"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"

Hồng Vân (thực hiện)
Hồng Vân (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Thứ Sáu, 20/10/2023 - 06:08

Người ta thường nhắc đến doanh nhân Hà Thu Thanh là “bông hồng thép” của ngành kiểm toán Việt Nam, bởi bà mở đường cho một lĩnh vực rất gai góc là ngành kiểm toán độc lập ở Việt Nam từ năm 1991. Bên cạnh “thương hiệu” Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, bà còn được nhắc đến với nhiều vai trò khác như: Chủ tịch Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam VIOD, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Chủ tịch HĐQT Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP),... và năm 2022, bà trở thành thành viên nữ duy nhất trong Ban IV – Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ). 

Thế nhưng, tôi cứ muốn gọi bà theo một cách thật “đời”, đó là “người lãnh đạo dẫn lối những trái tim”. Bởi xuyên suốt trong cuộc trò chuyện với doanh nhân (vì sao không gọi là nữ doanh nhân – điều này sẽ được lý giải trong cuối bài viết) tôi nhận ra rằng, nguồn năng lượng tuyệt vời mà người phụ nữ này lan toả đến những người xung quanh, như một lẽ tự thân, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc được sống và làm việc với sự kiên định “cứ đi rồi sẽ thành đường” để “đánh thức” những giá trị nội lực của con người, góp phần tạo ra những tác động tích cực đến cộng đồng. Bà làm việc ấy với tất cả trách nhiệm, hy sinh và nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hành trình của mình. 

Cuộc trò chuyện với doanh nhân Hà Thu Thanh diễn ra sau khi bà tham dự lễ trao quỹ học bổng Thắp sáng Niềm tin. Ở tuổi ngoài 60, bà vẫn miệt mài làm việc với tần suất và lịch di chuyển “chóng mặt”. Không để phóng viên phải đợi lâu, doanh nhân Hà Thu Thanh chủ động mở lời cho cuộc trò chuyện một cách thẳng thắn nhưng cũng đầy dí dỏm: "Tôi hay được các nhà báo hỏi “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được quy định trong luật nào hay quy định ở đâu” – Và tôi trả lời: “Nó chưa xuất hiện trong luật nào cả mà nó đến từ trái tim”.

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"- Ảnh 1.

PV: Thưa bà, con đường từ trái tim đến trách nhiệm xã hội sẽ đi qua những lộ trình như thế nào?

Doanh nhân Hà Thu Thanh: Tôi nghĩ, để hiểu cặn kẽ về cụm từ “trách nhiệm xã hội” ta nên nhìn nhận các nấc thang phát triển như sau: Trước đây, chúng ta hay nhắc đến “từ thiện”. Từ thiện là gì? Là bạn có tấm lòng và bạn chia sẻ thứ mà bạn có với người đang thiếu nó. Thế nên mới có câu chuyện hài hước ở một số vùng, đến cả đàn ông cũng được tặng váy. Tôi cho người khác cái tôi có và tôi nghĩ là họ cần. Hoạt động từ thiện rất tuyệt vời bởi kích hoạt bản năng muốn giúp đỡ những người khác và chia sẻ những gì mình có. Điều này tốt nhưng chưa đủ, vì phía nhận thì cứ chờ đến ngày để được nhận và nhận những thứ mà người ta cho chứ chưa chắc đúng thứ mình cần. 

Sau “từ thiện” bắt đầu nâng lên một nấc mới là “thiện nguyện”. Thiện nguyện tức là tôi nguyện chia sẻ một điều gì đó với cộng đồng. Nếu tôi không có, tôi cũng vẫn sẽ nghĩ cách để cho. Bạn có tiền, bạn có sức, cùng nhau kết hợp lại thành các chương trình thiện nguyện. Các tổ chức xã hội cũng từ các hoạt động từ thiện nâng lên thành các chương trình thiện nguyện.

