Aa

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi yếu ớt

Thứ Sáu, 29/09/2023 - 14:33

Những tháng cuối cùng của năm 2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường rất èo uột, chưa có nhiều hoạt động mua lại nào đáng kể dù áp lực đáo hạn đang gia tăng.

Thị trường diễn biến ảm đạm

Mặc dù trong thời gian vừa qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang diễn biến rất ảm đạm. Trong tháng 8 vừa qua không có nhiều hoạt động phát hành, mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp nào đáng kể.

Cụ thể, theo báo cáo mới đây của VBMA, tính đến ngày 31/8/2023, cả nước có 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị đạt 25.055 tỷ đồng, tuy nhiên không có đợt phát hành ra công chúng nào. 

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 132.358 tỷ đồng, gồm 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành) và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 115.882 tỷ đồng (chiếm 87,6% tổng số).

Thanh khoản trên thị trường trái phiếu chưa có dấu hiệu phục hồi. Ảnh: VietnamPlus

Cũng trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 17.489 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, lượng trái phiếu sắp đến hạn thanh toán của doanh nghiệp đang ở trong thời điểm cao nhất năm 2023. 

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 4 tháng cuối năm 2023, ước tính sẽ có khoảng 103.022 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Đặc biệt, tháng 9 này được xem là cao điểm đáo hạn khi có gần 40.800 tỷ đồng trái phiếu sắp đến hạn phải thanh toán.

Trong khi đó, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán vẫn đang kéo dài thêm từng ngày. Tính đến ngày 24/08/2023 đã có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Tình trạng này khiến cho áp lực đáo hạn trái phiếu ngày càng lớn.

Vẫn chưa thể phục hồi

Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, sau khi Nghị định 08 được ban hành, hoạt động mua lại cũng như đàm phán gia hạn thanh toán trái phiếu diễn ra khá sôi nổi. Tuy nhiên, nhìn chung thị trường vẫn chưa thể phục hồi.

Trong tháng 8 vừa qua có 22 đợt phát hành trái phiếu nhưng không có đợt phát hành ra công chúng. Điều này cho thấy thị trường vốn này đang có nhiều vấn đề. Thị trường này vẫn chưa thể tan băng, chỉ là đang được củng cố tốt hơn nhờ nhiều chính sách hỗ trợ và cam kết của doanh nghiệp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần thêm thời gian để phục hồi. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Thái Phạm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua khá trầm lắng. Theo báo cáo gần đây nhất của VnDirect, lũy kế 8 tháng đầu năm tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt 100.997 tỷ đồng giảm 54,75% so với cùng kỳ.

Đây là những con số cho thấy sự suy giảm và trầm lắng rõ ràng của thị trường vốn quan trọng của nhiều doanh nghiệp. Với tình hình thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng hiện tại thì khả năng việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu của doanh nghiệp trong tháng này sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Tôi vẫn khá thận trọng với thị trường trái phiếu. Bởi vì, trong ngắn hạn, sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào tình hình làm ăn kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước, xuất khẩu. Nếu các ngành sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu tốt lên thì thị trường bất động sản và trái phiếu bất động sẽ có cơ hội phục hồi”, ông Thái Phạm nói.

Đưa ra giải pháp giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn trong giai đoạn tới, mới đây, tại cuộc họp lần thứ 4 của Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị tiếp tục nghiên cứu để có những biện pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo đó, giải pháp đầu tiên nhận được sự thống nhất cao là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến thị trường. Giải pháp tiếp theo là tiếp tục triển khai các giải pháp về điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hoạt động kinh doanh sản xuất,...

Bên cạnh đó, Bộ trường còn lưu ý đến việc bổ sung thêm các biện pháp như tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm trả nợ trái phiếu đúng hạn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top