Theo số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây, tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8%; vốn điều chỉnh đạt 2,28 tỷ USD, giảm 59,4%; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67,2%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Vươn lên vị trí thứ 2 trong thu hút vốn FDI từ đầu năm đến nay là lĩnh vực tài chính, ngân hàng với tổng vốn đạt hơn 1,53 tỷ USD, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng dòng vốn tham gia vào bất động sản đã có sự sụt giảm mạnh, đứng ở vị trí thứ 3 khi chỉ thu hút được 1,16 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, giảm đến 61,3% so với số vốn đầu tư gần 3 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Trước sự sụt giảm đáng kể này đối với dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản, thị trường địa ốc tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, khách thức.
Trong quý I/2023 đã có thêm khoảng 50% sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, cùng với đó là hàng nghìn lao động mất việc làm (theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam). Những doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trên thị trường buộc phải thay đổi phương án kinh doanh, tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Về đối tác đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 14,3% so với cùng kỳ 2022. Nhật Bản đứng thứ 2 với gần 2,1 tỷ USD, chiếm gần 19,1% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,2 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,61 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 17,4%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,5%).
Về địa bàn, Hà Nội đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký thu hút được gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
Có thể thấy, sau 5 tháng đầu năm 2023, chỉ còn vốn điều chỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước, còn vốn cấp mới và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng. Điều này được xem là tín hiệu khá tích cực.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, việc tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới.
Không chỉ có sự cải thiện về vốn đăng ký, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết thêm trong 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân cũng đã có sự cải thiện ước đạt 7,56 tỷ USD, tuy vẫn giảm 0,8% so với cùng kỳ, nhưng mức giảm đã cải thiện so với các thời điểm đầu năm.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, từ giờ đến cuối năm, cùng với hy vọng về sự tăng trưởng chỉ số đăng ký đầu tư mới cũng như mua cổ phiếu bổ sung thì số vốn giải ngân, cả vốn đầu tư trực tiếp và vốn đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng.
Chia sẻ về những yếu tố giúp thị trường Việt Nam tiếp tục có được niềm tin từ doanh nghiệp nước ngoài, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, do nước ta đã có sự cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư, đó là điều rất tốt trong thời gian vừa qua. Cùng với đó, các cơ chế chính sách tương đối thông thoáng. Đặc biệt, Việt Nam đã có sự hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, trong đó đã ký kết và đang thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia, các khu vực trên thế giới, hàng rào thuế quan và phí thuế quan cho hàng hoá từ Việt Nam đi vào các nước được gỡ bỏ và hạ thấp một cách đáng kể so với thực trạng chung của cộng đồng kinh tế.
"Thêm nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối tốt, năng lực của lực lượng lao động cũng ngày càng được nâng cao. Đặc biệt trong khoảng thời gian 1 - 2 năm gần đây, nền kinh tế thế giới rơi vào lạm phát, nhưng nền kinh tế Việt Nam lạm phát tương đối thấp, tốc độ tăng trưởng cao, giá trị đồng tiền Việt Nam tương đối ổn định so với đồng USD và lên giá so với nhiều tiền khác. Do đó, Việt Nam đang trở thành 1 điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài của thế giới. Việc các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư nhiều hơn ở Việt Nam được coi như một công việc tự nhiên đối với cộng đồng quốc tế", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhận định./.