Thị trường BĐS Việt Nam vừa kết thúc quý đầu tiên với những gam màu đối nghịch, có những điểm sáng tích cực nhưng cũng song hành với gam màu tối. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là ngay từ đầu năm 2017, BĐS có một tín hiệu đáng mừng đến từ việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2017, thị trường BĐS cả nước đón thêm hơn 340 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, con số này cao hơn khoảng 100 triệu USD so với kết quả của năm 2016. Có thể điểm mặt một số dự án lớn được công bố như Tập đoàn Mitsubishi ký kết với Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh phát triển dự án nhà ở với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 290 triệu USD. Một liên doanh đầu tư khác giữa Tập đoàn Maeda (Nhật Bản) và Công ty Thiên Đức cũng đã được thành lập để phát triển dự án căn hộ cao cấp Waterina Suites với tổng đầu tư 30 triệu USD tại quận 2, TP. HCM.
Kết quả này tiếp tục giúp BĐS giữ vững vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, chỉ sau lĩnh vực chế biến chế tạo.
Ông Phạm Văn Đại – Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết, trong quý I/2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng mạnh 73% theo năm. Theo quốc gia, Hàn Quốc đóng góp đến 48% vốn đăng ký mới. Theo ngành, khu vực công nghiệp chiếm 85% tổng vốn đăng ký. Được biết, vốn thực hiện tăng 3,4% theo năm. Dự kiến trong tương lai, FDI đi vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Các chuyên gia BĐS cho rằng, đây là một sự mở đầu tốt, chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thực tế Việt Nam đang có nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, năm 2017 sẽ trở thành một năm nóng đối với dòng vốn ngoại. Và dù không có TPP, độ nóng sẽ giảm đi, nhưng thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn cơ hội ở những hiệp định thương mại song phương khác. Do đó, vị chuyên gia này kỳ vọng đây sẽ là xu hướng dẫn dắt luồng vốn cho cả năm 2017.
Liên quan đến nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng dự báo, trong năm 2017 vốn FDI vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp đến là vốn tín dụng trong nước là nguồn lực chủ yếu, vốn trong dân, kiều hối sẽ được huy động nhiều hơn, nhất là đầu tư vào phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, trong lĩnh vực đầu tư BĐS, các doanh nghiệp trong nước vẫn mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, hiện nay các doanh nghiệp trong nước không thua kém gì các doanh nghiệp nước ngoài về quy mô, chất lượng và thậm chí cả giá cả dự án.
“Trước đây chúng ta khuyến khích FDI vào BĐS và bây giờ vẫn đang rất khuyến khích. Song về triển khai dự án thì các doanh nghiệp trong nước sẽ có lợi thế hơn, trong những vấn đề như giải phóng mặt bằng, chế độ bán hàng... Tôi cho rằng, với các dự án lớn thì nên triển khai theo hình thức liên doanh sẽ hiệu quả hơn là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài", ông Nguyễn Văn Toàn cho biết.
Tuy nhiên, nếu như nguồn vốn FDI “chảy vào” thị trường BĐS quý I/2017 đạt được những tín hiệu đáng mừng thì nguồn vốn tín dụng trong tương lai có thể bị thắt chặt hơn so với những năm trước, gây trở ngại đến đà tăng trưởng của thị trường.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/1/2017, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã được rút từ 60% xuống 50%. Tín dụng cho BĐS là những món vay dài hạn, việc giảm tỉ lệ này đồng nghĩa với nguồn vốn cho vay BĐS sẽ giảm nhiều.
Bên cạnh đó, hệ số rủi ro cho cho vay kinh doanh BĐS sẽ tăng từ 150% lên 200%. Quy định này cũng bắt buộc các ngân hàng phải giới hạn quy mô cho vay kinh doanh BĐS. Chưa kể, lãi suất cho vay trong năm 2017 đang có xu hướng tăng sẽ có thể ảnh hưởng bất lợi cho thị trường BĐS nói chung.
Nhận định về áp lực tăng đang nhen nhóm trên đường đi của lãi suất, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc quản lý tài sản và BĐS của Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam cho rằng mặt bằng lãi suất có thể tăng do yếu tố khách quan và nội tại.
Trước nhiều ý kiến cho rằng lãi suất ngân hàng đang có chiều hướng tăng khi một số ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động lên 9,2%, ông Đặng Văn Quang giả định, nếu không kiểm soát tốt, mặt bằng lãi suất có thể sẽ tăng thêm 2,5% so với mức lãi suất hiện nay, chi phí vốn tăng, CPI tăng theo, BĐS không thanh khoản được đồng nghĩa với thị trường BĐS đi xuống. Khi lãi suất tăng, người dân có xu hướng giữ tiền ngân hàng, trong khi đó, giá thành BĐS tăng và thị trường sẽ kém thanh khoản.
Với những diễn biến của thị trường trong 3 tháng đầu năm 2017, đánh giá chung về thị trường 2017, Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định thị trường BĐS tiếp tục xu hướng ổn định của năm 2016 và phát triển có phần mạnh mẽ hơn.
Cũng theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, mặc dù thị trường chưa xuất hiện các “cú huých” đủ mạnh để tạo tăng trưởng đột biến, tuy nhiên sự năng động, quyết tâm của Chính phủ và thị trường trong việc điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở hạng tiêu chuẩn (phân khúc trung bình), đa dạng hóa nguồn tín dụng vào thị trường BĐS, đồng thời sự phát triển của phân khúc BĐS du lịch sẽ tạo nên sức hấp dẫn của thị trường BĐS Việt Nam năm nay.