Khoảng 8 năm trước Nick Vujicic trở lại Việt Nam và trò chuyện trong chuỗi trương trình: “Tỏa sáng nghị lực Việt – Nick, bạn và tôi”. Anh ấy truyền tải thông điệp "Tinh thần phục vụ người khác sẽ xây dựng một xã hội đoàn kết và một quốc gia hùng cường"; và lúc này, khái niệm “trách nhiệm xã hội” bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn.

Vậy trách nhiệm xã hội là gì? Khi thực hiện trách nhiệm xã hội, không đơn thuần là những hoạt động từ thiện hay thiện nguyện, mà đã nâng lên thành một bộ hành vi ứng xử định hướng con người đến những thói quen, hành động tốt đẹp, góp phần tạo ra những tác động tích cực tới cộng đồng. 

Tôi lấy một ví dụ đơn giản thế này, khi bạn dừng đèn đỏ quá lâu, bạn tự hình thành thói quen tắt xe máy, vì bạn ý thức được việc tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế xả khói xăng xe ra những người xung quanh và môi trường. Không ai ép bạn làm điều đó nhưng đấy là một thói quen tốt được điều chỉnh từ suy nghĩ bên trong bạn, và nó thể hiện trách nhiệm của bạn với những người xung quanh.  

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"- Ảnh 2.

Vậy xã hội là ai? Cụm từ “xã hội” bao hàm rất lớn. Thế nên, trách nhiệm xã hội phải xuất phát từ chính trách nhiệm của một người với bản thân mình, với gia đình, với tổ chức nơi mình làm việc, với cộng đồng nhỏ nơi mình sinh sống. Nhưng bạn tự nguyện làm là vì sao? Thì tận trong sâu thẳm nó đến từ chữ “Tình”. Đó là tình thân, tình yêu thương gia đình, tình nghĩa vợ chồng, rồi đến tình yêu thương đồng nghiệp, tình yêu thương quê hương, tình yêu thương đồng loại…. Và giá trị của tình yêu thương ấy được thể hiện ra bằng hành động biết quan tâm, biết sẻ chia. Điều này tạo nên giá trị của niềm tin và đó là ngọn lửa của sự bền bỉ, là động lực để con người tiến tới hành động tốt đẹp hơn một cách tự nguyện.

Thế cho nên là gia đình hay là một doanh nghiệp hay một cộng đồng, thì tất cả mọi hành động đều bắt nguồn từ sự quan tâm và sẻ chia. Khi thực hiện điều gì đó, bạn cảm thấy tự hào đang thực hiện sứ mệnh của những con người có trách nhiệm chứ không phải con người phải chịu trách nhiệm. Và chúng ta biết đến một từ tuyệt vời là “trách nhiệm xã hội”. 

Những con người có trách nhiệm sẽ tạo nên những tổ chức có trách nhiệm. Những tổ chức có trách nhiệm sẽ lan toả được đến rất đông người xung quanh, mà lúc đó tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài gia đình bạn, người thân của bạn. Có thể là những người bạn không hề quen biết, nhưng từ những việc bạn làm, gián tiếp đã lan toả niềm vui, hạnh phúc đến người khác. 

hiệp hội nữ doanh nhân
Hội thảo "Nữ doanh nhân Việt Nam và Chiến lược Tăng trưởng xanh" diễn ra ngày 25/3/2023 đã chia sẻ và cập nhật xu thế phát triển bền vững với tích hợp ESG của doanh nghiệp trên thế giới. Đây là một phần trong chương trình "Nữ doanh nhân Việt Nam cam kết hành động để phát triển kinh doanh bền vững" được Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam phát động

PV: Cảm ơn bà vì bà đã cho tôi trải qua những cung bậc của từ “trách nhiệm”. Trong đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã chung tay cùng nhau thực hiện trách nhiệm xã hội bằng rất nhiều hoạt động cụ thể như thực hiện chuỗi siêu thị mini 0 đồng, xây dựng bệnh viện dã chiến, cung cấp máy thở… Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi phải giải bài toán hậu covid, phục hồi và phát triển, chúng ta nên tiếp cận khái niệm trách nhiệm xã hội hội của doanh nghiệp như thế nào, thưa bà?

