Aa

Thủ đô Hà Nội: Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn tự hào quá khứ, xây dựng tương lai

Thứ Năm, 26/09/2024 - 21:00

Những ký ức không bao giờ quên về Ngày Giải phóng Thủ đô; những góp ý tâm huyết để Thủ đô, đất nước phát triển hơn, văn minh hơn, tình nghĩa hơn đã được các diễn giả ôn lại và trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến: "Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai".

Trong không khí hào hùng của người dân Thủ đô và cả nước hướng tới chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Tọa đàm "Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai" được Báo Lao động Thủ đô tổ chức dưới sự chỉ đạo của TP. Hà Nội, nhằm ôn lại những ngày tháng hào hùng Giải phóng Thủ đô 10/10; khắc họa lại bức tranh về những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ở Hà Nội với việc ra đời hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện, trường học... Đây chính là tiền đề làm hậu phương vững chắc cho chặng đường đấu tranh thống nhất đất nước.

Đóng góp rất lớn vào sự thành công trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và Thủ đô là đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động và tổ chức Công đoàn. Các phong trào thi đua thời kỳ này thực sự tạo sức lan tỏa để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; đưa nhiều hàng hóa ra tiền tuyến phục vụ cuộc kháng chiến đi tới thành công.

Thủ đô Hà Nội: Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn tự hào quá khứ, xây dựng tương lai- Ảnh 1.

Quang cảnh Tọa đàm "Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai" do Báo Lao động Thủ đô tổ chức, ngày 26/9. (Ảnh: Báo Lao động Thủ đô)

Ký ức về những ngày giải phóng và kiến thiết Thủ đô

Những ký ức về hào khí Tháng Mười năm ấy vẫn in đậm trong tâm trí ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, khi đó, vẫn đang ở tuổi thiếu niên.

Ông Độ xúc động nhớ lại không khí cách mạng sục sôi, những bài ca cách mạng vang lên khắp nơi, và tự hào khi được chọn vào đội cổ động tuyên truyền, chuẩn bị cho cuộc mít tinh chào mừng ngày 10/10/1954. Đặc biệt, là cảm giác háo hức khi đón và gia nhập vào đoàn quân giải phóng trùng trùng tiến về Thủ đô trong ngày đặc biệt.

Ông An Đức Độ cũng tự nhận là người may mắn được chứng kiến quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô suốt nhiều năm sau giải phóng. Trong đó, có sự đóng góp của Nhà máy Rạng Đông, nhờ động lực thi đua từ lời căn dặn của Bác Hồ.

"Cách đây 60 năm, tôi vinh dự gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm Nhà máy Rạng Đông. Bác đến không báo trước nên nhà máy không hề có pano, biểu ngữ, cờ hoa hay thảm đỏ đón Bác.

Bác đến thăm đầu tiên là khu vệ sinh công cộng, kế đến là nhà bếp, nhà ăn, nhà trẻ rồi sau đó mới thăm xưởng sản xuất. Bác đứng nói chuyện với công nhân nhà máy. Bác không đọc diễn văn mà căn dặn mộc mạc, sâu đậm. Cho đến nay, bản thân tôi vẫn nhớ như in những lời của Bác", ông Độ chia sẻ.

Bác chỉ bảo rằng, đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng ta và mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất. Ở nhà máy, đoàn kết là nhân tố đóng góp quan trọng tạo nên mọi thắng lợi của nhà máy. Đồng thời, Bác cũng nhắc nhở về phong trào thi đua là yêu nước và dặn dò anh chị em phải phấn đấu mọi chỉ tiêu ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay.

Thủ đô Hà Nội: Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn tự hào quá khứ, xây dựng tương lai- Ảnh 2.

Ông An Đức Độ - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Rạng Đông, nay là CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ tại buổi Toạ đàm. (Ảnh: Báo Lao động Thủ đô)

Từ đó, Rạng Đông dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác, duy trì hơn 60 năm không ngừng nghỉ. Nhờ đó, khi ở thời điểm như "con thuyền sắp đắm", nhà máy vẫn nỗ lực xây dựng thi đua, và đạt được nhiều kỳ tích về các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống người lao động.

"Chúng tôi tự hào được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Chúng tôi tự hào về bước trưởng thành của nhà máy gắn liền với sự phát triển của Thủ đô. Hiện nhà máy đã cổ phần hóa 100%. Nhưng phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác vẫn thường xuyên, liên tục đến nay", ông Độ bày tỏ.

