Nguyên nhân là do công tác thiết kế đô thị hoặc thiết kế chỉnh trang các tuyến phố hiện vẫn còn nhiều tồn tại.
Kiến trúc phố phường manh mún, lộn xộn
Sự manh mún, lộn xộn của các khu vực, tuyến đường dân cư hiện hữu là một trong những tác nhân chính làm xấu bộ mặt đô thị Thủ đô. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở khu vực xây dựng các nhà ở riêng lẻ thấp tầng tại khu vực đô thị hiện hữu, khu vực làng xóm trước đây đô thị hóa, nhà chung cư cũ bị cơi nới... Đặc biệt là tại các tuyến đường như Vành đai 1, Vành đai 2 được xây mới, mở rộng qua khu dân cư đã ở ổn định cho thấy kiến trúc hết sức lộn xộn, thiếu thẩm mỹ khi những ngôi nhà mỏng méo, hình thù kỳ dị đua nhau mọc lên…
Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh thực hiện thiết kế đô thị hoặc thiết kế chỉnh trang các tuyến phố. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, KTS Lưu Quang Huy cho hay, tiến độ lập các đồ án thiết kế đô thị, chỉnh trang tuyến phố và thậm chí cả các quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc của thành phố hiện đang thiếu và chậm, chưa đáp ứng kịp, dẫn đến công tác cấp phép xây dựng thiếu cơ sở để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các yêu cầu cụ thể về lập quy hoạch, thiết kế đô thị ngay cả trong các Nghị định, Thông tư hướng dẫn vẫn còn thiếu. Nhất là khâu đánh giá mặt đứng các tuyến phố hiện trạng, làm cơ sở phát triển lành mạnh cho những kiến trúc mới cải tạo hoặc xây mới, dẫn đến các công trình xây dựng đơn lẻ thiếu tính tổng thể và manh mún.
Ngoài ra, trong khi chưa có các cơ sở về kiến trúc - quy hoạch đầy đủ, chưa có căn cứ tổng thể kiến trúc chung của tuyến, đoạn tuyến, nhiều địa phương đã thực hiện cấp phép xây dựng cho nhà dân. Đặc biệt, không quản lý kiến trúc các công trình xây dựng tạm, góp phần dẫn đến việc thiếu tính tổng thể và lạm dụng vật liệu tạm như mái tôn, thiếu quy định cụ thể để kiểm soát hạng mục kiến trúc và các trang thiết bị kỹ thuật lắp đặt trên công trình.
“Hiện trạng lộn xộn không hẳn chỉ do việc xây dựng, cơi nới trái phép và quản lý trật tự xây dựng lỏng lẻo tạo ra mà còn do công tác cấp phép xây dựng thiếu định hướng hoặc không có quy định mang tính tổng thể”, KTS Lưu Quang Huy nêu.
Cũng theo KTS Lưu Quang Huy, công tác quản lý kiến trúc và trật tự xây dựng hiện còn đang thiếu việc quản lý, theo dõi hiện trạng các công trình, khu vực tuyến phố đảm bảo tham gia tích cực hoặc có trách nhiệm hơn đối với cảnh quan đô thị. Từ đó có các tác động quản lý đối với chính quyền và người dân, chủ sở hữu nhằm khắc phục sửa chữa các tồn tại tiêu cực của công trình, nhóm công trình... đối với bộ mặt cảnh quan khu vực đó.
Về phía các nhà tư vấn quy hoạch, đặc biệt là tư vấn kiến trúc, cơ bản cũng đang thiếu sự chú trọng tạo hình kiến trúc công trình trong tổng thể chung để tạo sự hài hoà hoặc khác biệt, góp phần hình thành bộ mặt kiến trúc cảnh quan đồng bộ hoặc cải thiện một phần bộ mặt chung cảnh quan đô thị.
Những giải pháp cụ thể
Hà Nội đang đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Một trong những chỉ tiêu quan trọng của Chương trình đang được 12 quận tập trung triển khai là cải tạo, chỉnh trang hè, đường phố với 180 tuyến. Do vậy, để có cơ sở thực hiện, các tuyến phố sau khi chỉnh trang thực sự khang trang, có điểm nhấn về kiến trúc thì những vướng mắc về công tác thiết kế đô thị hoặc thiết kế chỉnh trang các tuyến phố rất cần được quan tâm tháo gỡ.
Đưa ra giải pháp, KTS Lưu Quang Huy cho rằng, trước tiên cần tổ chức lập kế hoạch rà soát hiện trạng công trình tại các khu vực giới hạn, đoạn tuyến, tuyến phố theo địa bàn từng quận. Sau đó tổ chức lập và phê duyệt thiết kế chỉnh trang các khu vực, mặt đứng các tuyến phố cần ưu tiên. Nhất là chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng, tháo dỡ và xử lý các công trình vi phạm thông qua các tổ chức giám sát cộng đồng với sự tham gia của giới chuyên môn và người dân từng khu vực.
Về chuyên môn thiết kế, xây dựng hoặc cải tạo công trình, ngoài việc phải đảm bảo phù hợp, thích ứng với đặc điểm của Hà Nội, còn cần phải đặt trọng tâm việc cảm thụ thực tế hình ảnh cảnh quan các tuyến phố, các khu vực, công trình. Việc tổ chức sắp xếp không gian, kể cả các thiết bị và biển quảng cáo cũng cần đảm bảo phù hợp thẩm mỹ khi quan sát từ các tầm nhìn trên phố, nhà phố đối diện và các công trình cao hơn xung quanh. Khuyến khích, thậm chí yêu cầu người dân chủ động sửa chữa, khắc phục các khiếm khuyết tồn tại về cảnh quan của từng khu vực và công trình; lắp đặt cải tạo xây dựng bổ sung công trình phải có xem xét giải pháp phù hợp với tổng thể khu vực.
Đặc biệt, cần nghiên cứu bổ sung sớm vào quy định cấp phép xây dựng nội dung yêu cầu về tổ chức nghiên cứu tổ hợp kiến trúc mặt đứng hiện trạng. Kể cả đối với việc cấp phép xây dựng các công trình, nhà ở đơn lẻ, làm cơ sở để người dân lựa chọn cao độ, tầng cao và hình dáng kiến trúc phù hợp.
Nghiên cứu bổ sung quy định hoặc hướng dẫn về thiết kế và xây dựng, cải tạo nhà riêng lẻ, cải tạo chung cư cũ hoặc công trình trên tuyến phố, đặc biệt đối với mái, các vật liệu, thiết bị lắp đặt thêm trên công trình. Đây được coi là bộ phận tiêu biểu, tác nhân chính gây nên tình trạng lộn xộn cảnh quan đô thị hiện nay. Trong đó, tập trung quản lý về sử dụng mái tôn thông qua các quy định về bố trí, hình thức, kích thước, cấu tạo và đảm bảo tính tổng thể trên tuyến phố hoặc đoạn tuyến phố.
Thành phố cần sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai tại các lô đất đã giao chủ đầu tư nhưng không thực hiện. Để tồn tại các khu, dãy nhà tạm chắp vá đã ảnh hưởng, làm mất mỹ quan đô thị.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, KTS Lưu Quang Huy