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"- Ảnh 4.

Doanh nhân Hà Thu Thanh: Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên nhắc đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong một câu chuyện mới, rộng lớn hơn, đó là tác động tạo ra những giá trị để hướng tới sự phát triển bền vững mà hiện nay chúng ta bắt đầu đề cập đến ESG, một xu hướng đang rất được quan tâm trên toàn cầu. 

ESG gồm 3 yếu tố: E (Environment) - Môi trường gắn trực tiếp với biến đổi khí hậu và giảm thải carbon, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh; S (Social) - Xã hội là vấn đề mà văn hóa kinh doanh cam kết phát triển bền vững, để ở đó người lao động được bảo vệ một cách tốt nhất về lợi ích trong hiện tại và một cách bền nhất về công việc trong tương lai, đây là các yếu tố mà các công ty ở nước ngoài, các thị trường đang rất quan tâm, bên cạnh yếu tố thứ ba là G (Governance) về quản trị công ty, quản trị môi trường và quản trị xã hội. 
Ba yếu tố này nâng đỡ nhau. Quản trị môi trường gắn với quản trị công ty tốt sẽ tạo ra hiệu ứng cho các vấn đề về xã hội S-Social (xã hội). Quản trị ESG chính là quản trị phát triển bền vững. ESG sẽ gắn với từng hoạt động doanh nghiệp, từ đó sẽ tạo ra các sản phẩm và các dịch vụ mang tính trách nhiệm xã hội cao mà người ta sẽ dùng nó để đo lường trách nhiệm xã hội.

Ví dụ như ở Deloitte, chúng tôi xây dựng giá trị văn hoá doanh nghiệp hướng tới sự đa dạng, bình đẳng và bao trùm (Diversity, Equality and Inclusion – DE&I). Và tự trong đó đã bao hàm đầy đủ giá trị của trách nhiệm xã hội.

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"- Ảnh 5.

PV: Tính đa dạng, bình đẳng và bao trùm (DE&I) mà bà nhắc đến hướng tới phát triển bền vững, nhưng cụ thể là gì nếu soi chiếu vào một môi trường làm việc như Deloitte, thưa bà?

Doanh nhân Hà Thu Thanh: Trong suốt hành trình 32 năm phát triển, thông điệp Deloitte hướng đến là thay đổi và nâng cao nhận thức để tạo ra những giá trị có tác động đến xã hội. 

Đầu tiên đó chính là hệ tri thức, nơi mà mọi người được nhận diện, tôn vinh như nhau. Ở Deloitte có một hệ thống đánh giá nhân viên, chúng tôi gọi là RPM, chỉ tập trung vào những điểm mạnh, không nói về điểm yếu để kích hoạt những điểm mạnh được phát triển tối ưu nhất. 

Thứ hai là đưa ra những chương trình, hành động dựa vào các chính sách cụ thể. Ví dụ: Chính sách làm việc linh hoạt, chính sách nhân sự với những điều kiện tốt hơn các quy định của luật định để tạo điều kiện cho nhân sự nữ được phát triển. Đó là việc đánh giá khả năng phát triển của các nữ nhân viên ở các cấp độ khác nhau và cho họ có một độ dài, độ chậm và độ giãn để phát triển mà không gặp những trở ngại về đặc điểm giới. Tôi nói chẳng hạn như một nhân sự có lộ trình phát triển nghề nghiệp với những năng lực như thế này, sẽ có các nấc thang phát triển từ cấp chuyên viên đến quản lý rồi lên giám đốc. Nhưng trong quá trình ấy, họ sẽ mất bao nhiêu thời gian cho kế hoạch làm mẹ. Tốc độ phát triển có thể chậm lại, nhưng điều đó không có nghĩa là họ bị mất đi cơ hội trong nấc thang nghề nghiệp của mình. Đó chính là độ giãn, độ chậm “cần phải có” của một nữ nhân viên, và người lãnh đạo cần phải biết và nhận diện sớm để có những chính sách phù hợp.  

