Aa

Thông tin - Viễn thông trong cuộc cạnh tranh của ngành thương mại, dịch vụ

Chủ Nhật, 02/02/2020 - 07:10

Thông tin - Viễn thông có vai trò to lớn trong nền kinh tế số nói chung và thương mại, dịch vụ nói riêng. Vấn đề là các doanh nghiệp nắm bắt như thế nào trước cơ hội đang đặt ra này.

Vũ khí lợi hại

Thông tin là một khái niệm rộng, tùy vào từng lĩnh vực mà có những định nghĩa khác nhau về thông tin. Trong kinh doanh thương mại dịch vụ, thông tin là một nguồn lực không thể thiếu, là một công cụ, phương tiện hiệu quả trong cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh thương mại, thông tin cung cấp cho các đối tượng, các chủ thể phải đảm bảo các yêu cầu như tính chính xác, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính hiện đại, tính hệ thống, tính logic, tính ổn định, tính kinh tế và tính bảo mật.

Dịch vụ thông tin – viễn thông ngày càng phát triển và thể hiện tầm quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế. (Ảnh: Internet)

Trên thương trường, ai có được thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác sẽ là người chiến thắng. Chính vì vậy, dịch vụ thông tin và viễn thông có vị thế rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường nói chung và với các ngành thương mại dịch vụ nói riêng.

Cụ thể hơn, có thể hiểu, dịch vụ thông tin - viễn thông vừa là một bộ phận cấu thành nên ngành dịch vụ thương mại trong nền kinh tế, cung cấp các thông tin gắn liền với các hoạt động thương mại dịch vụ; vừa là hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy quá trình trao đổi, mua bán sản phẩm trên thị trường.

Ở góc độ vĩ mô, dịch vụ thông tin - viễn thông là hoạt động phục vụ cho tổng thể quan hệ trao đổi, mua bán trên thị trường, phục vụ công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước.

Thông tin phải đảm bảo các yêu cầu trong kinh doanh. (Ảnh: Duy Minh)

Ở phạm vi doanh nghiệp, dịch vụ thông tin - viễn thông là hoạt động phục vụ và thúc đẩy quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, để quá trình này diễn ra một cách hiệu quả.

Từ thúc đẩy, hỗ trợ mua bán, dịch vụ thông tin - viễn thông đã thúc đẩy lưu thông hàng hoá, lưu thông tiền tệ và tăng nhanh chu chuyển vốn. Đối với doanh nghiệp, nó giúp quá trình mua bán diễn ra nhanh hơn. Đối với nền kinh tế, nó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ngoài ra, dịch vụ thông tin - viễn thông còn giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh do góp phần mở rộng mô hình kinh doanh, tiết kiệm chi phí, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự cách mạng hóa trong lưu thông. Chưa kể, loại hình này cũng thu hút một lượng lớn nguồn lao động.

Thương mại điện tử trong thời đại kinh tế số

Trên nền tảng công nghệ thông tin, kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế mới, mang lại hiệu quả và giá trị lợi nhuận cao, trong khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hòa. Tại Việt Nam, một quốc gia có tới 64/97 triệu người dùng Internet (Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019), thị trường thương mại điện tử được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Sự phát triển của Internet ở Việt Nam. (Ảnh: Duy Minh)

Theo số liệu thống kê, có tới 58 triệu người Việt Nam dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, tăng 8 triệu người so với năm 2018. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các dòng điện thoại phân khúc tầm trung – thấp liên tục được ra đời, giúp cho nhiều người có thể dễ dàng sở hữu những chiếc điện thoại thông minh và tiếp cận với Internet. Với dân số 96,96 triệu người, nhưng số thuê bao điện thoại đã được đăng ký lên tới 143,3 triệu số. Điều này cho thấy, phần đông người dân Việt Nam đã tiếp cận với điện thoại di động thông minh và cũng không ít người sử dụng 2 - 3 chiếc điện thoại cùng một lúc để phục vụ cho cuộc sống.

Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử đã có nhiều cơ hội để phát triển. Năm 2018, Việt Nam chứng kiến mức độ tăng trưởng của lĩnh vực này so với năm 2017 đạt trên 30%.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cũng chỉ ra, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ này tăng từ 62% đến 200%.

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017, số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound Average Growth Rate - CAGR) của giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025.

