Aa

Thị trường vốn xanh không thể tăng trưởng chỉ dựa vào ngân hàng

Thứ Hai, 04/12/2023 - 11:20

Trong bối cảnh tín dụng xanh đang được quan tâm thúc đẩy, chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nên tích cực tìm hiểu thông tin, cơ chế cho vay dự án xanh để có sự điều chỉnh phù hợp trong chiến lược, dự án.

Ngày 4/12, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh”, trong bối cảnh Việt Nam đã lên kế hoạch để thực hiện các cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (được nêu ra từ COP26 năm 2021), tại COP28 diễn ra hồi tháng 11/2023 tại Dubai. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là huy động nguồn lực tài chính cho quá trình chuyển đổi này.

"Bất động sản là một trong những ngành có nhu cầu chuyển đổi xanh rất lớn"

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, nhu cầu vốn tín dụng xanh của Việt Nam là rất rõ ràng. Là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, đồng thời phải đối mặt với những áp lực lớn từ thiên tai, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

“Ước tính gần đây của IFC cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường. Nhưng mức cầu này cũng phụ thuộc vào độ hấp dẫn của tín dụng xanh”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Còn ông Võ Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Dịch vụ Tài chính Ngân hàng, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (Công ty EY Việt Nam) đánh giá, xu hướng quốc tế là tập trung nguồn lực cho các nước đang phát triển và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy, các nguồn vốn quốc tế sẽ hướng về Việt Nam nếu chúng ta đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí xanh. 

"Bất động sản cũng là một trong những ngành có nhu cầu chuyển đổi xanh rất lớn, như trong hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị xanh...", ông Võ Quốc Khánh chia sẻ.

Đối với chứng khoán, chúng ta đang áp dụng Chỉ số VNSI, phản ánh xu hướng đầu tư bền vững theo tiêu chí ESG với các mục tiêu xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết, hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính "xanh" để đầu tư...

"Cơ hội là rất lớn, vấn đề là bản thân doanh nghiệp có thực sự "xanh" hay khả năng đáp ứng các tiêu chí như thế nào", ông Khánh nói.

Ông Võ Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Dịch vụ Tài chính Ngân hàng, Công ty EY Việt Nam.

Còn theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam đang trong thời kỳ thúc đẩy tín dụng xanh. Giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30/9/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn. Trước hết, chưa có quy định chung của Quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng (TCTD) xác định cấp tín dụng xanh.

“Đầu tiên các ngân hàng phải nhận diện được đâu là dự án xanh. Nếu chưa có tiêu chí cụ thể thì rất khó có căn cứ cho vay”, bà Tùng nói.

Hai là, việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Chưa kể, còn khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Ba là, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn.Trong khi đó, nguồn vốn dài hạn từ thị trường vốn, nhất là kênh trái phiếu xanh chưa thực sự phát triển.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

Chúng ta không thể “vỗ tay bằng một bàn tay”

Để tín dụng xanh phát triển, theo bà Tùng, cần tiếp hoàn thiện hành lang pháp lý, bao gồm xây dựng danh mục danh; lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ. Đồng thời, có chính sách thúc đẩy thị trường vốn dài hạn để cùng hỗ trợ với hệ thống ngân hàng.

“Trước hết phải có danh mục xanh để ngân hàng nhận diện được và các doanh nghiệp cũng biết dự án mình làm có nằm trong danh mục xanh được ưu đãi tín dụng hay không? Danh mục xanh cũng phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng phù hợp với tình hình thực tế triển khai ở Việt Nam”, bà Tùng nhấn mạnh yếu tố đầu tiên.

Về phía ngân hàng, một trong những yêu cầu đặt ra với các tổ chức tín dụng trong thời kỳ mới đó là dành tỷ trọng nguồn vốn thích hợp cho những dự án xanh. Đề án cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng đề cập đến vấn đề này.

Thực tế, các ngân hàng cũng đang nắm vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ tín dụng xanh. Song theo bà Tùng, để phát triển nguồn vốn dài hạn và bền vững, rất cần phát triển thị trường vốn, trong đó có thúc đẩy trái phiếu xanh.

Về phía các doanh nghiệp, trước thách thức và cũng là cơ hội lớn này, các doanh nghiệp nên tích cực tìm hiểu thông tin, cơ chế của các Chính phủ, các ngân hàng đối với các dự án xanh, để có sự điều chỉnh phù hợp trong hoạt động nhằm nắm bắt được cơ hội tiếp cận tín dụng xanh.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Đại diện đơn vị tham gia tích cực vào thị trường vốn xanh, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: “Chúng tôi tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (World Bank) và các tổ chức tài chính tài trợ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, các dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên…

Thực tế, hành trình chuyển đổi đã được nhiều ngân hàng tham gia mạnh mẽ và mang lại được những kết quả bước đầu tích cực. Nhưng, ngoài vai trò của các ngân hàng rất cần sự tham gia của Chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế…

“Tôi hình dung chúng ta không thể “vỗ tay bằng một bàn tay”, cũng như thị trường vốn xanh không thể tăng trưởng chỉ nhờ vào ngân hàng. Mà cần sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, ban hành quy định cụ thể, sự đồng lòng của các đơn vị, doanh nghiệp liên quan vì tín dụng xanh đang là xu hướng toàn cầu”, bà Bình nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top