Thứ ba, tính đa dạng và bao trùm được thể hiện chính là tác động đến hệ giáo dục để thay đổi những thói quen, nâng cao nhận thức và hướng tới những nhân sự mà như nhiều người hay gọi là “người yếu thế”. Nhưng trong môi trường làm việc ở Deloitte, chúng tôi không bao giờ dùng từ này. Từ trước tới nay, chúng ta hay quan niệm: Phụ nữ yếu thế hơn đàn ông, người già yếu thế hơn người trẻ, người khuyết tật yếu thế hơn người bình thường. Những định kiến đó giống như việc ta đứng ở trên để nhìn xuống những người ở dưới. Đúng là họ có những đặc điểm cần được trợ giúp trong một môi trường làm việc, nhưng ta thể hiện trách nhiệm xã hội trong môi trường làm việc bằng cách nào? Từ “bình đẳng, đa dạng và bao trùm” đã bao hàm tất cả những góc nhìn đó. Muốn đồng hành với một người, ta không thể đứng ở vị trí từ trên nhìn xuống, mà phải cùng nắm tay họ đồng hành. Tức là đặt họ ở vị trí ngang hàng. Thế nên, trách nhiệm xã hội trước tiên phải là trách nhiệm với chính mình, với những cộng sự và với những người trong tổ chức của mình. Nếu không có trách nhiệm với những người gần gũi, cùng làm việc với mình, làm sao có thể nói đến trách nhiệm với cộng đồng…

Ở Deloitte có những nhân sự rất đặc biệt, đó là bạn Hương phải ngồi xe lăn. Không ai nghĩ Hương có thể kiếm được một công việc bình thường. Nhưng đến nay Hương đã chứng minh cô có thể là một kiểm toán viên quốc gia trong một tập đoàn đa quốc gia như Deloitte. Gia đình tự hào về Hương, ngôi trường mà Hương đã theo học cũng tự hào về Hương. Và chúng tôi tự hào về bạn ấy. Một người gặp nhiều khó khăn như Hương còn có thể trở thành một kiểm toán viên quốc gia (CPA) thì những bạn trẻ khác, tại sao lại không? 

Ở Văn phòng TP.HCM của Deloitte cũng có một nhân sự CNTT rất đặc biệt. Đó là em Huy - chàng trai bị bại não với tỉ lệ khuyết tật 81%. Huy gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và hằng ngày mẹ vẫn phải hỗ trợ đưa đến cơ quan. Một người gặp những trở ngại như Huy mà vẫn nỗ lực để trở thành một kỹ sư CNTT và làm việc trong một hãng tư vấn và kiểm toán hàng đầu Việt Nam và thế giới, thì các bạn trẻ khác hoàn toàn có thể thắp sáng niềm tin vào sự nỗ lực, đánh thức những giá trị của mình. Đó là điều mà chúng tôi muốn thay đổi nhận thức trong suy nghĩ của mỗi người, phát triển nền tảng tri thức trong xã hội, thắp lên niềm tin và ngọn lửa sống, cống hiến và tiếp tục lan toả những giá trị của mình đến cộng đồng.

