Dịch Covid-19 với những tác động của giãn cách xã hội đã khiến thị trường bất động sản cả nước chững lại. Tuy nhiên, nhu cầu và những kỳ vọng lạc quan của nhà đầu tư về khả năng phục hồi và khởi sắc của thị trường vẫn luôn thường trực.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sinh khí mới của thị trường bất động sản hiện tại đang nằm ở thị trường các địa phương khi chiến lược của các “ông lớn” đang tập trung vào công cuộc “đánh bắt xa bờ”, săn quỹ đất và tìm kiếm cơ hội ở những thị trường mới, tiềm năng và dư địa phát triển còn dồi dào.
Đặc biệt là khu vực miền Trung, tại các tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…, cuộc đổ bộ của các ông lớn trong vài năm gần đây nhằm chuẩn bị cho một cú bùng nổ trong tương lai đã cho thấy, đây là những địa phương tiềm năng cho tầm nhìn dài hạn của các nhà phát triển bất động sản tầm cỡ. Các chính sách cởi mở về thu hút đầu tư cùng sự chuẩn bị ngày càng tốt hơn về hạ tầng giao thông và những lợi thế về cảnh quan, diện tích, dân số… đã khiến khu vực miền Trung trở thành nơi “đất lành chim đậu” với các nhà đầu tư.
Với những sự đầu tư bài bản, trong một tương lai không xa, diện mạo đô thị những khu vực này sẽ được nâng tầm và kéo theo đó, thị trường bất động sản cũng có sức hút không hề kém cạnh.
“Đường băng” hạ tầng trải rộng
Hạ tầng giao thông luôn được xem là một trong những yếu tố then chốt trong việc khơi dậy tiềm năng và gia tăng giá trị của thị trường bất động sản ở bất kỳ khu vực nào.
Với sự đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nhiều huyết mạch giao thông quan trọng trên trục giao thông quốc gia qua khu vực miền Trung, kết nối hai miền Nam - Bắc đã dần được khơi thông, thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là bất động sản.
Theo đó, mỗi địa phương có những thế mạnh riêng về hạ tầng, là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị. Cụ thể như, Thanh Hóa có cảng biển Nghi Sơn, mở ra cơ hội phát triển cho cả thành phố Sầm Sơn.
Tiếp đến, Nghệ An - trung tâm vùng Bắc Trung Bộ cũng có cảng Vũng Áng, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, thuận tiện kết nối toàn bộ hệ thống giao thông, thích hợp xây dựng khu kinh tế. Hiện tại, khu vực đã có tuyến đường trung tâm về Vinh, Cửa Lò hơn 10km, với hàng nghìn héc - ta đất để xây dựng đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng. Dự án đường ven biển từ Thị xã Hoàng Mai đến huyện Nghi Lộc có chiều dài 69km với tổng nguồn vốn đầu tư là 4.651 tỷ đồng, kết nối với tuyến đường ven biển khu vực Bắc Trung Bộ đang triển khai được kỳ vọng sẽ là tuyến đường có ý nghĩa chiến lược với phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và kích cầu du lịch Nghệ An.
Quảng Bình cũng có nhiều lợi thế thu hút các nhà đầu tư, với cơ sở hạ tầng đồng bộ thuận tiện thu hút khách quốc tế. Nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ đã phát triển các dự án để khai phá tiềm năng của địa phương này...
Đến thời điểm hiện tại, khu vực miền Trung có 12 sân bay, trong đó có tới 6 sân bay quốc tế. Ngoài ra, đây cũng là khu vực có hệ thống cảng biển quốc gia, phục vụ các khu công nghiệp, phát triển giao thương quốc tế như: cảng Nghi Sơn - Thanh Hoá, cảng Cửa Lò - Nghệ An, cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh, cảng Chân Mây - Thừa Thiên Huế, cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng, cảng Nhơn Hội - Bình Định, cảng Hòn Rơm - Phan Thiết.
Về đường bộ, bên cạnh Quốc lộ 1, cầu Cửa Hội đang hiện hữu - cây cầu nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh bắc qua sông Lam có chiều dài hơn 5,2km, tạo sự liên kết giữa tuyến đường ven biển với các trục giao thông lớn, các tuyến cao tốc thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam như như Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo... đang được đẩy mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành 11 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào năm 2023.
Cùng với đó, những công trình hầm đường bộ, tuyến đường ven biển, đang được đầu tư xây dựng sẽ mở ra cho các tỉnh miền Trung thêm nhiều cơ hội.
Các chuyên gia đánh giá, với số lượng sân bay, cảng biển, đường cao tốc được đẩy mạnh đầu tư trong 5 năm tới, miền Trung sẽ là khu vực có mật độ công trình giao thông dày đặc và đồng bộ nhất cả nước, trở thành động lực cho phát triển bất động sản. Đặc biệt, một số địa phương có tiềm năng phát triển mới như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... với con số thu hút FDI gia tăng, hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện đang được các nhà đầu tư, phát triển bất động sản đặt nhiều kỳ vọng về hiệu suất đầu tư trong tương lai. Xu hướng là sẽ phát triển theo chuỗi, liên kết với nhau qua hệ thống giao thông nhưng vẫn giữ được những đặc thù riêng và phát huy nguồn lực của từng địa phương.