Cũng chia sẻ tại Tọa đàm, là người con của Hà Nội, Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, dù là người sinh ra sau ngày Giải phóng Thủ đô khoảng 4 năm, nhưng ông đã gắn bó hầu hết thời gian công tác với Hà Nội, nghiên cứu nhiều về Hà Nội, đi cơ sở gặp gỡ nhiều nhân chứng và viết nhiều sách về Thủ đô. 

Ông thấy rằng, đoàn quân tiến về Thủ đô 10/10 là hình ảnh có tính chất biểu tượng. Trước đó, từ 2-5/10/1954, các đơn vị lực lượng vụ trang, cán bộ hành chính đã vào tiếp quản các xí nghiệp, nhà máy. Sáng 10/10 các cánh quân của các đơn vị quân đội, đi từ sân bay Bạch Mai, đi đến Ngã tư Vọng... Các nhóm khác xuất phát từ “Việt Nam học xá” (khu vực Đại học Bách khoa bây giờ), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Cánh quân nữa đi từ Văn Cao qua cửa ô Thanh Bảo…

Rồi ngày 17/10/1954, tức là sau 7 ngày tiếp quản thành phố, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn và đưa ra biện pháp giữ gìn an ninh trật tự xã hội, ổn định đời sống Nhân dân. Việc đầu tiên là cung cấp điện và nước sạch cho Thành phố. Công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy nước Yên Phụ là lực lượng tiên phong tham gia tái thiết Thành phố sau chiến tranh.

Từ năm 1956, nhiều nhà máy, xí nghiệp quốc doanh quy mô lớn được xây dựng ở Đông Nam, Nam và phía Tây thành phố dần mọc lên, đưa Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất miền Bắc.

"Những năm thập niên 60, bản thân tôi vẫn nhớ những công nhân đạp xe đi qua cánh đồng đến các nhà máy. Hình ảnh này in đậm trong tâm trí tôi, vì thế tôi rất thích mặc những màu áo xanh công nhân", ông Tiến chia sẻ. Đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, khi đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, một trong những mục tiêu đầu tiên là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, lúc đó xuất hiện nhiều nhà máy như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân, cụm nhà máy Cao Xà Lá, Nhà máy cơ khí Hà Nội… Đây thực sự là một lực lượng đông đảo để xây dựng và phát triển miền Bắc, chi viện miền Nam trong thời chiến.

Để Thủ đô và đất nước phát triển hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu

Coi giáo dục là quốc sách hàng đầu

Để Thủ đô cũng như đất nước phát triển hơn, việc tập trung chăm lo cho ngành giáo dục, tập trung đổi mới toàn diện giáo dục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Nhà giáo ưu tú, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Công dân Thủ đô ưu tú, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu". Từng là học sinh Trường cấp III Việt Đức, ông Lâm nhận mình đã được hưởng nền giáo dục hết sức hiện đại, trang bị đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thí nghiệm, từ những năm tháng đất nước còn khó khăn. Nhờ đó, bao thế hệ học sinh trưởng thành và đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thủ đô, đất nước.

Cùng với đó, từ trước đến nay, Nhà nước rất chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo. Những phong trào thi đua "Hai tốt", thi giáo viên dạy giỏi, gắn học tập với lao động sản xuất, phong trào tình nguyện, giúp đỡ miền núi; phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học diễn ra thường xuyên và sôi nổi ở các trường. Đó là một trong những cách mà hệ thống giáo dục đang thực hiện để tạo môi trường làm việc, thi đua và tương trợ lẫn nhau cho đội ngũ.

Tại Hà Nội, đội ngũ nhà giáo đã nhận được sự quan tâm của Thành ủy, UBND Thành phố. Ở từng quận, huyện, địa phương luôn có những hoạt động quan tâm, chăm lo những thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn.

"Hiện nay, Thủ đô của chúng ta đã to đẹp hơn, đàng hoàng hơn rất nhiều so với ngày Giải phóng. Chúng ta đã làm được một việc mà Bác Hồ từng tâm nguyện là "ai cũng được học hành". Quy mô giáo dục Hà Nội từng ngày phát triển, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng trường học cũng như số lượng giáo viên và học sinh. Tất cả các quận, huyện, thị xã đều có những trường xây dựng mới theo chuẩn quốc gia rất đẹp, hiện đại", ông Lâm nói.