Cơ hội thúc đẩy phát triển ngành logistics

Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử trên nền tảng Internet và công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, e-Logistics đã nhanh chóng nắm được thời cơ và thể hiện tầm quan trọng của mình.

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu – thương mại, kênh phân phối, bán lẻ…

Logistics Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. (Ảnh: Internet)

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành này những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm. Tham gia thị trường logistics gồm khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới. Hiện nay, 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics…

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Với tốc độ phát triển hằng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ như Vincommerce, Thế giới di động, FPT, Lotte, Aeon… đang định hướng phát triển E-commerce, cùng với sự tham gia của các “ông lớn” ngành thương mại điện tử như Alibaba, Amazon… đã làm thị trường logistics ở Việt Nam sôi động hơn. Điều đó kéo theo sự nhập cuộc của nhiều công ty start-up, bắt tay vào phát triển các ứng dụng trên nền tảng website, mobile app, nhằm đưa ra các giải pháp kho bãi, vận chuyển thông minh, tối ưu phương tiện vận chuyển, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực cho các doanh nghiệp.

Trong tương lai, khi Việt Nam tiếp tục phát triển theo xu hướng trở thành trung tâm sản xuất hàng hóa trong khu vực với định hướng tăng cường xuất khẩu, với tốc độ phát triển của tầng lớp trung lưu, đô thị hóa và thương mại điện tử, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và sử dụng dịch vụ logistics nội địa cũng sẽ tăng nhanh. Ngành logistics được dự báo sẽ chiếm 8 - 10% tổng GDP của Việt Nam vào năm 2025. Các doanh nghiệp thuộc nhóm nước đang đầu tư nhiều vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Pháp… vẫn sẽ tiếp tục đầu tư.

Cánh cửa mới cho nông nghiệp công nghệ cao

Trước bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, ngành nông nghiệp có thể ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất quy mô hàng hóa; tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị, truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với thương hiệu, phát triển thị trường và bền vững với môi trường. Đồng thời cải cách thể chế thực chất, nghiêm túc, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp, nhà sản xuất trong và ngoài nước đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam thông minh và bền vững.

Ứng dụng công nghệ cao là cơ hội mới cho nền nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: Internet)

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp sẽ thu được rất nhiều lợi ích từ việc phát triển trên nền tảng công nghệ cao.

Cụ thể là: Làm tăng sản lượng sản phẩm nông nghiệp, từ đó đáp ứng được nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của xã hội, trong đó có cả những người thu nhập thấp, nhờ tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn với giá bán rẻ hơn. Đồng thời tạo số lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đồng đều; từ đó có thể tham gia chuỗi giá trị và thương mại toàn cầu nhờ đáp ứng được yêu cầu về nguồn cung ứng cũng như chất lượng sản phẩm theo tiêu chí của thị trường và có thể truy xuất được nguồn gốc. Từ đó mang lại thu nhập lớn cho doanh nghiệp nhờ tạo ra được năng suất sản phẩm lớn nhất trên mỗi đơn vị tài nguyên sử dụng với giá thành thấp nhất nhờ quy mô sản xuất lớn và áp dụng các công nghệ sản xuất có hiệu quả cao. Nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương và quốc gia khi doanh thu từ sản xuất tăng lên, đóng thuế từ doanh nghiệp tăng; tạo thêm việc làm cho người lao động và cơ hội khởi nghiệp cho doanh nghiệp địa phương trên cơ sở hình thành các thị trường sản phẩm có giá trị gia tăng mới; tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm địa phương (kể cả phụ phẩm nông nghiệp), hình thành hàng hóa đặc sản chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương (mỗi làng một sản phẩm).

Như vậy, tiềm năng về ứng dụng của dịch vụ thông tin – viễn thông vào các ngành kinh tế trong bối cảnh hiện tại là rất lớn. Nhưng không chỉ có thương mại điện tử, logistics hay nông nghiệp phát triển và bùng nổ trên nền tảng công nghệ hiện đại, còn rất nhiều ngành nghề khác đã, đang và sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ ứng dụng của thông tin – viễn thông. Bài toán đặt ra là chúng ta phải tận dụng sức mạnh của ngành dịch vụ này thế nào trong nền kinh tế số ngày càng phát triển?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top