Aa

Thiết kế đô thị: Bài học từ các nước phát triển

Thứ Bảy, 20/07/2019 - 05:00

Không ít các quốc gia trên thế giới đã chú trọng đầu tư thiết kế đô thị, tạo ra những thành phố đẹp, văn minh.

Thiết kế đô thị không đơn thuần là cụ thể hóa đồ án quy hoạch mà còn là nghệ thuật tạo dựng không gian đô thị của nhà thiết kế. Trước hết nó đáp ứng được sự tiện nghi cho chính cư dân thành phố sau đó thể hiện dấu ấn riêng, bản sắc riêng để thành phố đó không “vô danh”.

Ở một khía cạnh trong nghệ thuật tạo dựng không gian đô thị, có thể thấy rằng, trong khi hầu hết các tuyến đường của chúng ta đang phải đối mặt với “cơn ác mộng” biển quảng cáo do thiết kế đô thị không được công khai, phổ biến hay công tác quản lý còn chưa đạt hiệu quả thì không ít các quốc gia trên thế giới đã làm tốt điều này. Thậm chí biến nó trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với thành phố.

Ở Nhật Bản, quảng cáo dù có thể hiện sự thoải mái trong phong cách thì vẫn phải tuân thủ những quy định về không gian đô thị và chuẩn mực thiết kế. 

Bên cạnh đó, nhiều khu vực tại Nhật Bản cũng quy định về việc lắp đặt biển quảng cáo như thế nào để phù hợp với cảnh quan của cả khu phố. Mỗi khu vực trong trung tâm các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka đều có một chủ đề quảng cáo riêng, phụ thuộc vào mặt hàng và dịch vụ kinh doanh của cả khu vực.

Nhờ những quy định, quy chuẩn rõ ràng của chính quyền thành phố nên không có sự sắp đặt lộn xộn, ngổn ngang ngay cả khi đường phố dày đặc những biển quảng cáo.  

 Ở Nhật Bản, quảng cáo được tự do thiết kế hình ảnh nhưng phải được sắp xếp hợp lý theo chuẩn mực của chính quyền đề ra.

Ở Nhật Bản, quảng cáo được tự do thiết kế hình ảnh nhưng phải được sắp xếp hợp lý theo chuẩn mực của chính quyền đề ra.

Còn ở Trung Quốc, biển quảng cáo buộc phải ngăn nắp vì... quá nhiều. Ở mỗi tỉnh thành, mỗi khu vực, mỗi con phố, thậm chí là mỗi khu dân cư đều có những quy định riêng về việc lắp đặt biển quảng cáo phù hợp với từng tuyến phố, con đường. Tuy nhiên, tất cả các loại biển quảng cáo này đều phải đảm bảo chấp hành các quy định chung như: phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không được đăng tải những hình ảnh phản cảm, lố bịch, phải lắp đặt biển quảng cáo đúng kích cỡ và đúng nơi quy định. Chính vì thế, hệ thống biển quảng cáo tại đây được sắp xếp thẳng tắp, đều đặn không có tình trạng nhô ra, thụt vào gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến người đi đường.

đường phố ngăn nắp, gọn gàng mặc dù dày đặc các biển quảng cáo khác nhau (Trung Quốc)

Đường phố ngăn nắp, gọn gàng mặc dù dày đặc các biển quảng cáo khác nhau (Trung Quốc).

Hay ở Mỹ, khu vực quảng trường Thời đại (Times Square) được mệnh danh là “thành phố không ngủ”, “thành phố ánh sáng” bởi những ánh sáng rực rỡ từ hệ thống đèn neon và đèn LED trên những tấm biển quảng cáo. Chính quyền thành phố không đưa ra những quy định về màu sắc, kích thước, tuy nhiên về nội dung và sắp đặt thì phải theo quy định trong thiết kế của thành phố.

điểm nhấn của khu phố này chính là ánh sáng rực rỡ từ biển quảng cáo (New York).

Điểm nhấn của khu phố này chính là ánh sáng rực rỡ từ biển quảng cáo (New York).

Xét trên khía cạnh trải nghiệm của cư dân, thì thành phố đáng sống không đơn thuần là những thành phố đẹp, ngăn nắp, an toàn mà còn là nơi thúc đẩy cuộc sống cộng đồng hay tạo ra những trải nghiệm mới một cách tối đa.

Ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, chính quyền đã phát động chiến dịch biến thành phố thành nơi đáng sống nhất trên thế giới. Theo đó, những nhà quy hoạch đô thị cho rằng người dân nên bước ra khỏi nhà, khỏi văn phòng và khỏi chiếc xe hơi của họ nhiều hơn. Cùng với đó là một thiết kế đô thị phù hợp với đồ án quy hoạch đáp ứng được nhu cầu đi bộ quanh thành phố, thăm quan những khu vực công cộng để cải thiện được đời sống cộng đồng trong xã hội. 

thủ đô Copenhagen thanh bình, không khói bụi bởi thiết kế đô thị luôn được ưu tiên cho xe đạp.

