Aa

Thu phí tự động không dừng: Vì sao không đảm bảo lộ trình thời gian?

Thứ Sáu, 19/04/2019 - 12:10

Đã hết quý I năm 2019 nhưng lộ trình triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đề ra vẫn không như ý muốn.

Một phần của sự chậm trễ này là do không ít nhà đầu tư BOT đang tâm tư khi đơn vị được lựa chọn để tiến hành thu phí lại chỉ là những đơn vị tư nhân chứ không phải một đơn vị hành chính Nhà nước.

Không đảm bảo lộ trình bàn giao

Tổng cục ĐBVN cho biết, đến hết năm 2019, tất cả các trạm thu phí BOT còn lại trên toàn quốc đều phải thu phí tự động không dừng (ETC).

Tại hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC vào sáng 16-3-2018, theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN, cả nước mới thực hiện dán thẻ Etag cho hơn 500.000 ô tô, còn 2,3 triệu ô-tô nữa chưa dán. Tại hội nghị, Tổng cục ĐBVN đưa ra mục tiêu, đến cuối năm 2018 trên toàn tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 14 sẽ thu phí ETC tại tất cả các trạm.

Cũng theo quan điểm của lãnh đạo Tổng cục ĐBVN, hình thức thu phí không dừng có nhiều lợi ích khi cơ quan quản lý Nhà nước dễ quản lý hơn, nhất là vấn đề minh bạch phí qua trạm BOT. Mỗi khi xe qua trạm, chủ xe sẽ nhận được tin nhắn trừ tiền phí, giảm thiểu ùn tắc giao thông qua trạm.

Bước sang tháng 8-2018, Bộ GTVT có văn bản gửi Tổng cục ĐBVN, các nhà đầu tư BOT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng theo đúng lộ trình.

Văn bản Bộ GTVT cho biết, hiện nay, tại một số trạm thu phí đã triển khai làn thu phí không dừng. Các nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ không dừng đã phối hợp trong việc dán thẻ và sử dụng làn thu phí tự động không dừng đối với tất cả các phương tiện; trong đó, có các phương tiện thuộc diện miễn, giảm phí, sử dụng vé tháng, vé quý khi qua các trạm thu phí.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng phải công nhận, tại một số trạm, việc phối hợp giữa các đơn vị chưa hiệu quả, dẫn đến số lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng làn thu phí tự động không dừng còn hạn chế.

thu phi tu dong khong dung vi sao khong dam bao lo trinh thoi gian
Hết quý I/2019, việc triển khai thu phí ETC vẫn không diễn ra theo đúng lộ trình. 

Bước sang tháng 1-2019, Tổng cục ĐBVN cho biết, đã triển khai vận hành ETC được 26 trạm với 91 làn thu phí không dừng. Đồng thời, đang vận hành kiểm tra thử 7 trạm với 18 làn thu phí không dừng. Đã có 364 điểm cung cấp dịch vụ dán thẻ đầu cuối, trong đó 134 điểm tại các trung tâm đăng kiểm, 24 điểm dịch vụ tại trạm thu phí, 210 đại lý và cộng tác viên lưu động. Số lượng thẻ đã dán được khoảng hơn 680.000 thẻ.

Tổng cục ĐBVN yêu cầu các nhà đầu tư BOT bàn giao toàn bộ trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí trước ngày 30-3-2019 để triển khai thu phí tự động không dừng. Trên thực tế, việc bàn giao này đã không theo đúng lộ trình.

Băn khoăn về một liên danh tư nhân

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này việc thu phí ETC vẫn đang khiến nhiều nhà đầu tư BOT phân vân. Theo cách thức thực hiện như hiện nay, khi Tổng cục ĐBVN yêu cầu các nhà đầu tư BOT bàn giao lại toàn bộ trạm thu phí cho TASCO – VETC quản lý, vận hành thì toàn bộ quá trình tực hiện từ Front end đến Back end, toàn bộ công tác tổ chức thu phí, quản lý doanh thu, quản lý tài sản của người dân, tài sản của nhà đầu tư… sẽ do một tay TASCO –VETC thực hiện.

Như vậy, những câu hỏi về tính minh bạch sẽ được đặt ra, bởi TASCO - VETC cũng chỉ là một doanh nghiệp tư nhân như các nhà đầu tư BOT khác mà không phải cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mặt khác, chưa có một công bố rõ ràng về đánh giá năng từ phía Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN đối với liên doanh TASCO – VETC, trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn bị hối thúc để bàn giao lại trạm cho liên danh này.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội đã lấy ví dụ về Trạm thu phí BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp để minh chứng cho những bất hợp lý của việc lực chọn đơn vị thu phí ETC.

Trạm thu phí này thuộc Công ty TNHH BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp đầu tư. Về mặt pháp lý, đơn vị này hoàn toàn có quyền, nghĩa vụ về quản lý, sử dụng tài sản và tổ chức thu phí hoàn vốn cho dự án theo Hợp đồng BOT đã ký. Việc triển khai thực hiện thu phí theo hình thức ETC lại không nằm trong trường hợp bị hạn chế quyền dân sự (chỉ khi thật cần thiết vì mục đích an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng).

Tại thời điểm Bộ GTVT ký hợp đồng BOO ngày 13-07-2016 cho Công ty TNHH Thu phí tự động VETC có quyền nhận bàn giao trạm thu phí để thực hiện tổ chức thu phí hoàn vốn thay cho nhà đầu tư cho thấy chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về việc bắt buộc hay cho phép thực hiện như vậy. Do đó, Bộ GTVT không thể yêu cầu nhà đầu tư BOT thực hiện theo hợp đồng mà Bộ GTVT đã ký với một bên thứ ba khác.

Mặt khác, việc bàn giao trên nếu không có sự đồng ý, thống nhất của nhà đầu tư BOT (là một bên chủ thể của hợp đồng BOT, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Hợp đồng BOO) là chưa phù hợp, vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 3 Bộ Luật dân sự 2015: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Khoản 2 Điều 11 Luật Thương mại 2005: Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào”.

Trước sức ép từ Tổng cục ĐBVN về việc phải bàn giao trạm thu phí cho Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã khiến không ít doanh nghiệp BOTđặt câu hỏi: Tài sản do họ đầu tư nhưng phải bắt buộc bàn giao cho một doanh nghiệp khác quản lý, vận hành liệu có đúng?; Việc yêu cầu nhà đầu tư bàn giao trạm thu phí theo chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN có khách quan và phù hợp với quy định của pháp luật?; Bộ GTVT và Liên danh Công ty Cổ phần TASCO và Công ty CP VETC, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (gọi tắt là “VETC”) ký hợp đồng BOO mà không đàm phán, thỏa thuận với các nhà đầu tư, đồng thời yêu cầu phải bàn giao cho VETC tiếp nhận, tổ chức thu phí sử dụng đường bộ thay cho nhà đầu tư có đúng với các quy định pháp luật hiện hành?.

Theo luật sư Hướng, mong muốn của Chính phủ là muốn tăng cường công khai, minh bạch trong công tác thu phí, đảm bảo giao thông thông suốt, cũng như khai thác tối đa hiệu quả công nghệ thu phí tự động không dừng.

Với việc Tổng cục ĐBVN áp đặt, đưa các đơn vị VETC vào thu phí mà chưa có một công bố năng lực rõ ràng đang cho thấy, nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn tới việc vốn của Nhà nước, của chủ phương tiện qua trạm sẽ bị lợi dụng và có lợi cho riêng liên danh VETC.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top