Hãng tin Reuters mới đây cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thời hạn cuối cho Bộ Công Thương phải trình được kế hoạch thoái vốn là ngày 20/10. Đồng thời, Thủ tướng cũng đã đồng ý bán 53,59% trong tổng số cổ phần của Sabeco ngay trong năm 2017.
Trước đó, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Sabeco kể từ tháng 10 năm ngoái nhưng cho đến nay tiến độ thoái vốn Nhà nước khỏi ông lớn ngành bia này vẫn chưa có gì tiến triển.
Việc Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên ra thời hạn thoái vốn tại Sabeco được đánh giá là sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp này. Một số dự báo cho rằng đợt thoái vốn có thể diễn ra trong quý IV năm nay hoặc chậm nhất vào quý I năm sau.
Chính phủ đang cân nhắc kế hoạch bán 53,59% cổ phần tại Sabeco cho NĐT chiến lược để giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% xuống 36%. Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK HSC, sẽ khá phức tạp để thoái vốn chỉ trong một giao dịch. Bởi hiện nay, Sabeco hoạt động trong 3 ngành nghề kinh doanh gồm bia, rượu và nước giải khát. Trong đó, rượu là ngành kinh doanh có điều kiện và theo đó, sở hữu nước ngoài tại Sabeco tối đa là 49%. Do đó, kế hoạch thoái vốn có thể sẽ bao gồm nhiều phương án khác nhau.
“Một khả năng là chính phủ sẽ bán một phần sở hữu cho NĐTNN và công ty cũng có thể xem xét bán một phần hoặc cổ phần thiểu số cho một doanh nghiệp trong nước.”, HSC nhận định.
Được biết, nhiều hãng bia ngoại cũng đã tỏ sự quan tâm đối với kế hoạch thoái vốn sắp tới của Sabeco như tập đoàn Asahi Group Holdings (Nhật), Thai Beverage, Singha, Kirin, Heineken…Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng ở đây chính là mức giá làm sao để thuận mua vừa bán. Có như vậy, quá trình thoái vốn mới có thể diễn ra suôn sẽ, giúp Nhà nước thu tiền về bổ sung vào nguồn ngân sách đang eo hẹp.
Sabeco là một tài sản tốt trong số các DNNN hiện nay. Các hãng bia nước ngoài cũng nhìn thấy ở Việt Nam là một trong ba thị trường bia tăng trưởng nhanh nhất châu Á, với lượng tiêu thụ bình quân đầu người đạt 41 lít/năm. Đồng thời, khả năng cải thiện lợi nhuận trong tương lai cũng được đánh giá là rất lớn nếu như có một đối tác chiến lược mạnh, tham gia điều hành, hỗ trợ Sabeco về mặt quản trị, kinh doanh sau khi Nhà nước thoái vốn.
Dù vậy, nhiều phân tích cho rằng định giá của Sabeco là đắt theo bất kỳ phương pháp định giá nào. Với mức giá 272.000 đồng/cổ phiếu, Sabeco đang được định giá lên đến 174,4 ngàn tỷ đồng, tương đương 7,7 tỷ USD. Mức giá này là gấp 38 lần so với thu nhập trong 4 quý gần nhất (P/E gần 38 lần).
Asahi Holdings mới đây cũng đã thể hiện họ không còn hào hứng với thương vụ này. Chứng kiến mức giá cổ phiếu SAB hiện nay, Chủ tịch hãng này phải thốt lên rằng, Sabeco đang được định giá quá đắt, cao hơn cả Carlsberg, Heineken. Đại diện Asahi cho rằng, Sabeco đang giao dịch với P/E 35 lần, cao hơn nhiều so với mức 16 lần của Asahi, 21 lần của Carlsberg và 20 lần của Heineken.
Trong khi đó, HSC cho biết, cổ phiếu các công ty bia trong khu vực hiện giao dịch với PE dự phóng 2018 là 22,5 lần. Trong khi đó ở mức giá hiện tại, cổ phiếu SAB có PE dự phóng 2018 là 35 lần. Nếu như tính theo định giá tương đương với các công ty bia trong khu vực thì giá trị hợp lý của cổ phiếu SAB là 187.000 đồng/cp.
Có thể nói, dù cho Chính phủ đã ra chỉ đạo về thời hạn trình kế hoạch thoái vốn . Nhưng việc thực thi kế hoạch thoái vốn tại Sabeco hứa hẹn sẽ không dễ thực hiện khi mà mức giá “thuận mua vừa bán” không được xác lập.
Ở một góc độ khác, khi Nhà nước chậm thoái vốn sẽ duy trì tình trạng cổ phiếu SAB giá cổ phiếu không thể hiện đúng bản chất do thanh khoản kém. Điều này cũng khiến chỉ số VN Index thường xuyên trong trạng thái ‘xanh vỏ đỏ lòng’, kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Thậm chí, thị trường chứng khoán phái sinh mới ra đời cũng chịu tác động rất lớn bởi cổ phiếu này.