Theo đó, tiến độ thực hiện dự án sân bay Long Thành, dự kiến là 2021 - 2025. Cho dù tiến độ thẩm định và phê duyệt dự án có chậm hơn dự kiến do tính chất phức tạp của dự án và sự gián đoạn bởi dịch bệnh nhưng đến nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Hội đồng thẩm định nhà nước, và dự án đã qua vòng thẩm định để trình lên Thủ tướng.
Kết quả của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho thấy: Tổng mức đầu tư dự án đến nay sẽ là 109.200 tỷ đồng (khoảng 4,67 tỷ đô la Mỹ), giảm hơn 2.400 tỷ đồng (khoảng 109 triệu đô la) so với tổng mức đầu tư đề xuất ban đầu. Sự khác biệt giảm này do cách tính đơn giá theo các văn bản hướng dẫn khác nhau.
Các phần được cắt giảm gồm: Chi phí tư vấn đầu tư, xây dựng, dự phòng giảm 677,9 tỷ đồng. Chi phí xây dựng giảm 2.222 tỷ đồng, chi phí thiết bị tăng 443 tỷ đồng.
Sân bay quốc tế Long Thành sẽ xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4F của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), hướng tới là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Ngay sau thời gian khởi công, dự án sẽ đầu tư một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tuy nhiên, ACV chỉ đầu tư các hạng mục chính bao gồm: Nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, cấp thoát nước, nhà ga hàng hóa số 1, hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2. Trong số này, hạng mục hạ tầng hàng không như đường lăn, cất hạ cánh là rất quan trọng.
Các dự án thành phần khác như các công trình quản lý bay sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm. Trụ sở các cơ quan nhà nước liên quan như Công an cửa khẩu, hải quan sẽ do các bên có liên quan đảm bảo vốn đầu tư. Riêng các công trình dịch vụ , tính cả nhà ga hàng hóa số 2 và các khu công nghiệp hàng không, khu logistics hàng không... sẽ do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì lựa chọn theo hướng tách rời với dự án chính.