Tại Deloitte chúng tôi dùng cách xưng hô là bạn và chúng ta, tất cả đều là thành viên của Deloitte. Văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm mà ở đó các giá trị được gọi tên bằng sự quan tâm và sẻ chia. Đó chính là nền tảng của trách nhiệm xã hội.  Huy hay Hương – đều đến từ chính những chương trình thiện nguyện mà Deloitte đã theo đuổi trong suốt nhiều năm, chính là Quỹ học bổng Thắp sáng Tương lai. Phương châm của Deloitte là: “Making an impact that matters” – Kiến tạo những giá trị có ảnh hưởng tích cực. Vì thế, hoạt động thứ tư trong bình đẳng – đa dạng và bao trùm là những chương trình thiện nguyện đều được chúng tôi xây dựng dựa trên nền tảng thúc đẩy để phát huy các giá trị.

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"- Ảnh 6.

PV: Bên cạnh hình ảnh một lãnh đạo Hà Thu Thanh bản lĩnh trong các sự kiện quốc tế hay giản dị trong màu áo xanh của Deloitte xuất hiện ở những nơi từ địa đầu tổ quốc đến nhà giàn hay hải đảo xa xôi, tôi còn được biết, bà là một trong những người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2021 - 2022, đã có thâm niên hơn 30 lần hiến máu?

Doanh nhân Hà Thu Thanh: Năm ngoái, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã chính thức từ chối tình nguyện viên thâm niên này vì được đưa vào danh sách người cao tuổi rồi (cười)

Năm 1997, tôi gặp một biến cố đặc biệt trong đời, cần truyền rất nhiều máu. Sau khi “hồi sinh”, tôi cảm thấy nếu mình còn khoẻ mạnh và có những điều tốt đẹp để chia sẻ với cuộc đời thì đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất. Trong suốt 20 năm, tôi trở thành “tình nguyện viên” quen mặt của Viện Huyết học – Truyền máu TW. Nhưng cảm xúc sau mỗi lần hiến máu vẫn như ban đầu. Khi bạn hiến máu, đơn giản là bạn lấy máu của mình ra mà không biết đến người nhận sẽ là ai. Nhưng mỗi lần hiến máu xong, nhận được thông tin máu của mình đã được tiếp nhận về một bệnh viện nào đó, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì giống như bạn đã chia sẻ thêm với cuộc đời của một ai đó, như cách chúng ta hay nói “một giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”. 

Ngoài hiến máu ở Viện Huyết học – Truyền máu TW, tôi còn hay đến viện Nhi TW. Ở viện Nhi, việc lựa chọn máu sẽ cao hơn do phải có những quy chuẩn phù hợp để sử dụng cho các cháu bé. Thế nên khi mình đủ tiêu chuẩn để hiến máu ở đây, mình hạnh phúc vô cùng. Khi biết máu của bà cho đi, đã có thể góp phần vào cuộc đời của một cháu bé nào đó, đấy là cảm xúc khó diễn tả thành lời. Có lẽ nó là cả sự xúc động mà tự trào dâng trong lòng mình. Sau mỗi lần hiến máu, tôi lại thấy mình khoẻ hơn. Rõ ràng mình cho đi nhưng mình lại nhận về thật nhiều hạnh phúc.

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"- Ảnh 7.

Không chỉ riêng tôi, mỗi người Deloitte dường như trong sâu thẳm đều muốn thực hiện nghĩa cử này. Đó là câu chuyện của bạn Hương, như tôi đã chia sẻ ở trên. Hương có công thức máu rất tốt. Chỉ có điều khi 3 tuổi, bạn ấy bị sốt và sau đó trở thành liệt phải ngồi xe lăn. Nhiều lần, Hương chia sẻ với tôi về khao khát được hiến máu. Bạn ấy đã từng viết môt bức thư với tất cả tâm huyết của mình gửi cho bác sỹ Khánh – khi đó là Giám đốc Viện Huyết học – Truyền máu TW, gửi cho lãnh đạo là cô Hà Thu Thanh: “Con được trưởng thành như ngày hôm nay, không chỉ có đôi chân mà con đã có cả đôi cánh. Đó là đôi cánh được thổi bằng năng lượng của yêu thương. Con bày tỏ nguyện vọng muốn được hiến máu cho đời”. Nhưng rất tiếc, theo quy định Hương không đủ tiêu chí để hiến máu vì là người khuyết tật.

