhóm.

CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc là doanh nghiệp có tổng lượng phát hành nhiều nhất (4.610 tỷ đồng) và toàn bộ được bảo đảm bởi cổ phần của Vinhomes và bảo lãnh thanh toán bởi Vinpearl và Vinhomes. Một số doanh nghiệp có lượng phát hành lớn khác là Tân Liên Phát Sài Gòn (2.228 tỷ đồng), Vinpearl (2.000 tỷ đồng), Tiếp vận và Tân Liên Phát Tân Cảng (1.979 tỷ đồng), Novaland (1.900 tỷ đồng)…

Ngoài ra, khoản phát hành 100 triệu USD (tương đương 2.318 tỷ đồng) trái phiếu 10 năm được bảo lãnh bởi CGIF (thuộc ADB) vào cuối tháng 1/2019 của REE cũng được xếp vào nhóm bất động sản do mục đích huy động vốn là phát triển các dự án bất động sản.

Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN, thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/2/2019 với những điểm thay đổi chính gồm:

Nới lỏng về điều kiện phát hành TPDN như bỏ điều kiện TCPH phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành và cho phép phát hành nhiều đợt theo tiến độ dự án đầu tư.

Nghị định mới thay đổi quy định về TPDN phát hành riêng lẻ. Nghị định 90 quy định TPDN phát hành riêng lẻ là phát hành cho dưới 100 NĐT nhưng nghị định mới bổ sung thêm điều kiện NĐT không phải là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. Theo giới phân tích, đối tượng này sẽ được xếp vào phát hành ra công chúng và thực hiện theo Luật Chứng khoán. Nghị định 163/2018/NĐ-CP hoàn thiện các nội dung về hồ sơ chào bán và công bố thông tin theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn. Nghị định 163 đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho thị trường TPDN.

Các chính sách từ NHNN như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay với 1 khách hàng không quá 15% vốn tự có, điều chỉnh hệ số rủi ro với cho vay bất động sản… đã tạo ra sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ kênh huy động tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu.

Bên cạnh đó, việc thông tin phát hành trái phiếu minh bạch hơn và sự tham gia tích cực của các trung gian phân phối là các ngân hàng, công ty chứng khoán đã khiến TPDN trở lên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Sự gia tăng từ cả phía cung và phía cầu đã khiến thị trường TPDN Việt Nam trở lên sôi động hơn bao giờ hết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top