Thủ đô Copenhagen thanh bình, không khói bụi bởi thiết kế đô thị luôn được ưu tiên cho xe đạp.

Những con đường không dành cho xe hơi, được trải đá và cây xanh. Những chiếc ghế băng được đặt ngay ngắn cạnh các tuyến đường đi bộ thuận tiện cho việc dừng lại nghỉ ngơi, trò chuyện. Hay những khu vực công cộng, hệ thống giao thông đều được thiết kế chỗ gửi xe đạp. Chính bởi thiết kế đô thị đáp ứng được sự tiện lợi và sự ưu tiên của chính quyền cho loại phương tiện xanh này mà có đến 90% dân số Copenhagen sở hữu xe đạp. Các nhà hoạch định đã tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho cư dân, đồng thời giảm thiểu phát thải từ xe hơi, xây dựng một đô thị xanh, bền vững.

Không chỉ vậy, theo quan điểm của giáo sư Jan Gehl (Đan Mạch): Một thiết kế đô thị còn cần phải dựa trên các giác quan của con người. Tức không chỉ trải nghiệm mà còn là sự cảm nhận nhịp điệu cuộc sống giữa những công trình kiến trúc bằng tất cả giác quan.

Và Venice là một ví dụ điển hình cho môi trường sống đó, một đô thị được thiết kế nhằm phát triển mạnh đời sống cộng đồng cũng như cá nhân, một thành phố thân thiện với người dân. 

Thiết kế đô thị trên nền tảng kiến trúc sẵn có, Venice tạo cho người dân những trải nghiệm tuyệt vời về một thành phố thân thiện, đáng sống.

Thiết kế đô thị trên nền tảng kiến trúc sẵn có, Venice tạo cho người dân những trải nghiệm tuyệt vời về một thành phố thân thiện, đáng sống.

Trong nhiều năm qua, Venice đã thu hút nhiều khách du lịch bởi những con phố đi bộ, không ồn ào khói bụi bởi xe cộ, những ngõ hẻm chật hẹp và hệ thống kênh đào nên thơ riêng của mình. Khách du lịch ở đây có thể tụ tập trên những quảng trường, ngồi trong các quán cà phê ngoài trời hay ngắm nhìn những di tích lịch sử. Có thể nói, mọi thiết kế từ vỉa hè, lòng đường, đến những con kênh, cây cầu hay những công trình kiến trúc và nhà ở ven sông đều được các kiến trúc sư đầu tư, chú trọng; tạo nên một đô thị hài hòa, ấn tượng. “Thật hiếm có thành phố nào như Venice, nơi người dân có thể đi bộ chậm rãi và hưởng thụ những trải nghiệm, những cảm giác mới lạ từ môi trường sống xung quanh” - GS. Jan Gehl nhận định.

Còn tại Singapore, đảo quốc sư tử này là quốc gia đi đầu trong việc tạo dựng không gian sống giữa những công trình hiện đại bậc nhất. Nhưng không đơn thuần chỉ là xây dựng thành phố xanh mà chính quyền Singapore còn hướng đến mục đích thẩm mỹ và bảo vệ môi trường. Do đó, thiết kế đô thị đóng vị trí quan trọng trong mỗi đồ án quy hoạch, được tính toán kỹ lưỡng để vừa đảm bảo được yếu tố “đẹp”, đồng thời người dân có thể dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm toàn diện nhất. 

Riêng đối với các công trình công cộng tại Singapore, tất cả đều được thiết kế theo phong cách sáng tạo để khơi dậy cảm hứng của cộng đồng. Công viên Gardens by the Bay - một biểu tượng kinh ngạc với quần thể xanh rộng đến 250ha được thiết kế đầy ấn tượng. Những công trình kiến trúc xanh đồ sộ đến những con đường độc đáo, hay đơn giản là những điểm nghỉ dừng chân hay chiếc thùng rác được đặt một cách hợp lý cũng khiến trải nghiệm của du khách thêm phần trọn vẹn.

“lá phổi xanh” của Singapore là tổ hợp những công trình kiến trúc, nghệ thuật được thiết kế độc đáo.

“Lá phổi xanh” của Singapore là tổ hợp những công trình kiến trúc, nghệ thuật được thiết kế độc đáo.

Có thể thấy, mỗi quốc gia, mỗi thành phố đều có những đặc trưng và lối quy hoạch thiết kế khác nhau dựa trên nền tảng sẵn có, thể hiện bản sắc riêng của dân tộc. Nhưng chung quy lại đều hướng đến giá trị sống, trải nghiệm của cư dân đô thị. Bởi lẽ kiến trúc không chỉ là kiến trúc mà nó còn là nghệ thuật là đời sống.

“Trước tình trạng dân số bùng nổ như hiện nay, khi 66% số người dân toàn cầu sẽ sống tại các đô thị vào năm 2050, thì xây dựng một thành phố thân thiện với người dân là điều vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó, những nhà hoạch định chính sách, kiến trúc sư hay các chuyên gia phải đưa người dân làm trung tâm của tư tưởng thiết kế cũng như xây dựng thành phố”, GS. Jan Gehl khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top