Aa

Lo thiếu nguồn cung nhà ở xã hội để giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Nguyễn Thương
Nguyễn Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 26/03/2023 - 06:15

Theo giới chuyên gia, việc thiếu nhiều dự án nhà ở xã hội là rào cản giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Trong 4 năm chỉ có 310 người tiếp cận được vốn vay mua nhà ở xã hội

Tại Hội nghị “Sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030” mới đây, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, Sở Xây dựng đã xét duyệt cho 18.141 trường hợp được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn.

Trong đó, 17.632 trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách NƠXH tại các dự án đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách và 509 trường hợp thuộc các dự án vốn ngân sách.

Về chương trình cho vay NƠXH, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố được Trung ương giao vốn để cho vay NƠXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến ngày 30/9/2022, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố chỉ cho vay được hơn 150 tỷ đồng với 310 lượt khách hàng. Trong đó, doanh số cho vay để mua, thuê mua NƠXH gần 118 tỷ đồng với 252 khách vay; cho vay để xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đạt 32,2 tỷ đồng với 58 khách.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM cho biết, việc chỉ có 310 người tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ chương trình trong vòng 4 năm không phải vì Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố thiếu vốn mà nguyên nhân là do thiếu nguồn cung NƠXH để người dân có thể vay mua. 

“Nguồn cung NƠXH trên thị trường hiện nay còn quá ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu sở hữu của người dân, nên dù có ưu đãi về vốn vay, người dân cũng không biết vay mua dự án ở đâu”, ông Lệnh nói. 

Nguồn cung NƠXH trên thị trường hiện nay còn quá ít, không đủ để đáp ứng nhu cầu sở hữu của người dân. (Ảnh: Dự án NOXH Lê Thành)

Trước thực tế nguồn cung dự án NƠXH khan hiếm khiến người dân khó mua được dù đã có những chương trình tín dụng hỗ trợ, nhiều người bày tỏ lo ngại tính khả thi, hiệu quả của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai. Bởi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do 4 ngân hàng thương mại góp vốn thực hiện (gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank) cũng phục vụ cho chủ đầu tư và người mua nhà các dự án NƠXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là sự chủ động của các ngân hàng thương mại và cũng định hướng rất rõ ràng là sẽ dành cho phân khúc nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, thời điểm này muốn làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì chủ đầu tư phải có quỹ đất, quy hoạch hạ tầng đầy đủ. Cùng với đó, chủ đầu tư phải đáp ứng được các thủ tục pháp lý, song thủ tục pháp lý cho phát triển nhà ở xã hội đang còn nhiều bất cập. Vì vậy, không nhiều chủ đầu tư mặn mà phát triển phân khúc này. 

Điều này cũng đồng nghĩa, số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ tiếp tục khan hiếm nên nguồn cung khó có thể đáp ứng được nguồn cầu của người dân hiện nay. Như vậy, dù tiền có sẵn cũng rất khó để giải ngân cho người mua vay. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chỉ là điều kiện đủ để người dân dễ dàng mua được NƠXH. Tuy nhiên, điều kiện cần là số lượng nguồn cung dự án NƠXH thì vẫn còn khan hiếm.

Cụ thể, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên thị trường đang rất ít trong khi nhu cầu sở hữu nhà ở phân khúc này lại vô cùng lớn.

Thời điểm hiện tại, khi thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn tự điều chỉnh để cân bằng trở lại, phát triển an toàn, bền vững, nhiều chủ đầu tư đã quan tâm và có ý định tham gia phát triển dòng sản phẩm NƠXH. Tuy nhiên, từ ý định đi đến hiện thực và cho ra sản phẩm là quá trình dài cần nhiều thời gian.

"Vì vậy, tôi cho rằng, khoảng thời gian đầu gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ khó có thể giải ngân hiệu quả vì không có nhiều dự án NƠXH để người dân vay mua”, ông Đính nói.  

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Reatimes) 

Nên mở rộng đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Để gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được giải ngân hiệu quả, hỗ trợ thực chất cho người mua nhà và cả chủ đầu tư phát triển bất động sản, nhiều chuyên gia đề xuất nên mở rộng đối tượng được vay. 

Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Đính, nhu cầu của thị trường không chỉ tập trung vào NƠXH mà còn có nhà ở thương mại bình dân, trung cấp. Bởi mục tiêu cuối cùng mà người dân hướng đến chỉ là giá nhà ở mức hợp lý, không quá cao so với khả năng chi trả của họ chứ không phải dự án nhà ở thuộc dòng sản phẩm NƠXH hay nhà ở thương mại.

Vì vậy, bên cạnh các dự án NƠXH, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nên mở rộng đối tượng cho vay sang cả các dự án nhà ở thương mại giá rẻ. Điều này không chỉ giúp người dân được tiếp cận với nguồn cung đa dạng hơn, gói tín dụng được giải ngân hiệu quả mà còn khích lệ nhiều chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở thương mại phân khúc trung cấp, bình dân.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam còn mạnh dạn đề xuất, ngoài những nhóm đối tượng phát triển NƠXH, nhà ở thương mại giá rẻ, bình dân thì cũng cần lưu ý những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn, kể cả là dự án nhà ở cao cấp, trung cấp. 

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM. (Ảnh NVCC)

Đưa ra đề xuất cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM cũng mong muốn, gói tín dụng sẽ mở rộng hơn đối tượng cho vay, cụ thể nên mở rộng sang các dự án nhà ở thương mại giá rẻ.

Theo ông Bảo, những doanh nghiệp dù phát triển nhà ở thương mại nhưng phân khúc họ hướng đến là trung cấp, bình dân với mức giá hợp lý nhằm phù hợp khả năng người mua thì cũng nên được khuyến khích và được hưởng gói hỗ trợ. Điều này vừa giúp các doanh nghiệp địa ốc có dòng tiền để triển khai dự án, vừa giúp người dân có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận nguồn cung nhà ở để vay gói tín dụng và gói tín dụng cũng nhờ đó được giải ngân hiệu quả. 

“Dự án nhà ở thương mại phân khúc trung cấp, bình dân trên thị trường không nhiều nhưng so với NƠXH thì nguồn cung vẫn lớn gấp nhiều lần và khả năng thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển cũng cao. Do đó, không nên bỏ phân khúc này ra khỏi đối tượng hỗ trợ của gói tín dụng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều khó khăn như hiện tại”, ông Bảo nhìn nhận. 

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Bảo cũng đề xuất, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ chế chính sách để hỗ trợ những doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ, NƠXH. Bởi trên thực tế, để được ngân hàng cho vay, dự án phải có giấy phép xây dựng; trong khi đó, một dự án để ra được giấy phép xây dựng phải mất nhiều năm liền, có khi là 4 - 5 năm. Tình trạng này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nản chí trong việc tham gia phát triển bất động sản giá rẻ. Câu chuyện cung - cầu sẽ tiếp tục là bài toán không có lời giải./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top