Aa

Thống nhất vị trí lên xuống ga tàu điện ngầm sát Bờ Hồ

Thứ Bảy, 10/09/2016 - 06:28

UBND TP Hà Nội vừa có thông báo số 312 về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP các nội dung thống nhất về ga ngầm C9 thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Theo đó, UBND TP cơ bản thống nhất về vị trí, phương án tổng mặt bằng, giải pháp không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ hồ Hoàn Kiếm).

Đây là ga chìm hoàn toàn dưới lòng đất, sẽ chỉ có đường lên xuống là phần nổi. Các hạng mục này sẽ có giải pháp thiết kế đẹp, trồng cây xanh che phủ và lắp ánh điện. Các bộ phận như ống thoát khí, thông hơi, giàn lạnh sẽ được dẫn đi ra ngoài khu vực Bờ Hồ, nằm trong khuôn viên các cơ quan lân cận.

Lý giải về việc chấp thuận đặt nhà ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 trên phố Đinh Tiên Hoàng UBND TP Hà Nội cho hay, ga C9 có vai trò rất quan trọng, giúp kết nối một cách hoàn chỉnh, đồng bộ, nhịp nhàng tuyến đường sắt số 2 và một số tuyến đường sắt quan trọng khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Nếu bỏ ga C9 thì khoảng cách giữa 2 ga C8 và C10 khoảng 2.500m, là quá lớn không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

UBND TP giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội để thống nhất giải pháp kết hợp việc triển khai dự án ga ngầm C9 với việc thực hiện quy hoạch tại khu vực trụ sở các Tổng công ty nêu trên, đảm bảo tính kết nối, sự đồng bộ, hài hòa và nâng cao hiệu quả của các dự án.

Trên cơ sở đó, giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổng hợp, đề xuất báo cáo trước ngày 10/9/2016 để UBND TP mời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi, làm rõ các nội dung có liên quan, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan chủ động lấy ý kiến đóng góp bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp có liên quan, cá nhân, cộng đồng dân cư, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ, kiến trúc, quy hoạch đô thị nhằm tạo được sự đồng thuận rộng rãi trước khi thực hiện.

Theo phê duyệt, tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) dài 11,5 km; trong đó có 8,5 km đi ngầm qua phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Tổng đầu tư của dự án khoảng 131 tỷ Yên Nhật, tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Theo quy hoạch từ nay đến 2030, Hà Nội sẽ có tổng thể 8 tuyến đường sắt đô thị, trong đó hiện nay có 5 dự án đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Tuyến đường sắt đô thị số 2 là dự án quốc gia đặc biệt và quan trọng bậc nhất, sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Hiện một số tuyến đường sắt đô thị nội đô: Cát Linh – Hà Đông, Ga Hà Nội - Nhổn, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo… đang được xây dựng.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top