Aa

Thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên – Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thứ Hai, 03/07/2023 - 13:53

HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII đã thông qua Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên – Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo đó, đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065, đô thị Thừa Thiên – Huế có tính chất, chức năng là đô thị loại I hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương có tiêu chí đặc thù; là đô thị bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2025, đô thị Thừa Thiên – Huế sẽ là đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế. (ẢNH: Đông Duy)

Đô thị Thừa Thiên – Huế có quy mô khoảng 4.947km2. Đến năm 2025, Thừa Thiên – Huế sẽ được xây dựng với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Khu vực nội thành (TP. Huế) bao gồm 2 quận, gồm quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương. Các thị xã là đô thị loại 4 trực thuộc, gồm: Phong Điền (dự kiến thành lập), Hương Thủy, Hương Trà. Các huyện trực thuộc, gồm: Quảng Điền, A Lưới, Phú Vang và dự kiến sáp nhập 2 huyện Phú Lộc với Nam Đông. Trong giai đoạn từ 2025 – 2030, TX. Hương Thuỷ dự kiến sẽ được xây dựng trở thành Q. Hương Thuỷ, bên cạnh đó sẽ xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và phần mở rộng đến TT. Phú Lộc, các xã ven biển H. Phú Lộc hiện hữu) đạt tiêu chí đô thị loại 3.

Giai đoạn từ 2030 – 2045, Thừa Thiên – Huế sẽ có 10 đơn vị hành chính với 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà), 2 thành phố (Phong Điền và Chân Mây) và các huyện trực thuộc. Từ 2045 – 2065 sẽ là giai đoạn ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình đô thị trung tâm gồm 4 quận (phía Bắc sông Hương, phía Nam sông Hương, Hương Thủy, Hương Trà); 2 thành phố (Phong Điền và Chân Mây); 2 thị xã (Quảng Điền và Phú Vang); các thị trấn, đô thị loại 5 thuộc H. Phú Lộc – Nam Đông và H. A Lưới.

Xây dựng đô thị Chân Mây (Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và một phần H. Phú Lộc) đạt tiêu chí đô thị loại 3 đến năm 2030.

Về mục tiêu, xác định đến năm 2025, Thừa Thiên – Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á.

Thừa Thiên – Huế sẽ là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế đa ngành chất lượng cao; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Bên cạnh đó, đô thị này còn là địa bàn chiến lược về quốc phòng và an ninh khu vực miền Trung và cả nước.

Đầu tư xây hơn 1.000 tỷ đồng xây cầu qua phá Tam Giang

Kỳ họp chuyên đề lần thứ 12, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cầu qua phá Tam Giang trên địa bàn H. Phú Vang với tổng kinh phí hơn 1.023 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào năm 2024 và sẽ hoàn thành trong vòng 4 năm. Dự án Cầu qua phá Tam Giang có chiều dài toàn tuyến khoảng 3km, bao gồm cầu qua phá Tam Giang dài khoảng 1,4km, chiều rộng là 15,5m và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 1,6km.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Cầu qua phá Tam Giang nối TT. Phú Đa đi xã Vinh Xuân. Khi hoàn thiện đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông chính trong khu vực theo quy hoạch đã được duyệt, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đường giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội H. Phú Vang và sự phát triển chung của tỉnh; động lực thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện đời sống dân sinh; hình thành, phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới; khai thác hiệu quả các quỹ đất được quy hoạch hai bên tuyến dự án, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Về khả năng huy động vốn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối bổ sung một phần vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án từ nguồn của các dự án khả năng không sử dụng hết và các dự án khác không có khả năng triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 hoặc nguồn vượt thu ngân sách tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn khởi công dự án trong năm 2024; phần vốn còn lại của dự án sẽ chuyển tiếp sang kế hoạch trung hạn giai đoạn tiếp theo.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top