Aa

Thông tư 22/2023/TT-NHNN gỡ khó hệ số rủi ro tín dụng cho nhà ở xã hội, BĐS khu công nghiệp

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 12/01/2024 - 19:07

Những thay đổi về hệ số rủi ro tín dụng đối với nhà ở xã hội và bất động sản khu công nghiệp tại Thông tư 22/2023/TT-NHNN kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt dòng vốn, tạo cú hích giúp 2 phân khúc này phát triển.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây ban hành Thông tư số 22/2023/TT-NHNN (có hiệu lực từ 1/7/2024) sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đáng chú ý, thông tư điều chỉnh lại quy định trong Thông tư 41 về hệ số rủi ro tín dụng (CRW). Trong đó, các khoản vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà, xây nhà theo chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ sẽ được điều chỉnh hệ số rủi ro xuống tối đa là 50%. Tỷ lệ đảm bảo (LTV) cũng được điều chỉnh từ 100% trở lên và tỷ lệ thu nhập (DSC) trên 35%. Hệ số rủi ro tối thiểu là 20%, tương ứng với LTV dưới 40% và DSC dưới 35%.

Hệ số rủi ro đối với các trường hợp vay mua nhà còn lại sẽ được giữ nguyên trong khoảng từ 25% đến 100% như trong Thông tư 41, tùy thuộc vào tỷ lệ LTV và DSC.

Bên cạnh đó, Thông tư 22 cũng điều chỉnh hệ số rủi ro tín dụng đối với các tài sản là khoản cấp tín dụng chuyên biệt dưới hình thức cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp từ 200% xuống 160%.

Đối với các khoản vay phục vụ mục đích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ, Thông tư 22 cũng quy định thêm hệ số rủi ro là 50%.

Cuối cùng, Thông tư 22 quy định ngân hàng là bên nhận chuyển giao bắt buộc và các tổ chức tín dụng khác được áp dụng hệ số rủi ro 0% đối với các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi tại bên được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Thông tư 22/2023/TT-NHNN gỡ khó hệ số rủi ro tín dụng cho nhà ở xã hội, BĐS khu công nghiệp- Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước ra Thông tư 22, gỡ nút thắt cho nhà ở xã hội.

Theo giới phân tích, Thông tư số 41/2016/TT-NHNN chỉ có quy định về hệ số rủi ro đối với khoản cho vay thế chấp nhà mà chưa có quy định hệ số rủi ro riêng cho các khoản phải đòi là khoản cho vay mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án được Chính phủ hỗ trợ, Thông tư 22 đã quy định hệ số rủi ro đối với khoản cho vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ.

Như vậy, với nội dung sửa đổi này được kỳ vọng khuyến khích các TCTD đẩy mạnh phát triển cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chính sách hỗ trợ này sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc cho vay của TCTD đối với khách hàng cá nhân là đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp trong thời gian tới.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng như đảm bảo thanh khoản và mở rộng hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm; điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành của NHNN; chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư số 02/2023/TT-NHNN); tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu (Thông tư số 03/2023/TT-NHNN).

NHNN cũng tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo việc khẩn trương nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top