Thủ đô Hà Nội: Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn tự hào quá khứ, xây dựng tương lai- Ảnh 3.

Nhà giáo ưu tú, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Công dân Thủ đô ưu tú, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Báo Lao động Thủ đô)

Hết sức quan tâm đến vấn đề nhà ở, tiền lương cho người lao động

Đây là vấn đề ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên là Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, đặt ra tại Tọa đàm. Xuất phát từ bối cảnh, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, để vững chân trong hành trình mới này, đạt được mục tiêu mà Đảng đã đề ra là đến năm 2030, nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo ông Dĩnh, chúng ta phải có sự tăng tốc, bứt phá.

Muốn vậy, phải tập trung vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ một cách mạnh mẽ vào quá trình sản xuất, nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Cùng với đó, phải đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với các mô hình năng suất cao, ứng dụng khoa học công nghệ, các sản phẩm công nghiệp chủ lực mang hàm lượng công nghệ cao.

Tuy nhiên, để ứng dụng được khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, đòi hỏi lực lượng công nhân, người lao động phải hết sức nỗ lực và Nhà nước cũng cần có những chính sách thúc đẩy, tạo động lực.

Theo đó, thời gian tới, Nhà nước cần có các chính sách tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động; phấn đấu người lao động đều phải qua đào tạo và đào tạo nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao.

Hai là, tiếp tục có chính sách cải cách tiền lương mạnh mẽ hơn để nâng cao thu nhập cho người lao động. Đồng thời, chính sách bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu, nhất là tuổi nghỉ hưu của lao động nữ làm những ngành nghề nặng nhọc cũng cần được tính toán lại.

Đặc biệt, nhiều công nhân, người lao động, nhất là người lao động ngoại tỉnh còn khó khăn về nhà ở, nên Nhà nước phải hết sức quan tâm đến vấn đề này. "Làm sao để ở đâu có khu công nghiệp thì đều phải có nhà ở cho người lao động và nhà ở phải gắn với các tiện ích, dịch vụ xã hội khác", ông Dĩnh góp ý.

Thủ đô Hà Nội: Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn tự hào quá khứ, xây dựng tương lai- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên là Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Báo Lao động Thủ đô)

Làm chủ được công nghệ tiên tiến, viết tiếp "hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội"

Trước cuộc Cách mạnh Công nghiệp lần thứ 4 và thời đại công nghệ số, chị Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng phòng Quản lý chi phí, Công ty TNHH Canon Việt Nam - 1 trong 100 công nhân lao động được Liên đoàn Lao động Thành phố tặng Bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo trong Công nhân lao động Thủ đô năm 2024” cho rằng, trách nhiệm của thế hệ trẻ là cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, để đáp ứng được những yêu cầu mới về nguồn lực lao động cả về số lượng lẫn chất lượng; nhất là phải làm chủ được công nghệ tiên tiến. Như vậy, mới đáp ứng được kịp thời và lâu dài cho công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Qua đó, góp sức xây dựng, phát triển Hà Nội và đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ ông cha.

Thực tế, những nỗ lực trên đã được chứng minh qua nhiều năm, với rất nhiều công nhân lao động vinh dự nhận các giải thưởng từ các cuộc thi quốc tế, nhiều công nhân lao động được trao danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội: Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn tự hào quá khứ, xây dựng tương lai- Ảnh 5.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến. (Ảnh: Báo Lao động Thủ đô)

Cùng với việc làm chủ công nghệ, thì nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô của mỗi người lao động, dù đến từ bất kỳ vùng miền nào, là điều rất quan trọng, bởi văn hoá là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Với vị trí đặc biệt, Hà Nội là một nơi hội tụ nhiều người đến sinh sống, làm việc. Ngoài việc tôn trọng và học hỏi lối sống, cung cách ứng xử của người Hà Nội, Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến mong muốn người lao động ý thức được vai trò của mình trong việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. 

Đồng thời, người lao động cũng ý thức nâng cao sự gắn bó với nơi làm việc, biết chia sẻ khó khăn, thuận lợi và thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Để cùng nhau xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng phát triển hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu.

"Với tinh thần và truyền thống văn hóa tốt đẹp, chắc chắn thế hệ công nhân, người lao động trẻ sẽ tiếp tục "viết tiếp hào khí Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội", ông Tiến tin tưởng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top