Aa

Thu phí môi trường để giảm số lượng xe máy là không thể!

Thứ Sáu, 26/10/2018 - 04:17

Mỗi lít xăng hiện nay, người dân đã phải gánh tới 4.000 đồng tiền thuế môi trường, một mức thuế được cho là vào loại cao nhất khu vực.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND Thành phố xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện.

Vấn đề ở chỗ, Sở GTVT TP đã không đưa ra được căn cứ khoa học để hình thành nên loại phí mới. Điều này khiến dư luận, nhất là các nhà khoa học, phải thốt lên: Lại thêm một sáng kiến nữa do các ngài ngồi phòng máy lạnh nghĩ ra để  dân nghèo phải đóng thêm tiền thuế.

Theo thống kê, hiện TP có hơn 8,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có hơn 7,6 triệu mô tô, xe gắn máy. Nhưng nên nhớ, chủ sở hữu của chúng đại đa số là người nghèo. Xe mô tô, xe gắn máy là phương tiện chủ yếu để người nghèo dùng làm phương tiện đi lại và phương tiện mưu sinh.

Hơn nữa, ai cũng có nhu cầu đi lại và họ sử dụng phương tiện cá nhân để đi, đó là phương tiện thuận lợi nhất. Người dân không thể đi xe đạp trong TP với lưu lượng xe gắn máy như hiện nay, ngay cả đi bộ cũng không khả thi vì không dám qua đường và mất quá nhiều thời gian.

Đấy là chưa nói tới việc, cơ quan chức năng lấy tiêu chí gì để đo nồng độ bụi do những loại xe này gây ra? Trong khi, mỗi lít xăng hiện nay, người dân đã phải gánh tới 4.000 đồng tiền thuế môi trường, một mức thuế được cho là vào loại cao nhất khu vực.

Còn thu phí vì các loại xe phá đường? Xe mô tô, xe gắn máy đâu có phá hỏng đường. Còn các loại ô tô thì mỗi năm, mỗi chiếc xe đều phải đóng phí bảo trì đường bộ. Thấp nhất là xe ô tô con 4 chỗ ngồi, mức thuế đã là 130.000 đồng/tháng, xe lớn có khi lên đến cả triệu đồng/tháng.

Liên quan đến đề xuất thu phí này của Sở GTVT TP, PGS.TS. Nguyễn Văn Ngãi - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen phân tích: “Nếu ô nhiễm do khói xe thì không được phép thu thêm vì mỗi người dân đã phải đóng thuế môi trường qua xăng dầu. Trường hợp thu vì làm xuống cấp cầu đường thì đã có thuế cầu đường khác, còn trường hợp thu vì xe chạy gây bụi thì phải xem ai là người gây ra? Bụi ấy phần nhiều là do xe lớn gây ra, mà xe chạy làm bụi bung lên là do đường dơ, lòng lề đường không được làm sạch”.

Có thể nói, bây giờ người dân, dù ở nhà hay đi đâu, cũng è cổ đóng đủ thứ phí và lệ phí. Chẳng khác nào kiểu đang lâm vào thế  “thập diện mai phục”, “tứ bề thọ địch”. Vì ở bất chứ lĩnh vực nào, hình thức hoạt động, giao dịch nào (điện, giao thông, nước, giáo dục, y tế...) thì người dân cũng đều phải đóng thuế. Riêng lĩnh vực giao thông, có những khoản thuế phí rất vô lý như: Nhập nhèm phí BOT, thuế bảo vệ môi trường, phí ô nhiễm môi trường…

Thật khó trách khi có người hỏi rằng: Bao nhiêu lâu nay số tiền đóng thuế của họ dùng để làm gì, mà bây giờ, thứ gì cũng phải mất tiền? Thậm chí, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh còn cho rằng: “Dù không hợp lòng dân lắm nhưng thuế bảo vệ môi trường là khoản dễ thu, cứ nhập xăng về là thu được, “tiền tươi thóc thật” nên vẫn được ưa thích”.

Người dân sẵn sàng đóng tiền, nhưng cơ quan quản lý giảm thiểu ô nhiễm bằng cách nào, có làm không hay lấy tiền đó nhập vào ngân sách, rồi “hòa cả làng”, không biết tiền đó đi đâu? Dân đã gánh quá nhiều thuế phí! Bù lại, những gì họ được hưởng trở lại từ số tiền đã đóng, rất khó nhận ra: Môi trường thì cứ ô nhiễm ngày một tăng, đường phố “ngập vẫn hoàn ngập”, kẹt xe vẫn kẹt xe, đường giao thông cứ đầy ổ gà, xuống cấp..v..v.

Dẫu biết, TP.HCM đang phải đương đầu với chuyện kẹt xe, ngập nước và tình trạng ấy càng ngày càng nặng nề. Nhưng không phải vì thế mà các vị cứ một hai “nhăm nhe” dân nghèo để thu thuế này, phí kia. Trong đó, chuyện thu phí môi trường để giảm số lượng xe mô tô, gắn máy là không thể!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top