Thế nên bạn thấy không, khi mỗi chúng ta đủ điều kiện để sẻ chia điều gì đó với cuộc đời, đó đã là cả một niềm hạnh phúc, giống như mình có thể được phụng sự.

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"- Ảnh 8.

PV: Vâng, bà vừa nhắc đến cụm từ rất hay đó là “phụng sự”?

Doanh nhân Hà Thu Thanh: Deloitte Việt Nam vừa kỷ niệm dấu mốc 32 năm hoạt động thành công và phát triển (5/1991 - 5/2023). Tôi rất tự hào và hạnh phúc được đồng hành cùng Deloitte Việt Nam trọn vẹn 32 năm đó, trong đó có 25 năm ở vai trò lãnh đạo. Bên cạnh lòng tự hào, đó còn là niềm hạnh phúc vô bờ bến đi cùng tháng năm tiếp theo của cuộc đời khi được phụng sự, “nắm tay” đồng hành cùng đội ngũ lãnh đạo tri thức, thông minh, bản lĩnh, nhân văn trong một phần tư thế kỷ. Và tôi, với trách nhiệm của người thuyền trưởng, phải phát huy năng lực của mình để đánh thức những giá trị của mỗi người, tạo nên một tổ chức lan toả giá trị đến cộng đồng. Vậy phụng sự là gì? Đó chính là trách nhiệm xuất phát từ tình yêu và sự tự hào.

Bạn tự hào về quê hương nơi bạn sinh ra, dưới gốc trà xanh của một miền quê trung du phía Bắc. Bạn yêu mảnh đất ấy, tự hào về mảnh đất chôn rau cắt rốn ngay cả khi nơi ấy còn là một địa phương chưa phát triển. Chính hơi ấm của đất và mạch nước cội nguồn đã nuôi bạn trưởng thành. Và dù bạn đi đến nơi đâu, như người con xa quê trở về, bạn cảm thấy phải có trách nhiệm, bằng những năng lực của mình để đóng góp tạo nên giá trị của mảnh đất ấy. Đó là tinh thần phụng sự quê hương. Và từ tinh thần phụng sự quê hương, mới lan toả trở thành phụng sự đất nước. Tinh thần phụng sự ấy đến từ tình yêu và niềm tự hào trong mỗi người về quê hương, đất nước, dân tộc mình. Và từ một người, lan toả đến một tập thể, một tổ chức, một doanh nghiệp và cộng đồng.  

Nghe từ phụng sự đất nước có thể người ta cho là mỹ miều, nhưng tôi nghĩ nó chính là tình yêu được thể hiện bằng hành động thiết thực và cao hơn nữa, nó tạo ra những giá trị bằng trách nhiệm và trí tuệ. 

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"- Ảnh 9.

PV: Người ta thường nói, sau thành công của một người đàn ông là bóng dáng một người phụ nữ, nhưng đằng sau thành công của người phụ nữ lại là sự cô đơn, thưa bà?

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"- Ảnh 10.

