Nguyên nhân là do thiếu các chính sách mạnh mẽ để thu hút nguồn lực tham gia phát triển, hiện thực hóa quy hoạch một cách hiệu quả.
Bài toán khó về vốn
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg (Quy hoạch chung 1259) ngày 26/7/2011 và Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều xác định phát triển mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp thông tin, theo dữ liệu của chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, nhu cầu vốn để xây dựng hoàn thiện hệ thống đô thị theo Quy hoạch chung 1259 là 8.200.866 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung vào khoảng 5.476.577 tỷ đồng (chiếm 66,7%), còn lại để đầu tư nâng cấp 20 đô thị thành phần (chiếm 33,3%).
“Tổng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và các thành phố thuộc Thủ đô như đường sắt ngoại ô, xe buýt các loại… cần khoảng 4.700.000 tỷ đồng. Theo dự toán, ngân sách của thành phố chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu phát triển hạ tầng; riêng hạ tầng các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, dự kiến cần khoảng 2.786.079 tỷ đồng. Nếu chỉ dành ngân sách để phát triển hạ tầng thì sẽ không còn nguồn lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu khác như y tế, an sinh, giáo dục…”, ông Lê Quốc Hiệp nêu.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, việc thiếu vốn để phát triển hạ tầng đô thị vệ tinh và các đô thị mới đã khiến việc thực hiện Quy hoạch chung 1259, bao gồm 5 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn sinh thái, không đạt được nhiều chỉ tiêu, yêu cầu đặt ra. Đối với các thị trấn huyện lỵ, về cơ bản chưa đạt được mức tối thiểu của một đô thị cấp V có vai trò là trung tâm hành chính của huyện. Các chỉ số về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn chưa được đầu tư đúng mức…
Cần cơ chế đặc thù, đột phá
Từ những phân tích nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp cho rằng, “bài toán khó” của Hà Nội cần được giải bằng những cơ chế có tính đột phá để khuyến khích được sự đóng góp, chia sẻ của các nguồn lực ngoài xã hội, trong đó chủ yếu từ các doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt là thực hiện tốt phương thức hợp tác công tư để sử dụng nguồn lực từ đất đai tạo vốn cho đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nhận định, nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, quan trọng của thành phố Hà Nội rất lớn. Để hoàn thành các nhiệm vụ này, việc bố trí nguồn vốn và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch là nhiệm vụ có tính chất then chốt, quyết định.
“Do đó, cần bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND TP. Hà Nội được sử dụng các nguồn như quỹ dự trữ tài chính, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách thành phố trong thời gian chưa sử dụng; nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do thành phố quản lý; nguồn thu sử dụng đất; nguồn thu từ 25% diện tích đất của các dự án nhà ở thương mại dành cho đầu tư nhà ở xã hội nhưng được nộp bằng tiền... Ngoài ra, cần phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô và các nguồn tài chính hợp pháp khác”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn kiến nghị.
Còn theo Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, đào tạo và hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) Vũ Tuyết Mai, với tiềm năng phát triển hiện tại, không tính đến ảnh hưởng xấu của đại dịch Covid-19 và các yếu tố suy thoái kinh tế toàn cầu thì đến năm 2035 mới đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030. Điều này đòi hỏi sự dốc sức toàn lực của cả xã hội, không thể dựa vào khả năng chi trả của vốn đầu tư công (hiện chỉ chiếm 3-5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội).
Các chuyên gia đều bày tỏ tin tưởng, việc nhìn nhận đúng nguồn lực thực tế sẽ giúp thành phố Hà Nội vận dụng linh hoạt hơn trong việc đề ra một chiến lược phát triển đô thị thiết thực và có tính khả thi cao. Chiến lược này sẽ là kim chỉ nam để kêu gọi nguồn lực đầu tư tiềm tàng trong xã hội và khu vực, tránh triệt để sự đầu tư cục bộ, manh mún, thiếu định hướng gây lãng phí nguồn lực và không đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô./.