Aa

Thiết kế nhà ống khép kín: Vô tình đẩy chủ nhà vào nguy hiểm khi hỏa hoạn xảy ra

Thứ Tư, 12/12/2018 - 06:00

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) - phụ trách Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho biết: “Phần lớn các thiết kế nhà mới tại đô thị hiện nay đều là nhà hình ống khép kín. Thiết kế này vô tình đã đẩy chính chủ nhà vào nguy hiểm khi hỏa hoạn xảy ra”.

Trong số những vụ hỏa hoạn gây chết người xảy ra gần đây ở những khu đô thị lớn cho thấy, nhiều nạn nhân phải chấp nhận cái chết do hệ quả của việc thiết kế xây dựng nhà hình ống khép kín phổ biến ở đô thị Việt Nam.

Phòng Cảnh sát PCCC quận Đống Đa hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy.

Phòng Cảnh sát PCCC quận Đống Đa hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy.

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực PCCC, Đại tá Nguyễn Trường Sơn phân tích, dù ở mặt đường hay trong ngõ, nhà ống thường được thiết kế có một cầu thang duy nhất. Vì vậy, khi xảy ra hỏa hoạn khói, khí độc rất dễ lan nhanh theo trục đứng lên các tầng trên. Trong khi 3 mặt nhà đều là tường đặc, chỉ có mặt trước là có thể mở cửa sổ, do vậy khả năng thông gió hoặc thoát khói của những ngôi nhà này thường rất hạn chế.

Bên cạnh đó, do lo ngại về tình trạng trộm cắp nên trong xây dựng nhà ở phố xá, các gia chủ thường yêu cầu xây kín đáo và phải khóa cửa nhiều lớp, không làm cửa hậu hay lối trổ lên mái và xây bít ban công bằng khung sắt kiên cố (chuồng cọp). Thế nên khi xảy ra sự cố, thì không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng. Với nhà được thiết kế kiểu này, lực lượng cứu hỏa, cứu hộ cũng khó khăn tiếp cận để cứu nạn, đặc biệt là nhà trong ngõ hẻm nhỏ.

Do đó, Đại tá Sơn khuyến cáo, khi xây dựng ngôi nhà người dân cần phải thiết kế lối thoát hiểm, cũng như chuẩn bị dụng cụ PCCC để đề phòng những sự cố cháy nổ có thể xảy ra. Đối với những gia đình có xây dựng và làm chuồng cọp thì phải thiết kế sao cho bên ngoài không thể vào được, nhưng bên trong có thể ra được dễ dàng. Đơn cử như, phải để chìa khóa mở cửa chuồng cọp ở vị trí các thành viên trong gia đình đều biết để cả nhà đều biết và sử dụng được khi cần. Đặc biệt, cần treo thêm một chiếc búa nhỏ gần chuồng cọp để trong những trường hợp khẩn cấp, nếu mở không được thì dùng búa đập khung sắt để thoát ra ngoài.

Để hạn chế tối đa thiệt hại trong những vụ cháy nổ, đặc biệt là với những ngôi nhà hình ống thì ngoài việc chờ lực lượng PCCC đến ứng cứu, theo cơ quan chức năng mỗi người dân hãy chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, bằng việc quán triệt đến các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân thường chủ quan, không chuẩn bị các phương tiện cứu nạn phòng cháy cần thiết, dù nó không quá đắt. Ngoài ra, người dân nên mua mặt nạ phòng độc cho mọi thành viên cho gia đình và trang bị bình chữa cháy (bình phun bọt) rất nhỏ gọn lại dễ dàng sử dụng.

Và khi không may xảy ra cháy, nổ, Đại tá Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo: Người dân cần gọi ngay cho số máy cứu hộ 114 (số máy khẩn chữa cháy). Mọi công tác cứu nạn và cứu hộ đã được Nhà nước chi trả, người dân không phải mất một khoản chi phí nào.

Đồng thời, người dân cần ngắt điện hoặc báo cho chi nhánh điện lực để cắt điện tại khu vực xảy ra cháy, nổ. Đặc biệt, với những nhà ống khép kín, nếu cháy tầng dưới thì người dân nên di chuyển lên tầng trên. Và khi di chuyển nên bò sát dưới mặt đất. Sau khi tìm được một phòng an toàn, mọi người nên đóng cửa lại, dùng chăn màn thấm nước, cùng với băng dính bịt kín các kẽ hở của cửa lại, để chờ cơ quan chức năng đến ứng cứu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top