Doanh nhân Hà Thu Thanh: Thật trùng hợp, năm nay cũng là dịp kỷ niệm 40 năm ngày cưới của tôi. Trong suốt 40 năm ấy, tôi có sự đồng hành, sẻ chia của một sỹ quan quân đội và là người con của quê hương Nam Định, một vùng đất rất truyền thống. Ngày xưa, người ta hay quan niệm chồng bộ đội thì vợ là giáo viên, tức là phải có người phụ nữ chăm lo nhà cửa và con cái. Vậy nhưng chồng tôi, một người sinh ra trong những quan niệm rất truyền thống và làm việc trong một môi trường rất nguyên tắc, lại có người vợ “đi suốt ngày”. Mọi người vẫn hay trêu đùa là tôi có một ông chồng rất chiều vợ. Nhưng chính chồng tôi đã tự tin chia sẻ với bạn bè anh ấy rằng, nếu đánh giá sự chu đáo của người vợ với chồng và với gia đình nhà chồng, chưa chắc vợ các bạn đã hơn vợ tôi đâu. Cho đến hôm nay, tôi tự tin là gia đình tôi có một người chồng thấu hiểu vợ, một người mẹ mà các con có thể tự hào, và là một người bà ngoại, bà nội tốt của các cháu. Dù tôi vẫn “lượn suốt ngày” với các hoạt động xã hội và đạt được những khát vọng mà mình theo đuổi. Vậy tôi đã dung hoà điều đó như thế nào?

Tôi mất nhiều thời gian để nhận ra một giá trị bất biến, đó là thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp. Hãy coi thiên chức là một giá trị để tôn vinh. Mỗi thiên chức mình đều thực hiện với một niềm tự hào chứ đừng tự biến thành những nhiệm vụ. Thiên chức của người phụ nữ là sinh con, nhưng không có nghĩa là phải ở nhà chăm con. Trước đây, chúng ta hay nói đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Nhưng bạn nhìn xem, thời nay, đàn ông và đàn bà cùng nhau xây nhà và cùng nhau xây tổ ấm. Thậm chí, thế hệ phụ nữ ngày nay có thể tự xây nhà cơ mà (cười). 

Người phụ nữ cần tự bước ra khỏi những định kiến để đánh thức những giá trị của mình.

Vấn đề bạn vừa đề cập thực ra cũng chính là câu chuyện trách nhiệm xã hội, nằm trong yếu tố “đa dạng, bình đẳng và bao trùm”. Yếu tố G trong ESG mà các doanh nghiệp cần hướng tới trong bối cảnh hiện nay. Và trách nhiệm của những người lãnh đạo là góp phần làm thay đổi nhận thức từ chính môi trường làm việc trong doanh nghiệp. Đó là nhận diện giá trị của người phụ nữ với đầy đủ những thiên chức và cả năng lực, trí tuệ mà họ có. Và tôi, bằng chính cuộc đời mình, đã minh chứng cho sự nỗ lực thay đổi nhận thức đó. 

PV: Đường đến vinh quang nào cũng phải trải qua những chông gai. Tiên phong phá bỏ định kiến để chứng minh vai trò của các nữ doanh nhân có lẽ là một hành trình nhiều gai góc?

Doanh nhân Hà Thu Thanh: Trong một cuộc khảo sát, khi các bạn trẻ được hỏi, bao nhiêu người yêu thương mẹ của mình. Kết quả là 100%. Nhưng đến câu hỏi tiếp theo: Bao nhiêu người tự hào về mẹ của mình? Kết quả bắt đầu thấp hơn. Và đến câu hỏi: Điều gì ở mẹ làm bạn và bố bạn tự hào, thì những người bấm nút lựa trả lời chọn càng ít đi. Điều đó giúp tôi nhận ra, trách nhiệm xã hội của người lãnh đạo chính là giúp những người phụ nữ nhận diện được cả khó khăn và giá trị của họ. Khi bạn hoá giải được khó khăn và tôn vinh những giá trị của người phụ nữ thì tức là bạn đã thúc đẩy họ phát triển, không còn những rào cản về giới. 

