Aa

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Lãi cao có hẳn an toàn?

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Năm, 21/04/2022 - 19:49

Tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều đang đẩy rủi ro về phía người mua, nếu họ phải tự đánh giá và thẩm định về chất lượng trái phiếu.

Không để người mua phải tự đánh giá và thẩm định

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 có tổng cộng 26 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 22.185 tỷ đồng (chiếm 80,1% tổng giá trị phát hành) và 8 đợt phát hành ra công chúng giá trị 5.509 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 51% và 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TPDN thời gian qua đi kèm với những rủi ro tiềm ẩn. Tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều đang đẩy rủi ro về phía người mua khi phải tự mình đánh giá và thẩm định. Nhà đầu tư thường bị hấp dẫn bởi lãi suất cao của trái phiếu doanh nghiệp, dù nhận thức rõ rằng lợi nhuận cao thì đi kèm rủi ro cao. Nhưng rủi ro ở đây sẽ khiến cho nhà đầu tư phải trả giá rất đắt là mất toàn bộ giá trị khoản đầu tư nếu không lường trước được tình hình.

Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức hơn nữa từ các cơ quan quản lý để mô hình huy động tài chính cho doanh nghiệp từ trái phiếu không chỉ phát triển nhanh, bền vững, mà phải đảm bảo quyền lợi và an toàn cho nhà đầu tư. Nếu không siết chặt việc quản lý, sự phát triển vàng thau lẫn lộn hiện nay sẽ gây ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, và tác động tiêu cực đến phương thức huy động vốn cần thiết và quan trọng cho nền kinh tế.

Đây là một phần lý do vào giữa tháng 4/2022, Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cùng Công ty Cổ phần FiinGroup đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Theo đó, hai tổ chức đi đầu thị trường trong mảng tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp và mảng xếp hạng tín nhiệm độc lập tại Việt Nam hướng đến mục tiêu đồng hành để xây dựng thị trường trái phiếu lành mạnh và bền vững.

Cụ thể, hai bên sẽ trao đổi, cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ và kịp thời liên quan tới các cơ hội hợp tác và khả năng tham gia; đặc biệt trong các lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, dịch vụ cung cấp dữ liệu, dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu, môi giới đầu tư trái phiếu. Hai bên cam kết cung cấp cho thị trường những nhận định độc lập, khách quan và toàn diện về các sản phẩm đầu tư, phù hợp với định hướng chính sách nhà nước và sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.

Nên “chọn mặt gửi vàng” tổ chức phát hành

Câu hỏi đặt ra, làm cách nào để các nhà đầu tư chọn được trái phiếu an toàn khi thị trường "vàng thau lẫn lộn” với hơn 200 doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu? Bà Bùi Thị Thu Hà – Giám đốc Cao cấp Tư vấn và Kinh doanh Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securites – TCBS), khuyến nghị:

Xem xét thương hiệu doanh nghiệp và tính chuyên nghiệp của tổ chức phát hành: Theo quy định thì doanh nghiệp không được phép trực tiếp phát hành trái phiếu đến tay nhà đầu tư. Mọi trái phiếu đều phải có một công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ phát hành và doanh nghiệp phải lựa chọn một trong 3 phương thức phát hành (i) Đấu thầu hoặc (ii) Bảo lãnh phát hành hoặc (iii) Đại lý phát hành thông qua một tổ chức có giấy phép thực hiện nghiệp vụ này. Nhà đầu tư nên lựa chọn mua trái phiếu của những thương hiệu doanh nghiệp hàng đầu, thông qua các tổ chức tài chính đầu ngành đã có lịch sử phát triển bền vững.

Không nên ham lãi suất cao, mà nên cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro: Thông thường lãi suất trái phiếu phát hành bởi những tổ chức phát hành uy tín như TCBS chỉ cao hơn từ 1 - 2%/năm so với lãi suất tiết kiệm, nhưng đây là một sự lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư hãy dũng cảm bỏ qua những trái phiếu được chào lãi suất cao, nhưng tổ chức chào bán không cung cấp thông tin trái phiếu đầy đủ, vì đây là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro lớn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top