Aa

Thu hồi nhà siêu mỏng siêu méo: Có khả thi?

Thứ Sáu, 17/05/2019 - 20:01

Những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đã tồn tại nhiều năm như một thách thức đối với công tác quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng tình trạng này vẫn không được cải thiện.

Mới đây nhất, Sở Xây dựng Hà Nội lại vừa có công văn gửi các quận, huyện yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này đạt được đến đâu vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sẽ thu hồi nếu không hợp thửa, hợp khối

Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố có dự án đường quy hoạch đi qua, chủ động thống kê, rà soát xây dựng phương án xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Cụ thể, sẽ thực hiện thu hồi các thửa đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 06/6/2011 và Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 11/11/2016, của Chủ tịch UBND Thành phố.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng trong việc phá dỡ toàn bộ bộ phận kiến trúc công trình đã được đền bù, bao gồm cả phần công trình còn lại nằm ngoài chỉ giới để không phát sinh công trình "siêu mỏng, siêu méo".

UBND các quận, huyện được yêu cầu chỉ đạo UBND các phường, xã, đội quản lý trật tự xây dựng và các đơn vị phòng ban chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, xử lý kiên quyết vi phạm; xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, vi phạm trật tự xây dựng mà không được xử lý.

Công văn của Sở Xây dựng Hà Nội cũng nêu, đối với các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng trước 2005 chưa được xử lý, UBND các quận phải xây dựng lộ trình xử lý và cam kết tiến độ thực hiện. Tiếp tục vận động hợp thửa, hợp khối các trường hợp giữ nguyên trạng, chỉnh trang để từng bước xóa bỏ công trình "siêu mỏng, siêu méo".

Riêng đối với 63 trường hợp phát sinh mới trên địa bàn UBND các quận: Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàng Mai cần khẩn trương chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm thực hiện thu hồi sau khi hết thời gian hợp thửa hợp khối.

Phải tính toán từ khâu lập quy hoạch

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, giải quyết tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo trên địa bàn Hà Nội không thể bằng các mệnh lệnh hành chính, mà cần các giải pháp đồng bộ, căn cơ khác, trong đó phải bắt đầu từ công tác quy hoạch đô thị. Việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị chưa tính toán kỹ dẫn đến sau giải phóng mặt bằng, diện tích đất còn lại của nhiều mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng.

Khi làm đường, Nhà nước chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đường, còn vài mét cũng không đền bù, chỗ đất còn lại vừa mỏng, lại méo nên người dân muốn bán cũng không dễ. Đồng thời, do chưa có một cơ quan trung gian đứng ra thỏa thuận giá giữa chủ nhà có đất siêu mỏng, siêu méo đằng trước và chủ nhà đằng sau, dẫn đến khó khăn cho việc hợp thửa, hợp khối.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, nếu việc hợp thửa hợp khối giữa các hộ dân không thỏa thuận được thì chính quyền địa phương phải lên phương án thu hồi. Nhưng để thu hồi phải tìm ra nguồn vốn chi trả đền bù và giải phóng mặt bằng, mà nguồn vốn này sẽ rất lớn khi diện tích nhà siêu mỏng, siêu méo đều nằm ở vị trí mặt đường đắc địa... Chỉ tính riêng quận Đống Đa, chi phí đền bù ước lên tới hơn 10 tỷ đồng.

Trên thực tế, việc tìm được nguồn vốn để giải quyết tình trạng này không hề dễ dàng khi mà từ giữa năm 2015, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo UBND các quận và cơ quan chuyên môn tổng rà soát, lên phương án xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, việc thiếu tiền chi trả đền bù đang là rào cản đối với chủ trương này.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, giải pháp căn bản để chấm dứt tình trạng trên, không chỉ là vấn đề nguồn vốn, mà mấu chốt căn bản nhất là Thành phố cần tính đến vấn đề này ngay từ khâu quy hoạch. Thay vì chạy theo giải quyết từng trường hợp khi dự án đã hoàn thiện, ngay từ khi bắt đầu lập dự án, các cơ quan chức năng phải phát hiện ra các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo có thể sẽ hình thành, từ đó trao đổi với người dân để người dân có phương án thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp người dân không thỏa thuận được thì Nhà nước phải đứng ra can thiệp bởi sau khi giải phóng mặt bằng, giá trị đất mặt phố tăng lên chóng mặt, nên việc hợp thửa, hợp khối cũng phức tạp, chưa kể dễ sinh ra khiếu kiện kéo dài.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top