Aa

Thông tin tạm dừng tiêm vaccine ComBe Five là không đúng

Thứ Hai, 14/01/2019 - 07:20

Theo các chuyên gia, tỷ lệ phản ứng sau tiêm vẫn nằm trong phạm vi cho phép. Vì vậy, Bộ Y tế vẫn chỉ đạo tiếp tục sử dụng vaccine ComBe Five nên không có việc tạm dừng lại.

Tiêm chủng mở rộng tăng cường phòng bệnh cho cộng đồng.Ảnh minh họa.

Mới đây, một trẻ 70 ngày tuổi ở Hà Nội đã tử vong sau khi tiêm vaccine ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng khiến dư luận lo lắng. Cũng bởi, trước đó đã có 2 trẻ cũng đã tử vong sau tiêm mà chưa xác định được nguyên nhân. Ngoài ra, hàng chục trẻ khác có phản ứng sau tiêm phải nhập viện điều trị.

Về vấn đề này, GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng cho biết, trước khi được đưa vào Việt Nam, vaccine ComBe Five đã được sử dụng ở 39 nước với khoảng 400 triệu liều và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá đạt chuẩn.

Tại Việt Nam, sau khi vaccine Quinvaxem ngừng sản xuất, Bộ Y tế đã chọn Vaccine ComBe Five thay thế. Vaccine này có các thành phần tương tự vaccine Quinvaxem.

Sau khi tiêm thử nghiệm trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh cho kết quả tốt, từ cuối tháng 12/2108, Bộ Y tế đã triển khai tiêm vaccine ComBe Five trên quy mô toàn quốc. Đến nay, đã có 19 tỉnh đã thực hiện tiêm vaccine ComBe Five với 101.862 trẻ được tiêm.

Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc được ghi nhận là 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài với tỷ lệ khoảng 0,05%.

Đối với 2 trường hợp trẻ tử vong ở Nam Định, triệu chứng xuất hiện tương đối muộn (36 tiếng sau khi tiêm). Hội đồng chuyên môn đã họp và xác định các bé tử vong không liên quan đến thực hành tiêm chủng.

Đối với phản ứng sau tiêm,các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ phản ứng sau tiêm vẫn nằm trong phạm vi cho phép. Vì vậy, Bộ Y tế vẫn chỉ đạo tiếp tục sử dụng vaccine ComBe Five nên không có chuyện tạm dừng lại.

Theo đại diện Bộ Y tế, sau khi đưa con, em mình đi tiêm tại các trạm y tế xã, phường thì phải tiếp tục theo dõi 30 phút. Sau khi đưa trẻ về nhà cũng phải tiếp tục theo dõi 24 cho đến 36 tiếng.

Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như sốt cao từ 39 độ C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú,… phải lập tức thông báo cho các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Phương Nhi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top