Dĩ nhiên, đi đến hành trình ngày hôm nay, tôi cũng đã không ít lần phải rơi nước mắt. Bởi phá bỏ định kiến là một hành trình bền bỉ. Nếu một người kiên định quyết sách một điều gì đó, các nam lãnh đạo sẽ được khen là quyết liệt, nhưng với các nữ lãnh đạo sẽ bị gọi là độc đoán. Đó cũng là lý do, vì sao tôi không thích cách gọi: Nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo… vì ngay từ cách gọi, chúng ta đã tự tạo ra định kiến về giới. Một doanh nhân giỏi trước tiên được nhìn nhận ở tài năng, bản lĩnh, trí tuệ và những cống hiến. Chúng ta hãy nhìn nhận một cách độc lâp, họ là doanh nhân, là lãnh đạo, là người dẫn dắt tổ chức để phát triển và đóng góp cho xã hội. Nếu nhìn nhận về câu chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp có phụ nữ làm lãnh đạo luôn tiên phong bởi trong họ mang những bản sắc về giới: Đó là trái tim ấm áp, bản năng luôn muốn quan tâm đến những người xung quanh và biết chu toàn. 

Nhìn về hành trình phát triển tính từ khi kinh tế mở cửa đến nay, doanh nhân Việt Nam là nữ đã trải qua 3 thế hệ: Thế hệ nữ doanh nhân đầu tiên là những người trải qua cả các thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh, kinh tế bắt đầu mở cửa như chúng tôi, các chị Thái Hương, chị Mai Kiều Liên, chị Cao Ngọc Dung, chị Nguyễn Thị Mai Thanh, chị Nguyễn Thị Nga… Họ bản lĩnh, chiến lược và nhạy cảm. Chính họ cũng là những người tiên phong phá bỏ định kiến về nữ lãnh đạo để thực hiện khát vọng làm giàu, đóng góp vào phát triển kinh tế. 

Thế hệ thứ 2 là các doanh nhân 7X - 1985 mà chúng ta hay gọi là gen X, Y: Họ thông minh, có trí tuệ và sự bền bỉ. Và thế hệ doanh nhân thứ 3, các doanh nhân trẻ hiện nay (tạm tính từ 1986 đến 9X). Đây là thế hệ doanh nhân rất tiềm năng vì vừa có chiến lược, có sự nhạy bén và tính hội nhập cao để tiếp thu cái mới; nhưng số lượng hiện nay vẫn đang rất hạn chế. Tôi kỳ vọng, trong tiến trình phát triển, với sự tham gia của ESG, chúng ta có thể góp phần thúc đẩy thêm nhiều doanh nhân là nữ, đánh thức các giá trị mà họ có để lan toả đến cộng đồng. 

PV: Nếu để lựa chọn một hình ảnh nói về sức mạnh của người phụ nữ thì bà chọn hình ảnh gì?

Doanh nhân Hà Thu Thanh: Tôi lựa chọn hình ảnh Nước. Nước mềm mại, uyển chuyển tưởng như rất mỏng manh nhưng nó lại có sức bền để bào mòn cả đá. Phụ nữ đừng bao giờ nghĩ mình chỉ là giọt nước nhỏ bé. Bởi giọt nước sẽ nương vào dòng suối, suối chảy ra dòng sông và sông đổ ra biển lớn…

"Thiên chức của người phụ nữ không phải là rào cản trên con đường sự nghiệp, đó là giá trị để tôn vinh"- Ảnh 11.
Hình ảnh trong sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam ngày 5/10/2023

*****

Cuộc trò chuyện kết thúc vào lúc cuối giờ chiều, doanh nhân Hà Thu Thanh lại vội vã đến một chương trình hoạt động vì cộng đồng khác. Nhưng trong giây phút chào tạm biệt, bà đã chia sẻ với tôi về một bài thơ bà đặc biệt thích: 

“Hãy học hạnh của đất.

Chấp nhận và thứ tha.

Hãy học hạnh của gió.

Mang mùi hương đi xa

Hãy học hạnh của nước.

Cuốn trôi đi tất cả.

Hãy học hạnh của mưa.

Gieo những hạt từ hòa.

Hãy học hạnh của lửa.

Ôm vào lòng chuyển hóa.

Hãy học hạnh của mây.

Chẳng nơi đâu là nhà”.

20/10/2023 06:08
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top