Theo TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khu vực miền Trung đang tạo nên sự hấp dẫn với khả năng kết nối với các địa phương trong cả nước và trên thế giới. Dọc miền Trung cũng có nhiều khu kinh tế với sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ… Tất cả đã và đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản, đa dạng loại hình từ nhà ở, văn phòng, nghỉ dưỡng, logistics, bất động sản thương mại. Các đô thị với các quy mô khác nhau đã lan tỏa khắp miền Trung. Bên cạnh đó, các tỉnh thành cũng thể hiện khát vọng phát triển, gắn với sự phát triển của hạ tầng và bất động sản.
Phân khúc nghỉ dưỡng lên ngôi
Với lợi thế đường ven biển kéo dài, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú, không khó hiểu vì sao bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng các tỉnh miền Trung đang trở thành "con gà đẻ trứng vàng" trong nhiều năm trở lại đây. Trong bối cảnh các thủ phủ du lịch đã phát triển sôi động và dần bão hoà như Đà Nẵng, Nha Trang thì những thị trường mới còn nhiều dư địa như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đang trở thành điểm ngắm mới của các nhà phát triển chuyên nghiệp.
Sở hữu 82km bờ biển, với nhiều bãi tắm đẹp như: Cửa Lò, Bãi Lữ, biển Quỳnh…và nhiều lợi thế về cảnh quan sinh thái và văn hoá khác như khu Dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới, hơn 2.600 di tích lịch sử, danh thắng, trong đó có 413 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh, Nghệ An có những nguồn lực vô giá để phát huy thế mạnh, hình thành những sản phẩm bất động sản du lịch độc đáo hấp dẫn. Nghệ An cũng dồi dào dư địa đất sạch và không gian để phát triển các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới một cách đồng bộ, xứng tầm.
Tiên phong khai mở cuộc đua và đón đầu xu hướng đầu tư tại Nghệ An, hàng loạt ông lớn đã và đang triển khai những dự án quy mô lớn, góp phần nâng tầm diện mạo du lịch Nghệ An trong thời gian tới.
Đơn cử như Vingroup mạnh tay rót 5.000 tỷ đồng vào dự án Khu giải trí Cửa Hội với quy mô 195,5ha. Tập đoàn TGG Group với dự án Khu phức hợp giải trí về đêm Cửa Lò Ibiza Complex có quy mô 12ha, với tuyến phố đi bộ ẩm thực - giải trí - check-in về đêm dài gần 300m. Tập đoàn Ecopark cũng sẽ đầu tư xây Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 200ha tại Hưng Hòa… Tập đoàn FLC đầu tư khu Resort nghỉ dưỡng tại huyện Nghi Lộc. Và mới đây, Tập đoàn Tân Á Đại Thành cũng đang rục rịch triển khai dự án MeyResort Bãi Lữ với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, quy mô gần 200ha tại huyện Nghi Lộc.
Bên cạnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình cũng được xem là một trong những địa phương tiềm năng hàng đầu của khu vực miền Trung hiện nay, khi sở hữu cảnh quan thiên nhiên đặc thù, quỹ đất ven biển rộng lớn, giá đất còn hấp dẫn, nhiều ưu đãi chính sách khuyến khích xây dựng dự án quy mô hấp dẫn khách du lịch đang trở thành điểm đến mới thu hút đông đảo doanh nghiệp và các nhà đầu tư đổ về.
Hiện tại, Quảng Bình đang là nơi quy tụ của nhiều chủ đầu tư uy tín hàng đầu cả nước với những dự án đẳng cấp như: Đại quần thể nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và đô thị biển FLC Quảng Bình quy mô gần 2.000 ha của Tập đoàn FLC; Căn hộ khách sạn Dolce Penisola của Trường Thịnh Group; TNR Stars Quảng Bình của TNR Holdings… Tính đến cuối năm 2030, Quảng Bình dự kiến có khoảng 100 dự án bất động sản, chủ yếu tập trung ở phân khúc đô thị dịch vụ, nghỉ dưỡng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng “di cư” của các “đại bàng” bất động sản về khu vực miền Trung sẽ tiếp tục diễn ra nhanh chóng khi các yếu tố hạ tầng cũng như tiềm năng kết nối liên vùng trong tương lai được đẩy mạnh. Mặt khác, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, không ngừng khát vọng, kêu gọi đầu tư để khơi dậy và phát triển bứt phá những lợi thế của địa phương mình, cùng với đó là các chỉ số khả quan về tăng trưởng kinh tế, khách du lịch sẽ là những lực đẩy quan trọng để thị trường bất động sản các địa phương mới nổi về du lịch tại khu vực miền Trung trở nên sôi động trong một tương lai không xa.
Giới đầu tư cũng đang dần cảm nhận được sức nóng của thị trường bất động sản khu vực miền Trung khi nhiều “cánh chim đầu đàn” đã và đang rục rịch triển khai hàng loạt các dự án phát triển đô thị quy mô lớn tại địa phương này.
“Vai trò của các “cánh chim đầu đàn” này rất quan trọng. Họ nhìn ra tiềm năng phát triển dài hạn của các địa phương mới và dám mạo hiểm đầu tư, quyết tâm thay đổi diện mạo của các vùng đất này”, GS.TSKH.Đặng Hùng Võ chia sẻ./.