Tiếp tục kỳ họp thứ 17 Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa IX, sáng 8/12, các đại biểu tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và đề xuất một số giải pháp cho 2020. Tại đây, một số vấn đề về tình trạng xây dựng không phép, giải ngân đầu tư công… được nhiều đại biểu quan tâm.
Thiếu “nhạc trưởng” trong quản lý ở các chung cư
Trong thời gian qua, tại TP.HCM xảy ra một số trường hợp mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư các dự án xây dựng chung cư, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và vấn đề an toàn trật tự nếu không được quản lý chặt chẽ.
Theo đại biểu Tăng Hữu Phong, mặc dù trong thời gian qua, Sở Xây dựng và các quận, huyện trên địa bàn có liên quan nỗ lực trong công tác quản lý nhưng mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư dự án chung cư vẫn diễn ra và chưa được xử lý triệt để. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có một “nhạc trưởng” giải quyết vấn đề giữa khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng; đồng thời cần có giải pháp mạnh mẽ nếu không sẽ phát sinh những vấn đề không lường trước được.
Còn đại biểu Nguyễn Trọng Trí cho rằng, tình hình xây dựng sai phép, không phép tại TP.HCM gia tăng là do quản lý tại địa phương chưa nghiêm nên đã xảy ra tình trạng người dân tự ý phân lô bán nền. Trong khi đó, việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Thừa nhận việc quản lý nhà chung cư tại TP.HCM dường như chưa có “nhạc trưởng,” ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho biết, trước những vướng mắc về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2019 sửa đổi các Thông tư về quản lý, sử dụng nhà chung cư thay thế Thông tư 02 với rất nhiều điểm mới.
Triển khai Thông tư này, TP.HCM sẽ thực hiện mô hình 3 chân, gồm có cư dân (giữ vai trò trung tâm), Ban quản trị chung cư (chịu trách nhiệm chính) và chủ đầu tư (chịu trách nhiệm về chất lượng công trình). Các quận, huyện phường xã sẽ tham gia quá trình giám sát chặt chẽ này, đồng thời về sổ tay hướng dẫn sử dụng, quản lý nhà chung cư, Sở Xây dựng cũng đã ban hành và sẽ bổ sung cho phù hợp với Thông tư 06.
Về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ông Lê Hòa Bình cũng cho biết, trước khi thực hiện Chỉ thị 23 của Thành ủy thành phố về trật tự xây dựng, năm 2017 trung bình có 7,8 vụ sai phạm/ngày, năm 2018 có 6,6 vụ/ngày, 6 tháng đầu năm 2019 có 8,5 vụ/ngày. Sau hơn 3 tháng thực hiện Chỉ thị 23, số vụ giảm 4,8%. Điều này thể hiện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các cấp đã kéo giảm số vụ vi phạm trên địa bàn.
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, kết quả này chỉ mang tính chất tạm thời, cần đưa ra các giải pháp có hiệu quả lâu dài. Bởi lẽ, cùng với số vụ vi phạm giảm thì số lượng nhà ở được cấp phép xây dựng cũng giảm. Năm 2019, xây dựng sai phép và vi phạm khác chiếm gần 60% số vụ vi phạm trật tự xây dựng.
“Để khắc phục vấn đề này, cần tăng cường cải cách hành chính để người dân không còn e ngại thực hiện thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng,” đại diện Sở Xây dựng thành phố nói.
Thu phí đỗ xe ô tô không đủ bù chi
Kể từ ngày 1/8/2018, Ủy ban Nhân dân TP.HCM chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các lực lượng chức năng thực hiện việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên một số tuyến đường, với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, công tác quản lý đỗ xe và thu phí chưa được như kỳ vọng, số tiền thu được càng ngày càng giảm, thu không đủ bù chi phí.
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM lần này, Ủy ban Nhân dân TP.HCM có tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 01/2018 của Hội đồng Nhân dân thành phố về việc việc ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ôtô.
Theo Ủy ban Nhân dân TP.HCM, số tiền thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô không đủ bù đắp chi phí sử dụng kho số viễn thông, chi phí kết nối nhà mạng và một phần chi phí cho các lực lượng trực tiếp tham gia quản lý đỗ xe và thu phí.
Cụ thể, từ tháng 8 - 10/2018, trung bình thu được 5,6 triệu đồng/ngày. Sang 2 tháng tiếp theo, trung bình thu được 2,1 triệu đồng/ngày. Trong 4 tháng 2019, trung bình thu chỉ còn 939.000 đồng/ngày. Thống kê từ 1/8/2018 - 31/10/2019, số tiền thu được từ phí đỗ xe của 3 quận là quận 1, quận 5 và quận 10 chỉ gần 2 tỷ đồng.
Trong nguồn thu này, chi 125 triệu đồng cho chi phí sử dụng kho số; 152 triệu đồng cho chi phí kết nối nhà mạng; còn lại hơn 1,65 tỷ đồng chi trả cho lực lượng thu phí. Phần chi cho lực lượng chi cho 58 nhân viên thu phí trong 15 tháng, tính ra, mỗi tháng một người chỉ nhận được 1,9 triệu đồng, chưa bằng lương cơ bản và các khoản đóng góp theo lương theo quy định.
Lý giải tình trạng “thu không đủ chi”, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho rằng, khi thực hiện việc thu phí đỗ xe, số lượng tuyến đường thực tế được triển khai ít hơn. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng các chủ phương tiện chưa chấp hành tốt việc đóng phí, với hơn 10.000 vụ đỗ xe không đóng phí trong khoảng thời gian này.
Vì vậy, tại kỳ họp lần này, Ủy ban Nhân dân TP.HCM có tờ trình xin sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 01/2018 của Hội đồng Nhân dân. Đáng chú ý, thành phố đề nghị để lại 100% số thu để chi trả cho các chi phí như sử dụng kho số viễn thông, phí kết nối nhà mạng, phí cho lực lượng thu phí (hiện các quận vẫn phải hỗ trợ chi phí này).
Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã phản đối việc thông qua tờ trình này vì cho rằng Ủy ban Nhân dân thành phố chưa làm rõ 2 lý do cơ bản khiến cho việc thu phí không đạt hiệu quả, cần tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 01 này để đánh giá lại hiệu quả thực hiện. Đó là do lỗi công nghệ và lỗi tổ chức thực hiện chứ không phải do Nghị quyết.
Tại phiên thảo luận, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM khẳng định, việc thu phí đỗ xe lòng đường là cách làm công khai, ứng dụng công nghệ và có định hướng tốt. Với những vướng mắc hiện tại, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá lại kỹ lưỡng và tìm thêm nhiều giải pháp cho vấn đề này./.